Thế cô lập tứ bề của Trump tại G20
Tổng thống Mỹ vấp phải sự chống đối từ hầu hết lãnh đạo các nước trong vấn đề biến đổi khí hậu và thương mại tại hội nghị G20.
11:19 12/07/2017
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi tại hội nghị G20. Ảnh: AFP. |
Sau 2 ngày họp, hội nghị cấp cao các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 tại Hamburg, Đức bế mạc với tuyên bố chung "chống chủ nghĩa bảo hộ bao gồm các thực hành thương mại không công bằng" và nhấn mạnh Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là "không thể đảo ngược".
Tuyên bố chung này biến Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành người đứng ngoài rìa bởi ông lâu nay vẫn theo đuổi chính sách " trước tiên" và không ủng hộ thương mại toàn cầu cũng như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hồi đầu năm, sau khi nhậm chức, ông ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tháng trước, Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris.
Biến Mỹ thành 'ốc đảo riêng'
Suốt nhiều năm, Mỹ là nước thống lĩnh và đặt ra chương trình nghị sự cho hội nghị cấp cao G20. Nhưng vào hôm 7/7, khi Tổng thống Mỹ Trump gặp các lãnh đạo thế giới tại hội nghị G20 ở Hamburg, ông có lẽ đã mơ hồ nhận thấy Mỹ bị cô lập về mọi thứ từ thương mại cho đến vấn đề biến đổi khí hậu, theo New York Times.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Đức Angela Merkel ghi nhận mối bất đồng giữa Mỹ và các quốc gia thành viên còn lại thuộc G20.
Tổng thống Mỹ có lẽ chấp nhận thế bị cô lập. Đối với Trump, thời điểm quan trọng nhất trong ngày 7/7 là cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đánh dấu động thái tái cài đặt quan hệ Mỹ - Nga mà ông mong muốn từ lâu.
Nếu tổng thống tiền nhiệm coi Mỹ là cường quốc "nhân từ", muốn gia tăng thịnh vượng thông qua các thị trường mở và hợp tác đa phương, Trump lại tự miêu tả bản thân như một người dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ chủ nghĩa đơn phương và là một người theo chủ nghĩa bảo hộ khi ông sốt sắng bảo vệ việc làm cho người Mỹ.
Để thúc đẩy lập trường của mình, ông Trump đã khiến các đồng minh xa lánh và biến Mỹ thành một ốc đảo cô lập bởi không quốc gia nào ngày nay đủ lớn hoặc đủ quyền lực để áp đặt lên các nước khác, 2 cây bút Steven Erlanger và Julie Hirschfeld Davis từ New York Times nhận xét.
Bất đồng quan điểm về thương mại
Trump bị cô lập rõ ràng nhất trong quan điểm về thương mại, chuyên gia nhận định. Ông cho rằng Mỹ phải chịu thiệt thòi một cách bất công trong các hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico hay Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo ông, ngành công nghiệp thép của Mỹ đang bị uy hiếp bởi toàn cầu hóa. Vài ngày tới, ông có thể ra lệnh hạn chế nhập khẩu thép và áp các mức thuế nhập khẩu mới, cao hơn với mặt hàng này. Đây sẽ là một động thái kích động ảnh hưởng đến giao dịch thương mại giữa Mỹ với hơn 10 nước lớn dù nó được những người ủng hộ nhiệt thành của ông đồng tình.
Biện pháp sử dụng hàng rào thuế quan để bảo hộ thương mại trong nước cũng có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu. Các quan chức châu Âu tại hội nghị G20 đã đe dọa trả đũa. "Chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả nếu cần nhưng hy vọng điều này không thực sự cần thiết. Chúng tôi sẵn sàng đấu tranh", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố hôm 7/7.
Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cảnh báo các biện pháp bảo hộ thương mại có thể kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, khi Trump miệt mài theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thì Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã đặt bút ký hiệp định thương mại tự do EU - Nhật vào 6/7. Mexico và Trung Quốc, 2 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, cũng đang cân nhắc ký thỏa thuận tương tự với EU.
Nhiều tuần gần đây, Trump cùng đội ngũ cố vấn kinh tế vẫn chưa đưa ra quyết định bảo hộ ngành thép trong nước vì bất đồng ý kiến nội bộ. Vài tuần qua, các luật sư trong lĩnh vực thương mại, lãnh đạo ngành công nghiệp thép và các nghị sĩ lo lắng chờ đợi một kiến nghị về vấn đề này từ Bộ Thương mại. Họ xem quyết định từ Tổng thống Mỹ là điểm mấu chốt làm sáng tỏ liệu ông sẵn sàng thực hiện những cam kết bảo vệ các ngành công nghiệp đang đình đốn của Mỹ bằng hàng rào thuế quan được ông đưa ra từ chiến dịch tranh cử hay không.
