Thắng lợi lớn của ông Trump và phe Cộng hòa trước thềm bầu cử Mỹ
Các nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Trump đã đạt được một bước tiến quan trọng vào hôm qua (26/10) với việc Thượng viện phê chuẩn bà Barrett trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.
02:30 28/10/2020
“Tòa án bảo thủ nhất…”
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, cuộc bầu cử Mỹ chính thức sẽ diễn ra. Các cuộc thăm dò cho thấy phe Dân chủ sẽ không chỉ kiểm soát Hạ viện mà còn có khả năng giành lại quyền kiểm soát Thượng viện mà họ đã để mất vào năm 2014.
Nhưng ngay cả khi đảng Cộng hòa bị đánh bại trong ngày bầu cử thì đảng này hoàn toàn có thể yên tâm rằng bộ máy tư pháp liên bang vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của họ. Hơn nữa, những thẩm phán nghiêng về phe bảo thủ mà đảng Cộng hòa dựng lên trên toàn nước Mỹ ở mọi cấp độ, từ Tòa án Tối cao đến tòa án cấp quận, có khả năng vẫn nắm giữ quyền lực trong nhiều thế hệ. Nói cách khác, nếu Tổng thống Trump thua thì phe của ông vẫn chiến thắng.
Mike Davis, thuộc nhóm ủng hộ công lý bảo thủ cho biết: “Lần đầu tiên sau hơn 80 năm qua chúng ta có đa số ghế bảo thủ trong Tòa án Tối cao”.
Với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống (trong đó có một Thượng nghị sỹ Cộng hòa bỏ phiếu chống), bà Amy Coney Barrett là thẩm phán đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Mỹ được chuẩn thuận mà không có sự ủng hộ của bất cứ thành viên nào thuộc phe Dân chủ. Trước đó, ông Trump đã liên tục hối thúc Thượng viện thông qua đề cử bà Barrett. Việc bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett sẽ khiến cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao nghiêng về phe bảo thủ nhiều hơn, với 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do.
Bà Barrett, 48 tuổi, sẽ thay thế thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, người được ví là biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng đã qua đời vào ngày 18/9. Barrett được cho là sẽ thúc đẩy sự thay đổi tư tưởng mạnh mẽ trong tòa án. Phe Dân chủ đã thực hiện nhiều nỗ lực để ngăn cản hoặc chậm lại tiến trình bỏ phiếu của Thượng viện, nhưng họ đã không thành công trước quyết tâm giành được thế đa số 6-3 tại Tòa án của phe Cộng hòa.
Một số chuyên gia pháp lý nhận định, đây sẽ là Tòa án Tối cao bảo thủ nhất kể từ trước Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Sự hiện diện của bà Barrett có thể củng cố lợi thế của phe bảo thủ trong những vấn đề như tài trợ cho chiến dịch tranh cử và quyền sử dụng súng, trong khi gây bất lợi cho phe cấp tiến trong các vấn đề như quyền nạo phá thai, quyền bầu cử và các quy định chăm sóc sức khỏe.
Barrett có thể nhanh chóng thể hiện vai trò quan trọng tại Tòa án Tối cao. Bà không thể can dự vào các trường hợp đã được xét xử nhưng sẽ đưa ra quyết định về những lá đơn mà các tiểu bang đệ trình liên quan đến tranh cãi về hình thức bỏ phiếu.
Việc xây dựng mạng lưới các thẩm phán bảo thủ từng được cho là kế hoạch của Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ McConnell hơn là của Tổng thống Trump. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Trump đã bổ nhiệm 220 thẩm phán, trong đó có cả bà Barrett. Con số này cao hơn so với số lượng thẩm phán những người tiền nhiệm đã bổ nhiệm, kể cả những người có hai nhiệm kỳ. Mỗi khi Tổng thống Trump nhận được sự tán dương sau mỗi đề cử được thông qua thì ông Mc Connell được cho là người âm thầm đứng sau thúc đẩy các nỗ lực này.
“Tôi thích dự luật thuế và nhiều vấn đề khác mà chúng tôi đã thực hiện. Nhưng tôi cho rằng, việc bổ nhiệm thẩm phán trọn đời không chỉ ở Tòa án tối cao mà ở cả các tòa án cấp địa phương – sẽ là cách bạn tạo ra tác động lâu dài đến đất nước”, ông McConnell nói.
Phe Dân chủ phản ứng
Trong bối cảnh cuộc bầu cử chính thức sắp diễn ra, việc Thượng viện phê chuẩn bà Barrett trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao được coi là một chiến thắng đối với Tổng thống Trump và phe Cộng hòa, nhưng điều này lại khiến phe Dân chủ giận dữ.
Đảng Dân chủ từng phản đối quyết định đề cử bà Barrett của Tổng thống Trump và cho rằng ông không nên làm điều này trước cuộc bầu cử. Còn nhớ 4 năm về trước, Thượng viện Mỹ đã từ chối xem xét đề cử của Tổng thống Barack Obama đưa ông Merrick B. Garland làm thẩm phán Tòa án Tối cao, thay người tiền nhiệm Antonin Scalia mới qua đời, trước cuộc bầu cử chính thức.
Phe dân chủ cảnh báo, việc bổ nhiệm bà Barrett có thể dẫn đến chấm dứt Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng khi Tòa án tối cao xét xử vụ kiện liên quan đến luật chăm sóc sức khỏe ngày 10/11 tới. Họ cũng lo ngại bà Barrett sẽ bỏ phiếu ủng hộ xóa bỏ đạo luật cho phép hợp pháp hóa phá thai, ban hành năm 1973, có tên “Roe vs Wade”.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Sheldon Whitehous cho rằng, việc chuẩn thuận bà Barrett là một “chiến dịch đen tối, có quy mô lớn và tinh vi”, đồng thời cáo buộc nhân vật này là một “công cụ phục vụ cho lợi ích của các nhà tài trợ cánh hữu”.
Một số thành viên của đảng Dân chủ muốn ứng cử viên Biden mở rộng Tòa án Tối cao nếu ông đắc cử. Theo giới phân tích, ông Biden có thể làm như vậy, nhưng ứng cử viên này khó xóa bỏ được ảnh hưởng của Tổng thống Trump và lãnh đạo McConnell vì 1/4 số thẩm phán đã được bổ nhiệm, luôn có quan điểm đứng về phía ông Trump. Theo đánh giá của một thành viên trong phe bảo thủ thì “Đảng Dân chủ hầu như không thể làm gì để thay đổi thực tế đó”.
Các thẩm phán mà ông Trump đề cử đã được Hiệp hội Liên bang về Luật và Nghiên cứu Chính sách Công (Federalist Society) cùng các tổ chức bảo thủ khác xem xét cẩn thận. Nhiều người trong số này, dù không thể hiện sự trung thành với Tổng thống đương nhiệm một cách công khai, nhưng họ cũng không dễ thích nghi với một chính quyền mới.
Về phần mình, ứng cử viên Joe Biden đã từ chối đưa ra quan điểm về việc bổ sung các thẩm phán vào tòa án tối cao nếu được bầu song cho biết sẽ chỉ định một ủy ban lưỡng đảng để nghiên cứu cải cách tòa án./.
Link nguồn: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thang-loi-lon-cua-ong-trump-va-phe-cong-hoa-truoc-them-bau-cu-my-813128.vov
Ra sức công kích đối thủ, nhưng Biden lại nhầm Trump thành George Bush
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra lúng túng do nhầm tên Tổng thống Donald Trump với cựu Tổng thống George Bush khi ông phát biểu trước những người ủng hộ.