Thế giới vượt 220 triệu ca bệnh, Mỹ đứng đầu về ca mắc mới và tử vong
Trong 24h qua, thế giới ghi nhận 619.256 trường hợp mắc COVID-19 và 9.298 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 220 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,56 triệu người không qua khỏi.
09:00 04/09/2021
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 220.551.477 ca, trong đó có 4.565.695 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày đang tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu.
Nhiều nước Á-Âu tình hình cũng đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 197 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và 105.279 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 3/9, thế giới có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 72 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 40.683.063 ca mắc và 664.781 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32.745.457 ca mắc và 440.256 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 20.856.092 ca, trong đó có 582.670 ca tử vong.
Liên quan đến biến thể C.1.2 mới được xác định gần đây tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla ngày 3/9 dẫn báo cáo của các nhà khoa học cho biết trong giai đoạn hiện nay, biến thể này “không phải một nguy cơ”. Biến thể C.1.2 được phát hiện lần đầu vào tháng 5 và đến nay đã lây lan ra tất cả 9 tỉnh của Nam Phi, được cho là biến thể có nhiều đột biến nhất so với các biến thể từ trước đến nay.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 3/9, Bộ trưởng Phaala cho biết: “Ở giai đoạn hiện nay, các nhà khoa học xác nhận rằng biến thể C.1.2 không phải một nguy cơ và đang tiếp tục theo dõi”. Theo ông, tỷ lệ số ca bệnh được ghi nhận nhiễm biến thể này tương đối thấp. Ông cũng cho rằng gần như chắc chắn là Nam Phi sẽ đối mặt với đợt bùng phát thứ tư vào cuối năm nay. Trong tuần vừa qua, WHO đã đưa biến thể C.1.2 vào nhóm cần theo dõi thêm, tức là những biến thể có thể có nguy cơ trong tương lai nhưng các bằng chứng hiện tại vẫn chưa rõ ràng.
Về vấn đề vaccine, Ủy ban châu Âu (EC) và hãng dược AstraZeneca cho biết đã đạt thỏa thuận về việc phân phối lượng vaccine ngừa COVID-19 còn lại trong hợp đồng, kết thúc vụ kiện tại Brussels về vấn đề này.
Theo thỏa thuận này, AstraZeneca cam kết bàn giao cho Liên minh châu Âu (EU) 60 triệu liều vaccine trước cuối Quý III/2021, 75 triệu liều vào cuối Quý IV/2021 và 65 triệu liều trước cuối Quý I/2022. Cơ quan điều hành EU cho biết, theo thỏa thuận mới, các nước thành viên EU sẽ được cung cấp lịch trình bàn giao định kỳ, và có thể giảm giá mua trong trường hợp AstraZence chậm bàn giao.
Với tư cách nước chủ nhà của Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Anh đã bắt đầu phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho đại biểu quốc tế, những người chưa được tiêm trong nước. Dự kiến, đợt tiêm mũi thứ nhất sẽ bắt đầu vào tuần tới.
Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn về vaccine của Chính phủ Anh, ngày 3/9 đã khuyến nghị không tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em khỏe mạnh từ 12-15 tuổi, và chỉ trẻ em trong độ tuổi này có vấn đề về sức khỏe mới cần tiêm chủng.
Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm 200.000 thiếu niên có bệnh lý nền đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trước đó, khoảng 150.000 trẻ em mắc các bệnh thần kinh nghiêm trọng, mắc hội chứng Down, có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng hoặc sống cùng người lớn dễ bị tổn thương thuộc đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Anh. Hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12-15 trên khắp Vương quốc Anh. Các bác sĩ nhận định, trẻ em mắc bệnh tim, phổi và gan mãn tính có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn nhiều so với trẻ khỏe mạnh.
JCVI đưa ra quyết định không tiêm vaccine cho trẻ khỏe mạnh dựa trên lo ngại về một tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine Pfizer, là gây bệnh viêm cơ tim. Ủy ban này cũng nhấn mạnh việc đưa ra quyết định trên chỉ dựa trên lợi ích tiêm chủng cho trẻ em, thay vì lợi ích của các nhóm đối tượng khác. JCVI cho rằng việc tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này chỉ mang lại lợi ích nhỏ, bởi nguy cơ trẻ em mắc COVID-19 và mắc bệnh nặng do COVID-19 là thấp, và các trường hợp tử vong ở trẻ khỏe mạnh rất hiếm gặp.
Cũng trong ngày 3/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ nhận thêm 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer theo thỏa thuận hoán đổi với Anh, trong nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để sớm mở cửa trở lại.
