Thế kẹt của Trump trong cuộc nội chiến đảng Cộng hòa
Cuộc đấu đá nội bộ ở đảng Cộng hòa, nguyên nhân chính khiến dự luật y tế của Donald Trump bị rút, đang đặt Tổng thống Mỹ vào thế bí trước các bước đi sắp tới.
08:53 29/03/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi mào rất nhiều cuộc chiến chính trị nhưng thất bại trong việc bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) là cú vấp ngã lớn nhất kể từ khi ông lên cầm quyền Nhà Trắng. Đây được cho là kết quả bắt nguồn từ cuộc nội chiến của đảng Cộng hòa, diễn ra từ lâu trước khi Trump đến Washington. Là một tổng thống coi thường các quy tắc và tin rằng quy tắc thông thường ở Washington không thích hợp với ông nhưng giờ đây, Trump đã nhận thấy bản thân mình cũng không thể tránh khỏi bị trói buộc bởi chúng, theo New York Times.
Bãi bỏ Obamacare, di sản tự hào nhất của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, là ưu tiên mà đảng Cộng hòa công khai thể hiện suốt 7 năm qua. Tuy nhiên, với động thái ngăn chặn cuộc bỏ phiếu thay thế Obamacare tại Hạ viện, nhóm hạ nghị sĩ cực hữu nổi loạn thuộc đảng Cộng hòa đã thành công trong việc đánh bại nhóm cầm quyền Trump dẫn dắt, chuyên gia nhận định.
Lựa chọn khó khăn
Hai cây bút Maggie Haberman và Glenn Thrush từ New York Times cho rằng ông Trump giờ đây phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: củng cố hay tái tổ chức đảng Cộng hòa.
Liệu ông nên nhường quyền lực cho phe chống lại nhóm cầm quyền của đảng hay tìm hướng đi khác để điều hành hiệu quả, bằng cách gạt bỏ nguyên tắc đảng phái và xây dựng liên minh với các nghị sĩ Dân chủ, những người ông từng chỉ trích là gây ra hạn chế cho đảng Cộng hòa?
"Đây thực sự là vấn đề đảng chúng ta phải đối mặt, đó là điều mà Trump cần giải quyết để tiến lên phía trước", hạ nghị sĩ Cộng hòa Tom Cole, người sát cánh với Trump trong cuộc chiến bảo vệ dự luật cải cách y tế AHCA (hay còn gọi là Trumpcare) do Tổng thống Mỹ khởi xướng, nói.
"Tôi nghĩ ông ấy đã nỗ lực hết sức. Ông ấy gặp gỡ hàng chục hạ nghị sĩ và đưa ra rất nhiều thỏa hiệp nhưng rốt cục, có một nhóm người trong đảng Cộng hòa vẫn không đồng tình. Đôi khi, tôi nghĩ ta phải thu hút ủng hộ từ bên ngoài tổ chức đảng. là một chuyên gia đàm phán và cựu tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Ronald Reagan cũng từng dàn xếp thành công một thỏa thuận quan trọng với phe Dân chủ", Cole cho biết thêm.
Trước khi trở thành ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng, Trump dường như là người ít kiên định về lý tưởng. Nhưng với tư cách tổng thống, ông phải điều hành dựa vào sách lược thông lệ của đảng Cộng hòa, ủng hộ nhiều lập trường mà Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan và nhóm cầm quyền theo đuổi.
Dù đang giận dữ và khát khao trả đũa, Trump có lẽ đã quyết định ngậm nỗi đau thất bại với hy vọng tập hợp đủ sự ủng hộ trong đảng để thúc đẩy các dự luật chi tiêu, một dự luật cải tổ thuế vẫn chưa thành hình và một dự luật về gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD. Chúng có thể giành được sự đồng tình đáng kể từ phe Dân chủ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ đảng Cộng hòa.
Tìm người đổ lỗi
Reince Priebus, chánh văn phòng Nhà Trắng, người điều phối chiến lược ban đầu để soạn thảo dự luật. Ảnh: AFP |
Tối 24/3, vẫn sốc sau khi dự luật AHCA bị rút, Trump lui về tư dinh ở Nhà Trắng để gặm nhấm nỗi phiền não và quy kết trách nhiệm, New York Times bình luận. Nhằm tìm kiếm kẻ giơ đầu chịu báng, ông nhiều lần hỏi các cố vấn của mình: Thất bại này do lỗi của ai?
Ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Trump dường như muốn quy tội cho Reince Priebus, chánh văn phòng Nhà Trắng, gương mặt điều phối chiến lược ban đầu soạn thảo dự luật AHCA cùng Chủ tịch Hạ viện Ryan, một người bạn thân thiết đối với ông, theo ba nguồn tin am hiểu vấn đề.
