Thất bại 'phủ đen' nhiệm kỳ của Trump

Từ một người "ngoại đạo" bước chân vào chính trường, Trump đã để lại một di sản bị "phủ đen" bởi thất bại, theo giới chuyên gia.

06:30 23/01/2021

Ngày 20/1/2017, tỷ phú, ngôi sao truyền hình thực tế Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Washington, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Chiến thắng của ông trước đối thủ Dân chủ Hillary Clinton từng được nhiều người kỳ vọng sẽ "thổi làn gió mới" vào chính trường Mỹ, nhưng cũng khiến không ít người lo ngại về vận mệnh nước Mỹ dưới sự chèo lái của một tổng thống non kinh nghiệm chính trị.

Để theo đuổi cam kết "Đưa Mỹ vĩ đại trở lại" và " trước tiên", được xem như "bệ phóng" đưa ông tới Nhà Trắng, trong suốt 4 năm qua, Trump đã đảo ngược hàng loạt chính sách dưới thời tổng thống Barack Obama và đưa ra rất nhiều chính sách mới.

Tổng thống Donald Trump tại khuôn viên  hôm 12/1. Ảnh: AFP.
Tổng thống Donald Trump tại khuôn viên hôm 12/1. Ảnh: AFP.

Giới chuyên gia đánh giá Trump đã thực hiện được phần nào lời hứa tranh cử, như ngăn các công ty Mỹ chuyển việc làm ra nước ngoài, cắt giảm thuế doanh nghiệp, hoàn thành hơn 700 km tường biên giới và cải cách hệ thống nhập cư để ngăn dòng người xin tị nạn, hay đảo ngược nhiều quy định về môi trường vốn kìm chân sự phát triển của nền kinh tế.

Trong ba năm đầu nhiệm kỳ, Mỹ tăng trưởng với tốc độ trung bình 2,5%, mức tăng được đánh giá khá vững chắc nếu không muốn nói là hiếm có. Trước đó, nền kinh tế dưới thời Barack Obama cũng tăng trưởng ổn định, nhưng chỉ ở mức 2,25%. Mỹ ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp giảm trong ba năm đầu nhiệm kỳ Trump. Đặc biệt, năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1969. Tỷ lệ thất nghiệp của người da màu xuống dưới 6%, lần đầu tiên kể từ năm 1972. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình - chuẩn mực đánh giá chất lượng sống - tăng thêm 6.000 USD trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của Trump. Trong suốt 15 năm trước đó, mức tăng này chỉ đạt hơn 250 USD.

Bên cạnh các chính sách đối nội, nhiều chuyên gia cho rằng di sản lớn nhất mà Trump để lại chính là việc định hình chính sách ngoại giao đối đầu với Trung Quốc, xem Bắc Kinh là mối đe dọa địa chính trị ngày càng lớn với Washington và thế giới.

"Trump có thể được ghi nhận là người đặt ra mặt trận cạnh tranh quyền lực gay gắt trên mọi lĩnh vực và xem đây là trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ. Những động thái để buộc người kế nhiệm Joe Biden phải duy trì cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc, đối thủ đang trỗi dậy nhanh chóng của Mỹ, có thể khó đảo ngược, nhờ sự đồng thuận chống Bắc Kinh ngày càng tăng ở lưỡng đảng và trong nước", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, chia sẻ với VnExpress.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của trung tâm nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation của Mỹ, cùng chung nhận định chính sách đối đầu với Trung Quốc là một trong những dấu ấn của chính quyền Trump.

"Khi nói tới nhiệm kỳ của Trump, tôi xin giới hạn đánh giá của mình ở chính sách về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông ấy", Grossman nói. "Chính quyền Trump đã xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ưu tiên đẩy lùi Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ liên minh và đối tác. Nhìn chung đây là một động thái đáng hoan nghênh đối với toàn khu vực".

Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng lao dốc và thậm chí bị đẩy đến bên bờ Chiến tranh Lạnh, nhiều nhà phân tích cho rằng rất khó để chính quyền mới của Biden có thể đảo ngược chính sách đối ngoại này.

Trump từng nhiều lần khẳng định "không có chính quyền nào" cứng rắn với Trung Quốc hơn chính quyền của mình và ông đã có "nhiệm kỳ đầu vĩ đại nhất trong lịch sử tổng thống".

Tuy nhiên, lời tuyên bố này của Trump khó nhận được sự đồng tình từ nhiều cử tri, chính trị gia và các nhà phân tích ở Mỹ, trong đó có Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta. Ông Hankla cho rằng "thật khó để tìm ra thành tựu của Trump trong những năm tại nhiệm" khi phần lớn di sản đều "tiêu cực".

