Thành phố New York dùng từ ‘miệt thị gốc Á’ với du học sinh Việt Nam

Phạm Minh Đức, 22 tuổi, một sinh viên Việt Nam du học tại New York, nhận được một lá thư gửi từ Sở Phát Triển Gia Cư của thành phố, trong phần người nhận ghi tên là “Chin Chong” và địa chỉ căn chung cư mà anh cư ngụ.

04:00 30/03/2021

Vài ngày trước khi nhận lá thư kể trên, một thanh tra về an toàn nhà cửa đến kiểm soát tình trạng hệ thống sưởi và ống nước tại căn chung cư của anh Đức, theo tường thuật của nhật báo Washington Post hôm Thứ Bảy, 27 Tháng Ba.

Bì thư gửi cho anh Phạm Minh Đức nhưng lại ghi “Chinh Chong” trong phần tên người nhận. (Hình từ trang Facebook Duc Pham)

“Chin chong” là chữ người nói tiếng Anh dùng để chế nhạo ngôn ngữ người Hoa, sau đó, trở thành một từ miệt thị người gốc Á.

Anh Đức mô tả viên thanh tra nhà cửa là một người da trắng đứng tuổi, rất lịch sự, nhưng không hề hỏi tên để rồi gửi đến anh một lá thư xác nhận việc kiểm tra với tên người nhận là “chin chong.”

Kể từ khi nhận được lá thư “chin chong” kể trên, người sinh viên Việt Nam vừa mới tốt nghiệp kỹ sư nhu liệu điện toán vào năm 2020, hiện đang làm việc cho Facebook, kể anh cảm thấy “đau” vì “ở trước mặt, họ hành xử rất lịch sự nhưng trong lòng không phải là như thế.”

“Bây giờ, mỗi khi gặp người nào khác, câu chuyện này lại dậy lên trong trí tôi,” anh Đức nói với phóng viên. “Họ không ưa tôi vì nguồn gốc sắc tộc của tôi hay sao?”

Đức cho biết đã từng bị chế nhạo “chin chong” trên đường phố New York, nhưng với việc lá thư với danh từ miệt thị kia được gửi từ báo cáo của một nhân viên chính phủ khiến anh bắt đầu tự hỏi: “Phải chăng đây là phần nổi của tảng băng chìm?”

Anh Đức đăng tải chiếc bì thư “chin chong” trên mạng xã hội, thoạt đầu, chỉ có phản ứng bạn bè, gia đình từ phía cộng đồng nói tiếng Việt, nhưng sau đó, truyền sang thế giới dòng chính nói tiếng Anh một cách nhanh chóng.

Ông Brad Lander, nghị viên thành phố New York, đăng trên Twitter cá nhân: “Thật phẫn nộ! Kỳ thị không có chỗ đứng tại thành phố New York – và đặc biệt tại một cơ quan mang nhiệm vụ bình đẳng gia cư và pháp luật.”

Sở Phát Triển Gia Cư Thành Phố New York liên lạc qua điện thoại và trực tiếp gặp anh Đức để xin lỗi và cho biết người nhân viên nọ đã bị đình chỉ công tác không được trả lương.

Anh Đức chia sẻ cho phóng viên rằng anh không lo lắm về chuyện an ninh cá nhân trong suốt thời gian năm năm đi học tại New York, nhưng bây giờ hoàn toàn khác hẳn.

Tập hợp tuần hành phản đối kỳ thị người gốc Á Châu tại New York City ngày Thứ Bảy, 27 Tháng Ba. (Hình: Stephanie Keith/Getty Images)

Gần đây trong những lần gặp gỡ bạn bè gốc Việt, “Chúng tôi bắt đầu nói đến những chuyện bạo lực tấn công người gốc Á,” anh Đức kể. 

“Một lần bước ra khỏi trạm xe điện để về nhà, lần đầu tiên, tôi bắt đầu nhìn dáo dác xem có ai tiến gần mình hay không. Đây là lần đầu tiên tôi làm như thế. Tôi bắt đầu e sợ ngày nào đó có người đánh mình.”

Gia đình và thân nhân tại Việt Nam, sau khi nghe tin tức về những chuyện người gốc Á bị kỳ thị đặc biệt chuyện thảm sát súng tại Atlanta, bắt đầu khuyên Đức nên cẩn thận ở nhà, đừng ra ngoài, mặc dù trước kia họ khuyến khích anh làm ngược lại.

Dù sợ bị trả thù, nhưng Đức quyết định kể lại câu chuyện nhận lá thư “chin chong” vì quan trọng là đến lúc người gốc Á cần nói ra để mọi người biết để cùng “tham gia cuộc thảo luận.”

Thoạt đầu, chỉ là trong vòng gia đình và bạn bè, nhưng bây giờ câu chuyện của Đức “lớn hơn như thế!” (MPL) [kn]

Tags:
Hàng loạt tàu hàng quay đầu gấp giữa biển, chuyển hướng vòng qua mũi Hảo Vọng để tránh kênh đào Suez

Hàng loạt tàu hàng quay đầu gấp giữa biển, chuyển hướng vòng qua mũi Hảo Vọng để tránh kênh đào Suez

"Chúng tôi dự tính con số tàu quay đầu sẽ còn tăng lên nữa trong những ngày tới nếu kênh đào tiếp tục bị tắc", người phát ngôn Georgios Hatzimanolis của Cục hàng hải Ai Cập than vãn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất