Thành phố đầu tiên ở Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng
San Francisco có thể đã trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19 dựa vào tỷ lệ tiêm chủng, theo các chuyên gia.
00:00 10/06/2021
Bác sĩ George Rutherford, giáo sư Dịch tễ học tai Đại học California San Francisco (UCSF), cho biết thành phố này vẫn ghi nhận một số lượng nhỏ ca mắc Covid-19 rơi vào khoảng 13,7 ca một ngày. Tuy nhiên virus không có cơ hội xâm nhập vào cộng đồng cư dân để khởi phát một đợt dịch lan rộng, theo Guardian.
“Đây chính là biểu hiện của miễn dịch cộng đồng”, ông Rutherford cho biết. “Tuy vẫn xuất hiện các trường hợp đơn lẻ, virus sẽ không thể lây lan rộng rãi”.
Gần 80% dân cư thành phố San Francisco đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 68% dân cư đã được tiêm đủ mũi.
Tiến sĩ Peter Chin-Hong, Phó chủ nhiệm khoa tại UCSF chuyên về các bệnh truyền nhiễm, tin rằng nếu tính theo số lượng người đã đạt miễn dịch Covid-19, San Francisco đã đủ điều kiện đạt miễn dịch cộng đồng.
Khu Chinatown tại San Francisco, California. Ảnh: AP.
Giới chức trách y tế vẫn chưa thống nhất bao nhiêu phần trăm dân số miễn dịch với Covid-19 thì được coi là miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng là khi nhiều người có kháng thể chống virus đến mức virus không thể lan truyền trong cộng đồng.
Miễn dịch cộng đồng cũng là mục tiêu lớn nhất mà các cộng đồng muốn đạt tới. Theo Đại học Y dược Yale, các chuyên gia cho rằng virus sẽ rất khó lan truyền khi 60 đến 70% cư dân được miễn dịch. Với các biến thể dễ lây lan hơn, số lượng ước tính sẽ tăng lên. Nhiều chuyên gia ước tính khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được khi 80 đến 90% cư dân được tiêm phòng.
Tiến sĩ Rutherford cho biết San Francisco có một số lợi thế trong việc đạt được miễn dịch cộng đồng. Thành phố này có ít trẻ em hơn so với nơi khác, khiến nó có tỷ lệ lớn hơn cư dân đủ điều kiện tiêm chủng. Dân cư San Francisco nhiệt tình tuân thủ biện pháp an toàn và tìm kiếm vaccine.
Đồng thời San Francisco cũng có diện tích nhỏ với sự phân bổ dân cư dày đặc khiến các nhóm nhân viên y tế dễ dàng đi tới từng nơi để thực hiện tiêm chủng.
Tuy vậy, có những dấu hiệu cho thấy cư dân San Francisco bắt đầu nới lỏng biện pháp phòng ngừa và tự do tận hưởng cuộc sống. Một số người không đeo khẩu trang khi ra ngoài, các cuộc tụ họp nhỏ đã bắt đầu trở lại.
“Hy vọng mọi người vẫn tích cực tiêm phòng chứ không ngủ quên trên chiến thắng”, ông Chin-hong cho biết. “Virus sẽ luôn là thứ mà ta phải nghĩ đến”.
Một số ít các hạt trên toàn quốc có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ thậm chí cao hơn San Francisco như hạt Hamilton, New York với 75% dân cư được tiêm đủ mũi vaccine. Tuy nhiên các hạt này không được tính là thành phố lớn.
Mỹ vẫn đang là quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nhất thế giới với tổng số 303 triệu liều vaccine được cung cấp và 42,6% người dân được tiêm đủ liều vaccine trên cả nước.
Trump bất ngờ tuyên bố Trung Quốc và Nga làm bẽ mặt Joe Biden
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tuyên bố bất ngờ trong bối cảnh ông Joe Biden chuẩn bị gặp Tổng thống Nga Putin.