Dù công khai bày tỏ đoàn kết với Ryan nhưng Trump cùng đội ngũ dưới quyền ông giờ đây cũng dần thấy hối hận vì trông cậy quá nhiều vào Ryan trong giai đoạn đầu soạn thảo dự luật.
Ông Trump hôm 24/3 nói với một cố vấn rằng dự luật AHCA bị rút chỉ giống như cú vấp nhẹ trên con đường dài và Nhà Trắng sẽ hồi phục.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn cùng ngày với phóng viên New York Times, xác nhận chính quyền đang "rung chuyển", phần nào do mối chia rẽ giữa các thành viên đảng Cộng hòa.
"Có rất nhiều đối thủ với quan điểm thực sự trái ngược. Ngay trong đảng Cộng hòa, có những người theo trường phái tự do và có cả những người mang tư tưởng bảo thủ", Trump nói.
Theo các nguồn tin, Stephen K. Bannon, chiến lược gia trưởng cho ông Trump, miêu tả quyết định rút dự luật AHCA là một thất bại rõ ràng, có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới nhiệm kỳ ở của ông dù Bannon tin rằng quốc hội, chứ không phải Trump, chịu phần lớn trách nhiệm.
Bannon và giám đốc phụ trách các vấn đề lập pháp ở Nhà Trắng Marc Short đã thúc giục ông Trump cứ để Hạ viện bỏ phiếu như cách để xác định, bêu xấu và gây áp lực cho những hạ nghị sĩ nói không với dự luật AHCA.
Một người tham gia những cuộc đàm phán dự luật AHCA vào phút cuối cho hay Bannon và Short muốn lên danh sách kẻ thù. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Ryan được cho là đã tư vấn Tổng thống không nên tìm cách trả đũa, ít nhất cho đến thời điểm ông thông qua được các dự luật chi tiêu và tăng mức trần nợ công nhằm duy trì hoạt động của chính phủ.
Cuối cùng, Trump quyết định thoái lui. Song các cố vấn cho ông đang lo lắng về một tương lai khó khăn khi quyền lực của Trump bị "đè bẹp" bởi nạn phe phái giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Nhiều thành viên trong đội ngũ trợ lý của Trump đã né tránh tham gia nỗ lực thúc đẩy dự luật AHCA. Gary D. Cohn, cố vấn kinh tế trưởng, ban đầu được giao nhiệm vụ giám sát dự luật từ phía Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông trở nên hoài nghi và Nhà Trắng ghi nhận rằng Cohn, cựu chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs, một người theo phe Dân chủ, không phải sứ giả tốt để ứng phó với các hạ nghị sĩ bảo thủ cứng đầu trong đảng Cộng hòa.
Suốt nhiều tuần qua, Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn chủ chốt cho Tổng thống Trump, vẫn duy trì quan điểm ủng hộ dự luật là sai lầm. Kushner đi trượt tuyết cùng gia đình ở Aspen, bang Colorado, từ cuối tuần trước và không trở về Washington đến tận hôm 24/3. Sự việc trên khiến Trump bực bội bởi ông cho rằng Kushner đáng lẽ phải có mặt ở Washington trong tuần mà Hạ viện bỏ phiếu dự luật AHCA.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ thất vọng khi dự luật bị rút
Trump cũng chỉ trích các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ vì góp phần khiến AHCA bị rút sau khi ông phớt lờ đề nghị từ họ về việc thương lượng một gói thỏa thuận giúp khắc phục những thiếu sót trong dự luật nhưng vẫn giữ các quy định cốt lõi bảo vệ bệnh nhân nghèo hay người thuộc tầng lớp lao động.
Tổng thống Trump đã để trống hàng chục chức vụ quan trọng trong chính quyền, gạt bỏ các ứng viên đảng Cộng hòa mà ông xem là không đủ trung thành. Giờ đây, ông lên án sự phản bội của khoảng 20 đến 30 hạ nghị sĩ bảo thủ trong đảng, những người không ủng hộ dự luật AHCA.
"Chúng tôi học được rất nhiều. Chúng tôi học được rất nhiều về lòng trung thành", Trump trịnh trọng nói trước các phóng viên ngày 24/3.
Song vào sáng 26/3, lại cố tỏ vẻ lạc quan. " sẽ nổ tung và chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một kế hoạch chăm sóc y tế vĩ đại cho người dân. Đừng lo lắng", Tổng thống Mỹ viết trên Twitter.
Sinh viên nước ngoài bớt hứng thú với đại học Mỹ
Một cuộc khảo sát vừa được công bố cho thấy sinh viên quốc tế đang bớt hứng thú với việc học đại học tại Mỹ.