Một số nhà kinh tế đang lo lắng về lập trường không chính thống của Trump về vấn đề thương mại vì họ từng chứng kiến tổn hại từ những hành động dựa trên các lập trường như vậy trước đây.
Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 30,1 triệu tấn thép và trở thành nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, theo Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ. Canada, Brazil, Hàn Quốc là 3 nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ. Đứng ở các vị trị tiếp theo là Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc, mục tiêu bị nhắm đến nhiều nhất trong những lời hô hào vận động chống toàn cầu hóa, không phải nhân tố lớn, ít nhất là đối với ngành thép.
Michael Strain, nhà kinh tế từ Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) lo ngại các hành động trả đũa của Trung Quốc và châu Âu đối với bất cứ biện pháp tăng thuế nhập khẩu thép nào cũng sẽ gây tổn thương cho những công ty xuất khẩu Mỹ và có khả năng dẫn đến tình trạng việc làm bị cắt giảm trong khi ông Trump đang nỗ lực bảo vệ và tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ.
Hôm 7/7, Cao ủy phụ trách thương mại EU Cecilia Malmstrom cảnh báo chính quyền Trump rằng các mức thuế mới đối với thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị phản đối ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một động thái phản đối tương tự hồi năm 2002 từ WTO đã khiến Mỹ phải rút lại các mức áp thuế cao đối với thép nhập khẩu do chính quyền tổng thống George W. Bush đưa ra.
"Nếu các quy tắc thương mại toàn cầu không được tuân thủ, EU sẽ trả đũa nhưng tôi không thể nói chính xác trả đũa bằng cách nào và khi nào. Chúng tôi hiểu rằng Mỹ lo ngại về tình trạng dư thừa công suất thép ở Trung Quốc nhưng chúng tôi không cho rằng áp thuế nhập khẩu cao là cách đúng đắn vì bạn không thể chống chủ nghĩa bảo hộ bằng chủ nghĩa bảo hộ", Malmstrom khẳng định. Song ông Trump thậm chí còn cân nhắc rút Mỹ khỏi WTO.
Bị gạt bỏ khỏi vấn đề biến đổi khí hậu
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ các quan điểm riêng về thương mại và biến đổi khí hậu tại hội nghị G20. Ảnh: AFP. |
Chỉ cách đây một năm, Mỹ là tiếng nói dẫn đầu ủng hộ hành động toàn cầu nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thế nhưng ông Trump khiến nhiều lãnh đạo thế giới thất vọng và phẫn nộ khi tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà đã đặt ra các cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.
"Tôi phê phán Mỹ vì quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris", Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc hội nghị G20.
Tuyên bố chung G20 có đoạn: "Chúng tôi lưu tâm tới quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris từ phía Mỹ. Các lãnh đạo khác của G20 khẳng định Thỏa thuận Paris là không thể đảo ngược".
Trong nỗ lực khắc họa Mỹ như nước đứng ngoài lề vì gạt bỏ thỏa thuận này, các nhà đàm phán tại G20 đã làm việc đến khuya ngày 7/7 để chèn vào tuyên bố chung cụm từ "không thể đảo ngược".
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã gây sức ép để đưa vào tuyên bố chung câu: "Mỹ khẳng định sẽ nỗ lực hợp tác với các quốc gia khác để giúp họ tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo cách sạch hơn và hiệu quả hơn". Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phản đối quyết liệt câu trên.
Ngôn Ngữ, Chìa Khóa Giúp Mở Mọi Cánh Cửa Cho Người Nhập Cư.
Sẽ là thừa khi mà ai đó muốn chia sẻ rằng nên học tiếng Anh ở VN trước khi qua Mỹ vì những người sắp đi định cư ai cũng biết điều này. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn gặp vài đồng hương gặp khó khăn trong giao tiếp ở xứ người cho dù họ còn trẻ. Câu chuyện tôi kể dưới đây với mục đích để mọi người thấy rằng ngôn ngữ là “hành trang” vô cùng quan trọng mà những người nhập cư cần phải trang bị để mang theo khi đến sống ở xứ người.