Thiên đường giao thông ở Mỹ
Mỹ không chỉ là thiên đường xe hơi mà đây còn là thiên đường giao thông xét trên góc độ tuân thủ luật và thực thi luật, thậm chí là việc sở hữu một tấm bằng lái. Nhiều người đã có suy nghĩ Mỹ là nơi cấp bằng lái dễ dãi nhất thế giới sau khi nghe qua quy trình cấp bằng lái xe hơi ở Mỹ
22:00 16/07/2017
Anh muốn tập lái xe ư? Đơn giản, ghi tên đăng ký thi lý thuyết. Đỗ là anh có ngay giấy phép thực hành và có thể ngồi ôm vô lăng lái trên đường cao tốc lẫn trong thành phố miễn có người có bằng lái ngồi ở ghế bên. Và thi thực hành ư? Lên internet đăng ký ngày giờ thi rồi chuẩn bị cho những bài kiểm tra thực tế. Tức là người Mỹ có thể học và dạy lái xe theo kiểu "bình dân học vụ" cha dạy con, anh dạy em, bạn bè dạy nhau. Quãng thời gian từ lúc học cho tới lúc lấy bằng nhiều khi chỉ kéo dài một tuần hoặc chưa tới một tháng (chủ yếu do chờ tới lượt).
Người đi bộ được ưu tiên tuyệt đối
Có lập luận cho là việc thi lấy bằng lái xe hơi ở Mỹ dễ, bởi xe hơi ở đây nhiều tựa như xe gắn máy ở Việt Nam. Dân số Mỹ hơn 310 triệu người mà có tới hơn 250 triệu đầu xe hơi, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng xe hơi trên toàn thế giới, nên mua xe và lái xe xem ra cũng giống như ăn bánh mì và hít thở hàng ngày. Nhưng thực ra, sự dễ dàng ấy lại đảm bảo tính hiệu quả đặc biệt. Thi lý thuyết, hay đúng hơn là thi kiến thức, được thực hiện theo cách thức buộc mọi người phải hiểu và nhớ luật để trả lời các câu hỏi như thi đại học, vì có thể có chục cách hỏi cho một vấn đề và hầu hết các câu hỏi trong khi thi thường không giống trong sách mẫu. Thi thực hành diễn ra ngay trên đường phố mà bất cứ một sai sót nào cũng đồng nghĩa với việc bị đánh trượt chứ không phải là bạn chỉ cần vượt qua một ngưỡng barem điểm tổng. Còn nữa, nếu vượt qua tất cả các cuộc sát hạch, chi phí để nhận một tấm bằng lái xe chỉ hết 60USD, còn rẻ hơn cả bạn mời ai đó một suất bít tết hảo hạng.
Cảnh sát không cãi, chỉ mời anh ra tòa
Cuối năm 2011, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng của Mỹ muối mặt từ chức chỉ sau ba ngày cảnh sát bắt quả tang ông này lái xe đi ngược chiều trong tình trạng có hơi men trên đường cao tốc ở Virginia. Mới đây, một phụ nữ da màu say rượu lái xe đâm vào một sinh viên người Việt ở Washington D.C dù được công ty bảo hiểm trả giúp 3.500USD tiền bồi thường trong khi chiếc xe của nạn nhân chỉ đáng giá chừng 2.000USD, nhưng vẫn bị treo bằng. Rồi một người Việt làm trong lĩnh vực tài chính ở New York lái xe vượt xe buýt cùng chiều bật đèn hậu đang dừng lại đón học sinh đã phải ra tòa, chịu các hình phạt tăng nặng vì ban đầu không thừa nhận lỗi với cảnh sát (luật yêu cầu phải dừng lại chờ cho xe buýt tắt đèn hậu).
Trên đây chỉ là một vài vụ vi phạm luật hay tai nạn xe hơi nhưng có thể khái quát cho chúng ta về một bức tranh giao thông ở một đất nước có hơn 310 triệu dân nhưng có tới 250 triệu xe.
Ông cựu Cục trưởng Cục Hàng không nói trên, được tòa xử vô tội nhờ thẩm phán cho rằng cái cách viên cảnh sát lấy hơi thở đo nồng độ cồn của ông có vấn đề, lần đầu ở dưới mức 0,08% và viên cảnh sát đã cố bắt thử thêm ba mẫu nữa cho tới khi có kết quả "dương tính", và lỗi đi ngược chiều của ông đã không gây ra tai nạn nào. Nhờ quyết định này Babbitt không bị phạt 250USD và không bị treo bằng một năm (uống rượu lái xe lần thứ hai phạt gấp đôi và treo bằng ba năm, có thể đi tù một năm theo luật bang Virginia).
Người Mỹ khi bình luận về chuyện này đều không mảy may nghi ngờ quyết định của tòa án Fairfax. Bản thân Babbitt cũng không nghi ngờ viên cảnh sát mưu hại, bởi "anh ta chỉ thực thi trách nhiệm" (lời ông nói), còn đến phần trách nhiệm của mình ông "phải từ chức bởi sự thật là ông có uống rượu rồi lái xe" (cũng vẫn lời ông). Hoặc nếu có ai đó nghi ngờ sự công minh của thẩm phán, vụ này vẫn như một bằng chứng cho thấy cảnh sát giao thông ở Mỹ hầu như không phải chịu sức ép ở trên dội xuống hay từ những "viên đạn" trong ví móc ra. Họ không cần phải tranh cãi về quyết định bắt lỗi, chuyện đúng sai chỉ được phán xét ở tòa án nếu người điều khiển phương tiện một mực chối tội, bởi ra tòa còn là quyền và nghĩa vụ của người bị cho là phạm luật.
Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy cảnh một đứa trẻ đứng nhảy nhót lúc bố mẹ chúng đang lái xe, và cũng khó lòng phát hiện một đứa bé nào ngồi ghế trước. Tất cả các bang và Thủ đô Washington D.C đều bắt buộc trẻ em từ 5 tuổi trở xuống phải ngồi ghế sau, ở ghế dành cho trẻ em. Luật bang California còn nâng độ tuổi giới hạn lên đến 8 sau khi có nhiều vụ thương vong liên quan tới trẻ em ngồi trên xe hơi. Chưa hết, tiền nộp phạt, tiền án phí chỉ là một phần của những thiệt hại. Những lỗi vi phạm của tất cả mọi người đều được tự động nạp vào hệ thống dữ liệu lưu trên mạng internet, và tiền bảo hiểm mà bạn phải trả hàng tháng cứ thế tự động tăng lên.
Ở Mỹ, bất cứ công ty bảo hiểm nào cũng có thể tiếp cận được với "sổ đen" của một khách hàng nào đó thông qua số thẻ an sinh xã hội (gần giống với số chứng minh thư). Anh Trung, đi cùng vợ, công tác ở World Bank, hiện sống ở Maryland được hơn nửa năm sau ba lần chạy quá tốc độ đã phát hiện ra tiền bảo hiểm mình phải trả cho hãng tăng lên gấp rưỡi chứ không chỉ là ba cái hóa đơn của cảnh sát gửi về nhà. Anh cũng phải bỏ luôn ý định mua bảo hiểm từ công ty khác, vì người ta đã hỏi ngay anh: "Tháng qua mày chạy quá tốc độ mấy lần?".
Và ý thức, thái độ của người Mỹ
Hai trong số nhiều lỗi nhất người Việt qua Mỹ lái xe vẫn thường hay mắc phải (hoặc bị đánh trượt khi thi bằng lái xe) là bỏ qua biển Stop (tạm dừng) và không nhường đường cho người đi bộ (hay đó cũng chính là thói quen lái xe ở nhà của chúng ta?). Cái biển Stop được anh Harold, giảng viên đại học UDC, so sánh như ý thức xếp hàng ở những nơi công cộng, vì xe nào tới trước, dừng trước và được đi trước. Nó đảm bảo không bao giờ xảy ra cái cảnh tắc đường chỉ vì hai hay ba, bốn cái xe cắm đầu vào giữa ngã tư tranh nhau về nhà sớm chứ chưa nói tới ý nghĩa cốt tử của nó chính là phòng ngừa những vụ va quệt ở những điểm nút nhạy cảm. Nên dù đường vắng tanh vắng ngắt, người Mỹ vẫn dừng xe trước biển Stop, quan sát xong rồi mới đi tiếp.
Cuối năm ngoái, một nhân viên làm thuê (từng ở cho gia đình cố đại tá Gadhafi ở Libya) cho Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Washington D.C bị gia đình nạn nhân kiện bồi thường tới 10 triệu USD vì anh này lái xe đâm phải một người đi bộ đang băng qua đường gây chết người. Hầu hết các bang ở Mỹ đều bảo vệ người đi bộ tới mức tối đa, dù cho điều này dẫn tới thực trạng là có những thanh niên da màu nghênh ngang qua đường buộc hàng chục chiếc xe phải dừng lại. Năm 2009, Mỹ có 10,8 triệu vụ tai nạn giao thông, làm thiệt mạng 35.900 người (trung bình mỗi ngày có gần 100 người thiệt mạng). Một trong những nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu là do sử dụng điện thoại khi đang lái xe (hành vi nhiều bang đang nghiêm cấm).
Luật và ý thức cũng đòi người lái xe hơi phải coi người đi xe đạp giống như một phương tiện cơ giới khác, tức là có quyền sử dụng một làn xe và một chỗ đỗ xe tương đương. Nhờ vậy mà nếu tới Washington D.C, bạn có thể thuê một chiếc xe đạp và đi ở làn chính giữa đại lộ Pennsylvania dẫn từ Nhà Trắng tới tòa nhà Quốc hội Capitol Hill trong khi có 6 làn ô tô chạy hai bên. Chính bởi vậy mà dù nước Mỹ trong năm 2009 có tới 10,8 triệu vụ tai nạn và gần 36 ngàn người chết vì xe cộ, nhưng nếu so với tỷ lệ bình quân trên một trăm ngàn dân thì chỉ số 12,3 hay 250 triệu xe hơi, đó là con số mơ ước ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhập cảnh Mỹ sẽ cần hộ chiếu điện tử
Hộ chiếu điện tử là điều kiện quan trọng trong hàng loạt tiêu chuẩn Mỹ vừa đưa ra trong chính sách quản lý nhập cảnh đối với công dân tất cả các nước.