Thanh niên học thạc sĩ ở Mỹ về Việt Nam phải chạy thêm xe ôm kiếm sống
Người sử dụng mang xã hội tại Việt Nam đang chia sẻ một bài trên báo Thanh Niên về anh Phạm Quốc Thái, 26 tuổi, một trong sáu người được chọn đưa đi Mỹ học thạc sĩ theo đề án “Đô Thị Thông Minh”.
09:30 30/06/2019
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, anh này về nước và được nhà cầm quyền phân công làm… nhân viên rà soát hồ sơ, nhập liệu ở Ban Quản Lý An Toàn Thực Phẩm thành phố Sài Gòn với mức lương 2.8 triệu đồng ($120)/tháng.
Do lương không đủ sống, anh này phải chạy xe ôm GrabBike vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập.
Báo Thanh Niên cho biết: “Công việc hằng ngày của một thạc sĩ học ở Mỹ về chỉ là nhận tờ khai của doanh nghiệp thực phẩm nộp vào, kiểm tra việc điền thông tin về truy xuất nguồn gốc có khớp không, nếu không khớp sẽ hướng dẫn điền cho đúng.”
Theo tờ báo, công việc này chỉ cần người học hết lớp 9 là có thể làm được.
“Trò chuyện với những người bạn cùng phòng, chúng tôi được biết Thái được kết nạp đảng [CSVN] từ lúc học trung học phổ thông ở Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) và có thành tích học tập rất ấn tượng. Khi học năm ba Trường Đại Học Bách khoa ở Sài Gòn, Thái là một trong ba sinh viên Việt Nam nhận được học bổng trong chương trình trao đổi sinh viên giữa các nước Đông Nam Á và có một kỳ học tại Đại Học Quốc gia Singapore. Đáng chú ý, cùng thời điểm nhận học bổng đi Mỹ, anh còn nhận được học bổng học thạc sĩ đúng chuyên ngành xây dựng ở Ý trong vòng hai năm do chính phủ Ý tài trợ 100%. Đây là học bổng bất cứ sinh viên nào cũng ao ước nhận được, bởi ngoài việc tài trợ học phí, chi phí sinh hoạt, mỗi năm học viên sẽ được cấp hơn 8,000 euro ($9,094)…. Anh Thái cho biết, việc được bố trí việc làm không phù hợp, lương quá thấp khiến anh đang suy nghĩ có nên gắn bó lâu dài với công việc hiện tại hay không,” tờ báo viết.
Báo Thanh Niên hôm 26 Tháng Sáu tiếp tục tường thuật vụ này: “Bí Thư Thành Ủy ở Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân cho hay mức lương 2–3 triệu đồng đối với nhân viên mới ký hợp đồng mà cụ thể với trường hợp của anh Thái là quy định chung của nhà nước, chứ không phải quy định riêng của Sài Gòn. Tuy nhiên, bí thư Thành Ủy khẳng định sẽ yêu cầu các bên liên quan báo cáo cụ thể sự việc.”
Tuy vậy, mạng xã hội không có nhiều ý kiến tỏ vẻ ủng hộ hay đồng cảm với anh Phạm Quốc Thái.
Một số còn cho rằng yếu tố “vào đảng [CSVN] từ lúc học trung học phổ thông” đã khiến anh này không còn sáng suốt trong chuyện chọn việc có mức lương tương xứng với bằng cấp mà mình đạt được.
Ông Nguyễn Quốc Việt, cựu phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM bình luận trên trang cá nhân: “Cái này lỗi chính là của cá nhân chàng kỹ sư tài năng. Người có năng lực mà đi chạy Grab là do anh chọn nha. Kêu ca gì.”
Facebooker Pham Tuong Van cho biết ý kiến trên trang cá nhân: “Với một năm tu nghiệp ở Mỹ, chắc kỹ năng tiếng Anh và công nghệ thông tin cũng không tồi, lại đang sống ở một thành phố trẻ, năng động nhất Việt Nam, anh bạn này hoàn toàn có thể chủ động hơn trong việc tìm kiếm thêm thu nhập từ chất xám ngoài tám giờ vàng ngọc bị ràng buộc, vậy mà lại chọn chạy GrabBike. Mình nghĩ bạn ấy ngoài việc học giỏi ra, thì còn thiếu nhiều kỹ năng mềm lắm. Đây cũng là điểm yếu chết người của nhiều học sinh, sinh viên được xem là giỏi của Việt Nam.”
(T.K.)
Trump xác nhận không áp thêm thuế với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ cho biết sẽ tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc và có thể cho phép Huawei mua lại hàng Mỹ.