Thảo Nguyễn – Khi Tôi Du Học Mỹ
Con người ta hạnh phúc nhất là khi được tự do trải nghiệm mọi điều mình yêu thích, tự do đưa ra mọi quyết định, mà không sợ ảnh hưởng đến bất cứ ai hay bất kì điều gì. Đối với tôi, đó là khoảng thời gian du học ở Mỹ.
07:30 27/08/2017
Nhìn lại cả một chặng đường dài, đại học quả thật là quãng thời gian tuyệt vời nhất của đời tôi. Tuyệt vời nhất ở chỗ, tôi có thể thỏa thích vô tư khám phá bản thân mình, xem tôi là ai và tôi muốn trở thành người như thế nào.
Suốt mùa hè sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhớ Bates quay quắt, nhưng rồi tôi lại sớm bận bịu với những dự định khác cho tương lai. Một năm sau, tôi đến Boston để bắt đầu cuộc hành trình mới. Bates chỉ cách đó 3 tiếng rưỡi đồng hồ đi xe bus, nên thỉnh thoảng tôi cũng có dịp quay về thăm trường và dự lễ tốt nghiệp của bạn bè. Một phần trong tôi vẫn luôn đau đáu hướng về mái nhà đầy tình yêu thương và sự quan tâm ấy. Nhưng cứ mỗi năm trôi qua, các giảng viên ngày một già đi và số người quen của tôi ở trường ngày càng giảm, tôi xót xa chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ có thể sống lại quãng đời ở Bates với cùng những con người ấythêm một lần nữa. Tuy vậy, một phần của Bates sẽ luôn sống động mãi trong lòng tôi. Tôi vô cùng tự hào về Bates, ngôi trường tạo nên những con người sống chân thành với cuộc đời, ngôi trường luôn khuyến khích sinh viên của mình yêu cuộc đời này từ những điều giản đơn nhỏ bé nhất. Bên cạnh những người tranh đấu để vào được các công ty sang trọng với mức lương cao chót vót, sẽ luôn có những sinh viên từ Bates trở thành những nông dân hạnh phúc, những đầu bếp vui vẻ, những người làm nghệ thuật phóng khoáng… và tất cả mọi nỗ lực của họ đều được coi trọng như nhau.
Rất nhiều sinh viên Việt Nam phải chọn cách đi du học như một lối thoát cho mình là một điều đáng buồn. Tôi may mắn vì dù phải chọn con đường này, điểm đến của tôi là Bates. Tôi thấy mình may hơn, vì tôi bắt đầu đại học cách đây 9 năm chứ không phải là bây giờ. Ngày nay có quá nhiều trung tâm cung cấp dịch vụ dành cho du học sinh và sự cạnh tranh giữa các bạn học sinh Việt Nam đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Ngày trước, tôi xin học đại học trong khoảng thời gian đi trao đổi văn hóa ở một bang phía Nam nước Mỹ. Trong trường chỉ có duy nhất mình tôi là người châu Á. 17 tuổi, tôi chỉ có 5 tháng để tự điều chỉnh cuộc sống của mình trước môi trường mới, thi SATs và TOEFL, viết bài luận…. Tôi không nộp đơn vào bất cứ trường nào trong chuỗi Ivy League vì chắc mẩm mình sẽ không được nhận. Quyết định đó chắc đã giúp tôi tiết kiệm được vài trăm đô la, vì khi bắt đầu nhận kết quả, tôi nằm trong danh sách chờ của rất nhiều các trường có thứ hạng khác. Thời gian đó tôi làm việc trong bóng tối rất nhiều, và trở thành người đầu tiên bị cận thị trong gia đình mình. Tôi đã không đặt mục tiêu quá cao, nhưng có lẽ tôi muốn vào đại học đủ để đánh đổi nhiều thứ.
