Theo vợ Việt đi Mỹ học tiến sĩ, 'gấu bố' chồng chất nỗi niềm 'mồ côi vợ'
Hơn hai năm trước, tôi đóng vai “chính diện” trong bài viết Các 'gấu bố' theo vợ Việt tiến sĩ... đi Tây. Đằng sau bức tranh màu hồng đó vẫn còn những nỗi niềm của người đàn ông chấp nhận đứng... sau vợ.
06:30 25/02/2019
Gian nan giúp vợ trở thành bà Trạng!
Hồi ở Việt Nam, thuật ngữ “depression” (Trầm cảm) dường như không có trong từ điển sinh hoạt gia đình của chúng tôi. Hay “áp lực công việc” cũng là điều gì đó khá mơ hồ khi hai vợ chồng đi làm.
Gần đến khi sang Mỹ học chương trình tiến sỹ theo diện học bổng của Chính phủ Việt Nam, vợ tôi được bạn bè đi trước “dặn dò” rằng qua đó học, nào là không có thời gian để ăn... mì gói, nào là thi tốt nghiệp xong là đến ngày mua vé máy bay, trả phòng trọ để về nước luôn không biết xứ Mỹ là gì?
Đến khi đặt chân đến giảng đường Đại học Texas Tech, còn được thêu dệt thêm việc một sinh viên Việt Nam học trước vài khóa đã đứt gánh giữa đường phải bỏ về nước vì không theo học nổi, vài sinh viên quốc tế đã từng nhảy tự vẫn ở địa điểm rùng rợn trong trường: chiếc cầu bắc sang xa lộ nối giữa khuôn viên trường với khu nhà chung cư sinh viên mà mùa gió lớn thường rít lên lạnh cả gáy khi đi sang đây (có lẽ vì vậy nên sau này trường đã bao hàng rào ở hai bên)...
Tất cả chỉ khiến tôi có chút lo lắng lẫn... phấn khích khi được thử sức mình với vị trí hoàn toàn mới: Làm gấu bố giúp gấu mẹ hoàn thành tiến sĩ trở thành bà Trạng!
Chiếc cầu tử thần mà nhiều sinh viên Việt Nam biết đến
Nhưng chỉ vài tuần sau, tôi đã bắt đầu cảm nhận được mọi thứ đảo chiều một cách nhanh chóng mà mình không thích nghi kịp. Nếu ở Việt Nam đang làm ở một vị trí có “số má” thì sang đây bị thất nghiệp mỏi mòn chờ giấy phép làm việc, ở nhà khi đi làm về đã có cơm bưng nước rót còn giờ đây khi vợ đã dành hết thời gian cho việc học hành, nghiên cứu thì tôi phải quán xuyến tất cả, kể như “mồ côi... vợ” (từ mà tôi thường đùa với bà xã cho thực tế vợ “có mà như không”).
Vất vả nhất là việc nội trợ cho gia đình “chảnh” khi sang Mỹ mà không thể ăn được pizza, fastfood (thức ăn nhanh), đồ đông lạnh... trong khi chợ Châu Á cũng không quá phong phú đồ Việt Nam mà giá cũng đắt đỏ so với tiền học bổng được cấp.
Cho dù đã từng học mấy khoá nấu ăn gia đình ở Nhà văn hoá Phụ Nữ - TP.HCM trước khi kết hôn (dự phòng sau này vợ đi công tác thì không bị bỏ đói) cũng như nghỉ việc trước một tháng để rèn luyện tay nghề nhưng thực tế sang đây để chế biến được món ăn Việt Nam hợp khẩu vị theo nguyên liệu Mỹ quả là một sự đau đầu không hề nhẹ!
Rồi những cơn đau đầu khác tương tự từ đâu trên trời rơi xuống khiến cuộc sống trôi qua nặng nề hơn tôi nghĩ, không còn “đời như là mơ”. Tần suất cãi vả vì những chuyện vặt rãnh cỏn con cứ tăng dần đều mà không ai hiểu được lý do.
Đến độ sau này vợ thức khuya học bài còn tôi đi ngủ sớm để dậy sớm đi làm nên có lúc phải giải quyết sự việc bằng tranh cãi qua... email bởi không còn thời gian gặp nhau để nói rõ sự tình.
Những từ khoá “deadline” (hết hạn nộp), “assignment” (bài tập), “data” (số liệu), “interview” (phỏng vấn)... xuất hiện nhiều hơn không phải trên Google mà trong bữa cơm hàng ngày thay cho những lời hỏi han quan tâm lẫn nhau.