Thỏa thuận này sẽ tăng gấp đôi lượng vaccine của Pfizer mà Australia nhận được trong tháng này, với lô đầu tiên do Anh gửi sẽ tới nơi vào cuối tuần này. Ngoài với Anh, trong tuần này Australia còn ký thỏa thuận hoán đổi vaccine với Singapore. Theo cả hai thỏa thuận này, Australia sẽ gửi trả vaccine của Pfizer cho hai nước trên vào cuối năm, khi Canberra nhận được số vaccine đã đặt hàng.
Nhật Bản sẽ cung cấp thêm vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu tháng này. Phát biểu tại buổi họp báo ngày 3/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tiếp tục cung cấp cho Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) tổng cộng 440.000 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca vào đầu tháng 9 này.
Ngoại trưởng Motegi cho biết quyết định cung cấp vaccine phòng ngừa COVID-19 lần này của Chính phủ Nhật Bản được đưa ra sau khi đã đánh giá toàn diện tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc), gồm số ca mắc mới, hệ thống y tế, tiến độ tiêm chủng cũng như nhu cầu và yêu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 của công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại đó.
Ông nhấn mạnh các nước và vùng lãnh thổ này đang nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bao gồm cho cả công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại đây, nhưng tiến độ còn hạn chế do thiếu nguồn cung vaccine. Vì thế, Chính phủ Nhật Bản hy vọng rằng với đợt cung cấp vaccine lần này, cả người dân sở tại và người dân Nhật Bản có nhu cầu đều có thể tiếp cận với nguồn vaccine ngừa COVID-19, giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 78.049 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 228.700 người.
Trong 24h qua, hiệp hội ASEAN có tới 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Lào và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã kéo dài nhiều tháng ở mức đỉnh. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, với 193 trường hợp và ca mắc mới cao thứ hai khu vực.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia và cao nhất ASEAN trong 24 giờ qua.
Ngày 3/9, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 330 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ hai trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không cố bố số liệu. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 3/9 ghi nhận thêm trên 14.600 ca bệnh mới (nhiều thứ tư khu vực), trong khi số ca tử vong là 271 người, ngang mức của mấy ngày trước đó.
So với mấy ngày trước, số ca mắc mới tại Thái Lan dâng dần lùi khỏi mốc 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca tử vong mới tại Thái Lan ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh đang bớt nghiêm trọng và đáng ngại hơn khi nước này chỉ có 491 bệnh nhân mới và 9 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 228.763 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.686 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 10,3 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 9.056.383 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN đều ghi nhận ca COVID-19 mới (Myanmar không công bố số liệu).
Tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 6 diễn ra vào ngày 3/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định việc chính trị hóa nguồn gốc đại dịch COVID-19 sẽ chỉ dẫn tới những kết luận không đáng tin cậy.
Ông Putin nêu rõ: "Những ai chọn chính trị hóa vấn đề này đang phạm phải những sai lầm to lớn, thảm khốc trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Khi chính trị hóa xảy ra, điều này ngay lập tức làm giảm niềm tin vào các kết luận".
Theo nhà lãnh đạo Nga, các cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 phải dựa trên những sự thật khách quan, và việc chính trị hóa chỉ khiến thế giới rời xa sự thật. Điều quan trọng đối với tất cả mọi người là từ bỏ cách tiếp cận chính trị hóa và đoàn kết trong cuộc chiến chống lại đại dịch và những hậu quả của nó.
Ngày 2/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hầu hết các quốc gia châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu "quan trọng" là tiêm chủng cho 10% dân số dễ bị tổn thương nhất trước đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 9/2021.
Văn phòng WHO tại châu Phi cảnh báo 42/54 quốc gia, tương đương gần 80% quốc gia ở châu Phi, sẽ không đạt mục tiêu trừ khi tăng tốc độ cung cấp vaccine và tiêm chủng. Theo Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, việc tích trữ vaccine đã kìm hãm châu Phi và khu vực này cần thêm vaccine khẩn cấp. Bà chỉ rõ khi có nhiều vaccine hơn, các quốc gia châu Phi phải tập trung thực hiện và thúc đẩy các kế hoạch nhanh chóng tiêm chủng cho hàng triệu người vẫn đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ COVID-19./.
Nước Mỹ thức tỉnh: 4 năm Trump gây dựng, 7 tháng chính quyền Biden phá tan hoang
Với thế giới, viễn cảnh Taliban đưa Afghanistan trở về thời Trung Cổ với những luật lệ hà khắc đã dần trở thành hiện thực. Với nước Mỹ, thể diện của một siêu cường đã bị mất sạch với kế hoạch rút quân chóng vánh, bỗng chốc biến thành một nhiệm vụ di tản khẩn cấp.