Tôi từng so sánh bản thân mình với các anh chị họ rất thông minh học ở Harvard của mình. Nhưng sau năm thứ nhất, tôi không còn suy nghĩ đó nữa. Tôi thấy cực kì hạnh phúc ở Bates, với bạn bè và với cuộc sống của mình. Giờ được làm nghiên cứu sinh ở một trường lớn và nổi tiếng, tôi thấy điều kiện học tập và thử thách là rất tuyệt vời với tôi hiện giờ, nhưng quả thực tôi không chắc mình sẽ hạnh phúc khi là sinh viên đại học ở đây. Lửa rèn sắt thành thép, nhưng nếu tôi không phải sắt mà là giấy và bị thiêu cháy trong quá trình rèn luyện đó thì sao?
Gần đây trên trang web của trường Bates có đăng bài về những mẩu chuyện diễn ra trong phòng tuyển sinh của trường. Tôi muốn nhấn mạnh một câu hỏi cốt lõi mà nhà tuyển dụng ở Bates sẽ đặt ra khi đọc hồ sơ ứng tuyển: “Ứng viên này có phù hợp với Bates không? Và Bates có phù hợp với ứng viên này không?”
Nếu bạn chịu khó đọc đến đây, thì chắc hẳn bạn thấy Bates phù hợp với tôi rồi.
Ắt hẳn nhiều trường Liberal Arts College khác cũng sẽ đặt ra vấn đề tương tự với các ứng viên của mình. Khi có ai đó nhờ tôi đưa ra lời khuyên cho việc du học của con mình, tôi thường hỏi kèm theo những câu như: Em thích học gì? Em yêu công việc gì? Em có muốn đi du học không? Tôi mong rằng các bạn trẻ sẽ nhận thức chính bản thân mình nhiều hơn, và sẽ hiểu được rằng những thăng trầm bạn sắp sửa trải qua là phải là vì tương lai của chính bạn. Tôi cũng mong các bậc phụ huynh có cái nhìn đa chiều hơn về con cái mình, với những ưu thế và khuyết điểm, có yêu có ghét , chứ không chỉ đơn thuần là điệp khúc bị đơn giản hoá một cách đáng sợ : “vào đại học đi – học tài chính ngân hàng hay quản trị kinh doanh đi – tốt nghiệp đi – kiếm thật nhiều tiền đi”. Tôi khích lệ cách bạn hãy trải nghiệm nhiều hơn là mài đũng quần ở lớp học, bởi vì đó là cách mà tôi tìm hiểu chính bản thân mình và có những câu chuyện thú vị để cho người khác thấy tôi là ai. Bạn có biết không, các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao việc nhận thức bản thân của mỗi cá nhân học sinh.
Mỗi bậc cha mẹ và học sinh đều có quyền mơ về những ngôi trường đại học danh tiếng của Mỹ, đi đến các trung tâm dịch vụ du học hay đi học Anh văn sớm cũng được. Tất cả những điều đó chấp nhận được, miễn là mọi thông tin hay bài luyện trở thành kiến thức và kỹ năng thật của các bạn trẻ. Thị trường du học sinh của Việt Nam vẫn chưa bị suy thoái như ở Trung Quốc, vì vậy tôi mong rằng mọi thành phần trong thị trường này – đặc biệt là các bạn cựu du học sinh Mỹ – sẽ duy trì được ý thức về sự công bằng và tự đặt ra ranh giới cho mình.
Mọi hồ sơ nhập học đều cần phải phản ánh chân thực về các ứng viên, để các em có thể đến đúng nơi dành cho mình, để các em có thể hoà nhập và cảm thấy hạnh phúc trong hành trình của chính mình.
Bởi vì sau đại học, cuộc đời vẫn còn rất dài.
Lá Thư Gửi Một Bạn 18 Tuổi Trên Con Đường Ít Người Dám Đi
Gần đây có một bạn 18 tuổi vừa mới tốt nghiệp viết thư hỏi xin tôi lời khuyên để chọn ngành nghề, khi mà bạn chưa có đủ kinh nghiệm sống và làm việc để có thể đưa ra một quyết định sáng suốt.