Thỉnh thoảng tôi cũng họp mấy ông trong “tổ bám váy... xa mẹ” cùng cảnh ngộ để bù khú, uống lon bia rồi kể khổ cho nhau nghe. Riết rồi cũng chán bởi thằng nào cũng... khổ giống nhau nên sau đó chỉ biết ai về nhà nấy chờ từng ngày trôi qua nhanh đến khi các bà vợ học xong.
Những điều đó khiến tôi trở nên lầm lì, không còn muốn nói chuyện với mọi người trong khi bà xã thì hay cáu bẳn, rụng tóc nhiều và mất ngủ trầm trọng.
Sau gần một năm thì vợ tôi “bấm bụng” khi khám bác sĩ chuyên khoa tâm lý (bảo hiểm dành cho sinh viên chỉ chi trả cho bác sĩ tổng quát) và nhận được kết quả bất ngờ: Bị trầm cảm!
Hành trình tìm lại cân bằng cho cuộc sống
Ngoài việc phải tới lui ở tiệm thuốc Walgreen cạnh nhà, thường xuyên đến nỗi từ nhân viên đến quản lý đều nhớ mặt chào tôi đon đả “Hi, Mr Phan!” và giá trị điểm thưởng quy đổi có khi lên đến cả 100 USD, tôi phải sục sạo trên Internet về phương pháp chữa trị cho vợ và cách phòng chống dành cho mình bởi bệnh này không khéo cũng “lây” chứ chẳng chơi!
Cuối cùng tìm được phác đồ điều trị xem ra đơn giản nhưng khi áp dụng thì vô cùng mất thời gian và... tốn kém.
Sau giờ làm việc, tôi chở vợ đi bơi cho đến khi kiệt sức thì về ăn tối là leo lên giường ngủ ngay (Ấy vậy mà sáng mai dây tôi lại bị cằn nhằn vì giúp cô ấy đi ngủ sớm nên không có thời gian đọc sách làm bài tập), cuối tuần thì “hộ tống” lên khu mua sắm ngắm đồ sale (phải đi kèm không sểnh ra là vợ sẽ mua hết sạch tiền lương để xả stress).
Nếu trời đẹp thì bày biện nấu ăn rồi mang thức ăn ra công viên vừa thưởng thức vừa xem chim hót cá bơi. Thi thoảng đi chơi game, tham dự các sự kiện miễn phí hay kiếm được cái khách sạn nào giá rẻ thì đưa cả nhà đi du lịch ngắn ngày đổi gió.
Riêng tôi, trước khi đi ngủ đã làm quen với những bài giảng... Phật Pháp qua Youtube (mà trước đây chưa nghe qua bao giờ) dành cho đối tượng là những người Việt Nam sang nước ngoài sinh sống tìm sự cân bằng.
Đặc biệt khắp nhà luôn xuất hiện những băng rôn khẩu hiệu vui vui để tự vấn an bản thân như “Điều 1: Vợ luôn đúng. Điều 2: Vợ sai sẽ... xoay đầu!”, “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do - Trường cho tốt nghiệp” hay “Đằng sau sự thành công của người phụ nữ có sự... đu bám của người đàn ông”...
Thế rồi bà xã cũng dần ăn cơm ngon, ngủ đầy giấc hơn. Quan trọng là tinh thần thoải mái để hoàn thành các môn học và bảo vệ luận án tiến sĩ với sự đánh giá cao của hội đồng nhà trường.
Ngày cô ấy được chính thức tung mũ tốt nghiệp cũng là lúc tôi có thể thở hắt ra “cho lòng nhẹ nhàng hơn” để rồi hít vào trở lại tiếp tục chiến đấu cho những chặng đường tiếp theo.
Đằng sau sự thành công của người phụ nữ sẽ là cái gì? Bạn cứ hỗ trợ người bạn đời hết sức thì sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình. Với người bạn đời của tôi, nó nằm ở những phần tiếp theo...
Nguồn: Thanhnien.vn
Chuyện vợ Việt-chồng Tây: Lấy chồng không phải để “ăn bám”
Khi theo chồng sang Pháp, chị Hương không biết tiếng quê chồng, cũng không thông thạo đường đi lối lại. Tuy nhiên, sau hơn một năm kiên trì, chị đã có thể nói, viết tiếng Pháp thành thạo và có một cơ ngơi ổn định.