"Tác hại lớn nhất của Trump chính là vai trò của ông ấy trong việc làm suy yếu các thể chế chính trị Mỹ với những lời nói dối và phá vỡ chuẩn mực. Hậu quả khủng khiếp là cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol", phó giáo sư Hankla nói.

Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1, thời điểm quốc hội Mỹ nhóm họp để xác nhận chiến thắng của Joe Biden, đã gây chấn động cả nước Mỹ và thế giới. 5 người chết và hàng chục người bị thương sau khi đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump vượt qua hàng rào cảnh sát, phá cửa xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ.

Nhiều chính trị gia, nhà phân tích đã lên án cuộc bạo lực như "cuộc đảo chính", "bạo lực và phá hoại chưa từng có", hay "nỗi ô nhục" của . Tổng thống đắc cử Biden gọi 6/1/2021 là "một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử quốc gia".

"Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol đã làm lung lay truyền thống chuyển giao quyền lực trong hòa bình, vốn đặc trưng cho nền dân chủ Mỹ, đồng thời làm giảm uy tín và quyền lực mềm của Washington", Pitlo III nhận định.

Cuộc tấn công vào tòa nhà giống như "giọt nước tràn ly" khiến phe Dân chủ ở Hạ viện lập tức thúc đẩy nỗ lực xem xét bãi nhiệm Trump lần thứ hai trong vòng 13 tháng. Trump là tổng thống Mỹ thứ ba bị xem xét bãi nhiệm, nhưng là tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần.

Ngoài ra, các chuyên gia thêm rằng việc Trump đơn phương rút khỏi nhiều thỏa thuận, tổ chức quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TPP), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) hay Tổ chức Y tế (WHO), ngày càng đẩy Mỹ ra xa vai trò "anh cả" thế giới.

"Việc xem nhẹ toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương của Trump đã làm suy yếu vai trò của Mỹ nhằm dẫn dắt toàn cầu đạt đồng thuận trong hàng loạt vấn đề từ thương mại tới môi trường", Pitlo III nói.

Mỹ đã mất đi nhiều sự ủng hộ của đồng minh châu Âu như Anh, Pháp, Đức dưới thời Trump. Tổng thống Mỹ cũng nhiều lần sử dụng các hội nghị quốc tế để chỉ trích đồng minh, đặc biệt là các đối tác NATO không đạt được mục tiêu về ngân sách quốc phòng.

"Khi Trump đe dọa chiến tranh thương mại hay xem xét lại giá trị mà các đồng minh và đối tác mang lại, ông ấy đang phá hoại chính chiến lược của mình. Quyết định rút khỏi TPP là một minh chứng đáng tiếc khác cho thấy Mỹ đang tự phá chính mình", Grossman cho hay.

Danh sách dài những thất bại trong nhiệm kỳ Trump có lẽ sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới Covid-19, một trong những yếu tố ngáng chân Trump tái đắc cử. Giới chuyên gia nhận định ông tự hại mình khi không đánh giá Covid-19 đủ nghiêm túc, ngần ngại đeo khẩu trang và đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi như gợi ý tiêm thuốc tẩy để diệt virus. Không ít người cũng cho rằng việc Trump nhiễm nCoV khi đang ở giai đoạn nước rút của chiến dịch tranh cử là kết quả tất yếu của sự chủ quan và xem thường đại dịch.

Hệ quả không chỉ là Trump thất cử, cách xử lý đại dịch yếu kém của chính quyền ông đã khiến Mỹ phải trả giá đắt. Hơn 24,5 triệu người nhiễm và hơn 407.000 ca tử vong vì Covid-19, khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu. Covid-19 đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng song trùng về y tế - kinh tế với nước Mỹ và hiện chưa có dấu hiệu chấm dứt.

"Trump sẽ được xem là một trong số tổng thống tệ nhất trong lịch sử Mỹ", phó giáo sư Hankla nói.

Thanh Tâm

Tags:
Trump dỡ lệnh cấm du lịch liên quan virus biến thể, Biden sẽ đảo ngược

Trump dỡ lệnh cấm du lịch liên quan virus biến thể, Biden sẽ đảo ngược

Tổng Thống Donald Trump ra sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm du lịch giữa Mỹ và phần lớn các quốc gia trong khối Liên Âu, Anh Quốc, Ireland, và Brazil.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất