Thời điểm nhạy cảm sắp tới: TQ làm cả thế giới "rung chuyển" vì đợt "càn quét" thịt lớn nhất năm

Châu Âu và một số quốc gia Nam Mỹ đang tăng cường xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu khổng lồ của quốc gia này.

08:00 10/11/2019

Trung Quốc hiện đang thu mua thịt lợn trên khắp thế giới để thay thế cho hàng triệu con lợn bị buộc phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi (ASF). Việc này đã khiến giá thịt lợn cả thế giới tăng, đem lại doanh thu và lợi nhuận khổng lồ cho nhiều công ty châu Âu và Nam Mỹ, đặc biệt những hãng cung cấp thịt lợn, thịt bò và thịt gà.

Liên minh Châu Âu (EU), nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đã tăng cường xuất khẩu thịt lợn sang quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, lượng thịt mua từ EU chỉ đáp ứng được một phần trong lượng thiếu hụt tại Trung Quốc.

Argentina và Brazil đã chấp nhận các kế hoạch xuất khẩu mới và tăng cường bán thịt bò, thịt gà và thịt lợn cho khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, trong lúc đó, những nhà sản xuất Mỹ lại không thể cạnh tranh do những thuế quan do Bắc Kinh áp dụng trong cuộc thương chiến.

Nhiều quốc gia châu Á khác cũng đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu thịt lợn để đối phó với hậu quả của ASF. Việt Nam, Philippines, Triều Tiên, Hàn Quốc, Lào, Myanmar và Campuchia đang nỗ lực kiểm soát các đợt bùng phát dịch tả lợn - loại virus có khả năng làm lợn chết vì bệnh nhưng lại không có tổn hại đối với con người.

Justin Sherrand, nhà chiến lược toàn cầu tại Rabobank, cho biết: "Việc Trung Quốc tăng cường thu mua thịt lợn là tin tốt đối với những doanh nghiệp tham gia sản xuất và có giấy phép xuất khẩu tới Trung Quốc".

Thời điểm nhạy cảm sắp tới: TQ làm cả thế giới rung chuyển vì đợt càn quét thịt lớn nhất năm - Ảnh 1.

Một khu chợ bán thịt lợn ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Sự thiếu hụt thịt lợn tại Trung Quốc được cho là sẽ trở nên trầm trọng hơn khi dịp Tết Nguyên Đán tới vào cuối tháng 1. Thịt lợn và các đồ ăn chứa thịt lợn đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong bữa ăn và văn hóa ngày lễ của người Trung Quốc.

Một trong những nhà cung cấp lớn của châu Âu là Danish Crown cho biết có thể thấy nhu cầu thịt lợn ở Trung Quốc tăng rõ rệt vào dịp Tết Nguyên Đán. Tiềm năng xuất khẩu thịt vào năm 2020 cũng rất hứa hẹn.

Tập đoàn nông nghiệp nhà nước Trung Quốc COFCO cho biết đã đồng ý mua 100 triệu USD giá trị thịt lợn từ Danish Crown để giúp xoa dịu tình trạng thiếu thịt lợn trong nước.

Các nhà máy tại Nam Mỹ

Rabobank ước tính số lượng lợn ở Trung Quốc đã giảm một nửa trong 8 tháng đầu năm 2019 và có thể sẽ giảm 55% vào thời điểm cuối năm.

Gần đây, nhiều nhà máy sản xuất thịt ở Argentina và Brazil đã được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc với các loại mặt hàng như thịt bò, thịt gà và thịt lợn. Cùng lúc, một số nhà máy đã được mở cửa trở lại do nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc.

"Khi một nhà máy đi vào hoạt động trở lại, họ nghĩ về thị trường Trung Quốc," một quan chức Argentina nói.

Brazil cũng không phải ngoại lệ.

Theo hiệp hội thương mại Brazil, chỉ trong một lượt xét duyệt, Bắc Kinh cho phép hơn gấp đôi số lượng nhà máy sản xuất thịt bò Brazil giấy phép xuất khẩu trực tiếp thịt sang Trung Quốc đại lục - tới con số hiện tại là 33 nhà máy.

Brazil đã xuất khẩu 1,64 triệu tấn thịt bò trong năm 2018 - Trung Quốc mua 19,3% tổng khối lượng. Các dự đoán cho thấy quốc gia Nam Mỹ này sẽ xuất khẩu được 1,8 triệu tấn thịt trong năm nay.

"Trung Quốc là thị trường trả giá cao nhất cho người sản xuất thịt ở Brazil," một lãnh đạo công ty thịt Brazil trả lời Reuters.

Công ty Mỹ chịu thiệt vì thương chiến

Hàng rào thuế quan do Trung Quốc áp lên thịt lợn Mỹ khiến ngành công nghiệp sản xuất thịt của Mỹ chịu bất lợi trong cuộc cạnh tranh giành thị phần.

Trent Thiele - chủ trang trại chăn nuôi khoảng 60.000 con lợn/1 năm và là chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Thịt lợn ở Elma, Iowa - nói thương chiến đã làm tổn hại các nhà sản xuất lợn của Mỹ. Ông Thiele nói ông mong muốn bán thịt lợn cho người tiêu dùng Trung Quốc hơn là tìm kiếm thị trường khác bởi vì Trung Quốc mua cả những sản phẩm như chân và nội tạng lợn - những mặt hàng mà các quốc gia khác hiếm khi mua.

"Rất nhiều các quốc gia đối thủ của chúng tôi đang có được thị phần mà đáng nhẽ Mỹ sở hữu nếu không có đòn trả đũa thuế quan từ Trung Quốc".

Hiện tại, giá thịt lợn nhập khẩu đã tăng hơn 100% so với thời điểm đầu năm 2019. Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp nhập khẩu đều phải nỗ lực điều phối giá cả và nguồn cung để đảm bảo người dân trong nước có thịt lợn sử dụng.

theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Mua bán quốc tịch bùng nổ tỷ đô, gây tranh cãi khắp thế giới

Mua bán quốc tịch bùng nổ tỷ đô, gây tranh cãi khắp thế giới

Quốc tịch vốn là thứ mỗi người sinh ra đã có và chỉ sở hữu một quốc tịch duy nhất, nhưng giờ đây bạn hoàn toàn có thể mua được quốc tịch mới. Nhưng điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi phạm tội.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất