Thiếu người trẻ tìm việc, các tiệm fastfood gặpkhó khăn
Chỉ mới 25 năm trước đây, mỗi công việc bán hàng trong tiệm fastfood, như Subway hay Taco John’s có 56 thiếu niên đến xin việc.
06:30 08/05/2018
Ngày nay con số này xuống còn chưa được một nửa, cho thấy tình trạng giảm sút của thành phần lao động trẻ và cũng vì số tiệm mới mở ra tăng vọt.
Nhưng trong một kỹ nghệ mà chi phí lao động rẻ là một yếu tố rất quan trọng để có thể cung cấp các món thức ăn giá phải chăng, việc thiếu hụt nhân công đang làm thay đổi cách hoạt động của các tiệm bán fastfood, theo bài báo New York Times.
Giới chủ nhân nay phải nghĩ đến việc tăng mức lương tối thiểu, cho thêm tiền thưởng và chính bản thân họ nay thường phải làm thế vào chỗ của nhân viên nhiều hơn.
Đó cũng là lý do ông Jeffrey Kaplow, chủ một tiệm Subway ở Lower Manhattan, nay phải làm việc sau quầy hàng nhiều hơn. Ông không dự tính là sẽ phải làm các công việc này nhưng nay không có cách nào khác hơn vì không có đủ nhân viên.
Ông Kaplow đã thử đủ mọi cách để kiếm nhân viên: từ đưa quảng cáo lên Craiglist, gọi cho các chi nhánh khác để nhờ giới thiệu người, và ngay cả tìm cách thuê lại nhân viên ở những tiệm Subway đóng cửa.
Ông Kaplow phải “lăn lưng” vào làm việc vì nếu khách phải đợi quá lâu, họ sẽ không trở lại.
“Mỗi lần có vụ khách phải đợi hàng dài là y như rằng ngày hôm sau không thấy nhiều người tới,” ông Kaplow giải thích.
Kể từ năm 2010, các công việc liên quan đến fastfood đã tăng nhanh gần gấp đôi so với mức phát triển của việc làm nói chung, góp phần vào việc phục hồi kinh tế. Nhưng sự phát triển nhanh chóng này đã tạo thêm các vấn đề mới.
Một số người cho rằng các tiệm fastfood nay đã quá dư thừa, tạo thêm nhiều cạnh tranh không cần thiết cho giới chủ nhân.
Giới chủ nhân cũng lo ngại về sự kiểm soát di trú ngày càng khắt khe hơn: theo một số thống kê, có tới gần 20% nhân viên các tiệm fastfood là người sinh ra ở ngoại quốc.
Các chủ tiệm nói rằng họ thường nhận được nhiều đơn xin việc mùa Hè nhưng nay chỉ có rất ít người nộp đơn, và “không hiểu giới thiếu niên ngày nay làm gì trong mùa Hè của họ,” theo như lời ông Keith Miller, người làm chủ ba tiệm Subway ở Bắc California.
Kết quả một cuộc nghiên cứu của Bộ Lao Động Mỹ cho hay việc ngày càng nhiều người trẻ chú trọng hơn vào việc học cũng góp phần làm giảm số thiếu niên đi kiếm việc làm, theo tờ NY Times.
Giới chủ nhân nay đang phải nghĩ ra nhiều cách để thu hút và rồi giữ chân nhân viên ở lại như tăng lương, cho tiền thưởng nếu đạt được số giờ làm việc nào đó. Các công ty lớn như McDonald quảng cáo trả tiền học đại học cho nhân viên hội đủ điều kiện.
Nhưng có lẽ sự thay đổi được thấy ở nhiều nơi nhất là về cách đối xử hàng ngày với nhân viên.
Ông John Motta, chủ một tiệm Dunkin’s Donut ở Nashua, New Hampshire, cho hay “ba mươi năm trước tôi sẽ không chấp nhận những gì tôi phải chấp nhận ngày hôm nay.”
Ông giải thích: “Bạn không thể nào quá nghiêm khắc với nhân viên, bởi vì bạn lo ngại rằng ngày mai họ sẽ không đi làm,” bài báo NY Times cho biết.
Người trẻ ở chung với bố mẹ thường nghèo khó và ít thành công
Kết quả một nghiên cứu mới ở Mỹ cho thấy bố mẹ nuôi con đã trưởng thành ăn, ở sẽ làm hại sự nghiệp cả đời con.