‘Thiên Tài Bẩm Sinh hơn Cố Gắng?’
Khi lớn lên ở Việt Nam, tôi được dạy để tin rằng tài năng bẩm sinh – hay còn gọi là “thiên khiếu” – là phẩm chất ưu việt hơn những thứ khác, chẳng hạn như sự cố gắng. Tất nhiên, tôi không được trực tiếp dạy điều này qua bài vở trên trường, mà là qua các đánh giá của người lớn.
23:16 14/04/2017
Khi còn là học sinh, là những “sản phẩm giáo dục,” chúng tôi thường bị người lớn xem xét, đánh giá liên tục. Và như một lệ bất thành văn, mọi người thường xem chuyện “thông minh từ nhỏ” mới là điều đáng quý, còn một đứa phải học rất cật lực ngày đêm để theo kịp bài trên trường lại thường bị xem như kém cạnh, như các “sản phẩm lỗi”.
Thậm chí, nếu có hai đứa học sinh được thành tích như nhau, thì đứa nào học ít hơn sẽ được đánh giá là “thông minh hơn” và “đáng ngưỡng mộ hơn”. Không ít lần, tôi nghe người lớn nói chuyện với nhau cuộc hội thoại sau:
- “Thằng A với con B giỏi quá ha, thi học sinh giỏi toán được 10 điểm luôn.”
- “Nhưng mà con B được bố mẹ giữ kỹ lắm, cày ngày đêm mới được như vậy.”
- “Ờ. Vậy là chỉ có thằng A mới thực sự giỏi thôi ha.”
Thử đặt bạn vào vị trí “con B” đó: bạn sẽ cảm thấy như thế nào? “Con B” sẽ cảm thấy bao nhiêu cố gắng của mình không được trân trọng, dù mình đến cùng một vách đích với một bạn khác.
2.
Trong xã hội hiện nay, báo chí rất thường tôn vinh những câu chuyện thần đồng. Trong một địa phương, người ta rất hay đồn với nhau những câu chuyện về các cô cậu bé “con nhà người ta”, đồn với nhau về những gia đình ông A và bà B may mắn có được những đứa con thật thông minh.
Khi lớn lên, tôi rất hay nghe người lớn ngưỡng mộ những tấm gương “giỏi từ nhỏ”, mà lại ít nghe người ta kể cho nhau và bày tỏ ngưỡng mộ về những câu chuyện kiên trì, những câu chuyện của các anh chị vùng sâu vùng xa phải đạp xe 10km để đi học. Phụ huynh hay bàn tán về đứa liên đội trưởng thông minh 8 năm liền HSG, mà lại không bàn về một bạn học trung bình khá nhưng từ từ tiến bộ thành học sinh giỏi. Chúng ta thường được đọc trên báo về những tấm gương thủ khoa đại học, nhưng lại ít được đọc hơn về những người thi 5 lần mới đậu nhưng vẫn kiên trì suốt ngần ấy năm để được vào trường mình thích.
Theo những gì tôi thấy (bạn có thể không đồng ý), xã hội dường như mặc định, “giỏi mà không cần cố gắng” thì đáng quý hơn là “phải cố gắng nhiều lắm mới giỏi.”
3.
Hồi còn bé, tôi rất hay đi thi giải này giải kia. Và cứ mỗi lúc tôi được một giải thưởng nhất định nào đó, thể nào cũng có một vài người khen tôi rằng “thằng ấy nó thông minh nhờ gen ông nội/bố nó đó.” Mặc dù người ta thường nghĩ rằng khen một đứa bé “cháu thông minh từ nhỏ” là một lời khen, nhưng tôi lúc nào cũng cảm giác không hài lòng với những nhận xét kiểu ấy. Những đêm tôi thức trắng để học không tốt bằng cái gen trong người hay sao? Những sự cố gắng có chủ đích không tốt bằng những gì vô hình dung mà tôi có hay sao?
Cũng chính vì những lời khen thế này, nếu tôi thành công, mọi sự cố gắng của tôi đều không được trân trọng. Và mọi chuyện còn tệ hơn mỗi khi tôi thất bại: tôi sẽ bắt đầu nghĩ rằng tôi thất bại vì tôi vốn ngu từ bản chất, chứ không nhận ra rằng lý do thật sự của thất bại đơn giản chỉ bởi vì tôi cố gắng chưa đủ. Khi nghe người lớn lặp đi lặp lại giá trị của “sự thông minh” thay vì “cố gắng”, tôi bắt đầu đổ lỗi “do mình kém thông minh” cho tất cả thất bại của mình.
Mất rất nhiều thời gian tôi mới nhận ra rằng cách nghĩ đó là sai. Chừng nào tôi còn chấp nhận rằng tôi thất bại vì tôi không có “thiên tài bẩm sinh”, tôi sẽ không thể đẩy bản thân mình lên phía trước.
4.
Tôi không biết vì lý do gì mà Việt Nam rất thích những trường hợp “giỏi bẩm sinh.” Tôi cũng không có quyền bảo ai nên xem trọng phẩm chất đạo đức nào. Nhưng thiết nghĩ, người lớn ở Việt Nam đang, bằng cách tôn sùng sự thông minh, vô hình dung tạo ra một môi trường không khích lệ cố gắng cho đại đa số học sinh – những người mà phải cần rất nhiều nỗ lực mới thành công trong cuộc sống.
Từ lúc sang Mỹ, tôi nghe nhiều hơn hẳn những câu như “Không sao cả, cậu làm hết sức rồi mà!” (“Don’t be sad. You tried your best!”) hay “tiếp tục cố gắng lên!” (“keep trying”), vân vân. Tất nhiên trong cuộc sống khắc nghiệt, kết quả rất quan trọng. Nhưng sự cố gắng dọc đường – chỉ những sự cố gắng ấy thôi – cũng đã là một phần của thành quả đáng được ghi nhận. Và, ở những môi trường mà tôi đã đi qua ở Mỹ, sự cố gắng rất được trân trọng. Đặc biệt hơn nữa, trong những tấm gương mà mọi người truyền tai kể nhau có rất ít những câu chuyện về thiên tài bẩm sinh, những người mà thành công có vẻ tự động đến với họ. Những câu chuyện truyền cảm hứng nhất lại là những câu chuyện có độ thành công ít hơn, nghe có vẻ nhiều khó khăn hơn, nhưng lại thể hiện được sự cố gắng của một cá nhân rõ ràng hơn.
Và tôi hy vọng những môi trường giáo dục – gia đình và nhà trường – sẽ thay đổi theo hướng như thế. Suy cho cùng, bao nhiêu người trong chúng ta được sinh ra với thiên tài của Mark Zuckerberg? (Và thực ra, chính những thiên tài thật sự lại là những người làm việc hăng say và cố gắng nhiều nhất!)
Nếu người lớn cứ khư khư đánh giá cao tài năng bẩm sinh hơn là giá trị của sự cố gắng và nỗ lực cá nhân, thì các thế hệ trẻ cũng sẽ lớn lên suy nghĩ: (1) hầu hết thành công chỉ đến với những người có thiên tài bẩm sinh, và (2) nếu không giỏi sẵn/thông minh từ nhỏ thì có cố gắng cũng chẳng được gì. Rồi chúng ta sẽ có rất nhiều học sinh có tiềm năng nhưng rất thụ động, tự ti, không dám đối mặt khó khăn mà chỉ chờ đợi may mắn tự đến với mình.
Châu Thanh VũHarvard, 25/10/16
Nhà Trắng lên tiếng việc thả 'mẹ của các loại bom' xuống Afghanistan
Việc Mỹ thả “mẹ của các loại bom” xuống khu vực ở miền đông Afganistan hôm 13/4 được cho là một cách để ông Trump gửi tín hiệu đến Triều Tiên hay Syria. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động thái này mang ý nghĩa thực tế nhiều hơn.