Thi quốc tịch cần ‘học thuộc lòng, mạnh dạn nói’

Nhiều đồng hương có mặt tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, sáng Chủ Nhật, 23 Tháng Bảy, để dự buổi thuyết trình “Hướng dẫn luyện thi nhập quốc tịch Hoa Kỳ” của diễn giả Lê Hùng Dương.

23:00 26/07/2023

Thi quốc tịch là một nỗi lo lớn với nhiều người Việt Nam không riêng ở Little Saigon mà khắp nước Mỹ, vì không phải ai cũng thông thạo Anh Ngữ, nhất là những người lớn tuổi. Vì vậy, nhiều người cao niên đến dự buổi thuyết trình của diễn giả Lê Hùng Dương.

Đồng hương tham dự buổi thuyết trình về thi quốc tịch của diễn giả Lê Hùng Dương. (Hình: Thiện Lê/)

Ông Dương cho biết ông từng là thầy giáo Anh Ngữ, nhận thấy nỗi lo âu to lớn nhất của giới cao niên ở Mỹ là cuộc thi quốc tịch, do đó, ông bỏ ra hai năm để nghiên cứu các bài thi trong cuộc phỏng vấn.

Ông nói muốn tổ chức một buổi học thi quốc tịch để giúp người có nhu cầu hiểu rõ về bài thi quốc tịch, từ cách trả lời câu hỏi của nhân viên an ninh ở lối vào đến lúc gặp nhân viên tiếp tân để nói về giờ hẹn, và cuối cùng là trả lời câu hỏi của các nhân viên di trú như 100 câu hỏi trong đề thi, cùng các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết.

Mở đầu buổi thuyết trình, ông Dương nhấn mạnh Sở Di Trú (USCIS) muốn kiểm tra bốn kỹ năng của người thi là nghe, nói, đọc và viết. Họ chú trọng đến nghe và nói nhiều nhất nên người thi cần phải tập luyện nghe nói nhiều lần.

Một điểm ông đề nghị người đi thi là không nên “khớp” vì giám khảo hay các nhân viên khác chỉ là người thường, và đó là công việc chuyên môn của họ. Vì vậy, ông khuyên người thi cứ mạnh dạn nói, nhớ đến đâu nói đến đó và nói “tiếng bồi” cũng được, không nên sợ bị đánh rớt.

Diễn giả Lê Hùng Dương. (Hình: Thiện Lê/)

Ông cho hay người thi chỉ bị đánh rớt khi không thuộc bài, trả lời không đúng các câu hỏi nên “khớp” cũng vô ích, và còn dặn nên cố gắng biểu cảm và nhìn vào mắt người đang đối thoại với mình.

“Quý vị nên miệt mài học thuộc lòng, phải nói từ lúc gặp nhân viên an ninh cho đến khi giám khảo nói câu ‘you pass’ mới xong,” ông nói.

Một điểm khác cần lưu ý khi nghe người Mỹ nói chuyện là phải hiểu họ đang nói gì bằng cách nghe câu hỏi có từ nào quan trọng vì không ai có thể nghe và hiểu 100% cả.

Vì vậy, buổi thuyết trình của ông Dương muốn giúp người đi thi “học theo kịch bản” để thi quốc tịch đậu.

Khi gặp các nhân viên an ninh ở lối vào, họ sẽ hỏi người thi đến USCIS vì lý do gì, và ông nói người thi nên học thuộc câu “I am here for citizenship interview,” có nghĩa “Tôi đến đây để phỏng vấn thi quốc tịch,” vì từ “naturalization” có nghĩa là nhập quốc tịch khó phát âm.

Ông nói với người đi thi cũng nên biết giờ hẹn thi của mình, biết trình giấy tờ cho nhân viên an ninh và biết nghe lệnh họ lấy hết đồ đạc trên người ra để kiểm tra trước khi vào trong.

Nội dung chính của buổi thuyết trình. (Hình: Thiện Lê/)

Khi vào phòng đợi, người thi cũng phải nhớ trình giờ thi với nhân viên tiếp tân, đưa giấy tờ rồi cám ơn họ. Sau khi đợi, nhân viên di trú hay giám khảo sẽ ra gọi tên, và ông Dương dặn người thi nên biết xã giao với người đó, nhưng quan trọng nhất là trả lời đơn giản, ngắn gọn.

Khi vào phòng thi, giám khảo sẽ tiếp tục lấy giấy tờ của người thi, sau đó lấy dấu vân tay của họ, và người thi phải làm theo mọi yêu cầu của họ.

“Nếu quý vị nghe không hiểu thì họ sẽ chỉ cho làm, điều này không liên quan đến bài thi,” ông Dương nói.

Sau đó là phần tuyên thệ, và người thi cần nhớ câu trả lời là “Yes, I do.”

Bài thi đầu tiên là phần về lịch sử và chính phủ Hoa Kỳ, còn được gọi là “bài thi 100 câu.” Người thi phải học thuộc lòng các câu hỏi vì giám khảo nói rất nhanh, để có thể nghe được và trả lời đúng. Giám khảo sẽ hỏi 10 câu, và nếu người thi trả lời đúng sáu câu thì sẽ đậu phần các câu hỏi về lịch sử và chính phủ.

Tài liệu dễ hiểu cho người học thi quốc tịch. (Hình: Lê Hùng Dương cung cấp)

Sau đó là phần thi nghe và viết. Người thi phải tập sử dụng iPad vì sẽ dùng thiết bị đó để trả lời câu hỏi của phần này. Giám khảo sẽ yêu cầu người thi đọc lại câu được viết trên iPad, sau đó viết một câu mà họ đọc lên iPad.

Sau khi thi xong hai phần trên, giám khảo sẽ kiểm tra đơn N400 của người thi, và ông Dương nói đây là phần làm nhiều người thi rớt vì không nghe và không trả lời được câu hỏi về các thông tin cá nhân hay thông tin về hồ sơ. Vì vậy, ông nhấn mạnh người thi nên học thuộc những câu hỏi trên đơn N400.

Buổi thuyết trình về thi quốc tịch của diễn giả Lê Hùng Dương có không khí nhẹ nhàng qua cách trình bày dễ hiểu, qua nhiều câu nói đùa vui tươi, được nhiều đồng hương ủng hộ vì giải thích từng bước tường tận, có “kịch bản” như đi thi thật. Điều đó làm nhiều người đến dự cảm thấy tự tin và sẽ thi quốc tịch đậu. [qd]

Tags:
Bôn ba xứ người 38 năm, tôi cầm hơn 16 tỷ đồng về quê xây cầu giúp bà con rồi nhận về bài học cay đắng: Làm ơn mắc oán, lòng người thật khó đoán!

Bôn ba xứ người 38 năm, tôi cầm hơn 16 tỷ đồng về quê xây cầu giúp bà con rồi nhận về bài học cay đắng: Làm ơn mắc oán, lòng người thật khó đoán!

Đổ công sức và tiền bạc ra để giúp xóm làng “đổi mới”, không ngờ điều người đàn ông Trung Quốc nhận về là những lời phán xét, soi mói.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất