Thư của người xúc tép nuôi cò
Chào cô Nguyệt Nga, trước hết cho tôi gửi lời chúc sức khỏe đến cô và gia đình, luôn được bình an hạnh phúc.
07:15 31/03/2017
Tôi năm nay gần 70 tuổi, chồng tôi mới mất cách nay 9 tháng, hiện tại tôi sống với đứa con gái duy nhất, tôi không có bà con họ hàng gì ở xứ này hết, cũng không bạn bè nhiều.
Từ khi sang Mỹ đến giờ, hơn 30 năm rồi, chỉ biết “cày” để lo cho con có tương lại tốt đẹp sau này với đời. Vậy mà bây giờ tôi đang nhận lãnh một cú sốc thật lớn mà tôi không biết giải quyết ra sao? Ở lại với con để trả cho hết nghiệp, hay buông bỏ để ra đi?
Vợ chồng tôi chỉ có duy nhất một đứa con gái, chúng tôi lo cho cháu từ lúc mới sinh cho đến nay, lo từng li từng tí để cháu có thời gian rảnh rỗi dồn vào việc học. Cháu không phải làm bất cứ việc gì trong nhà. Sau khi cháu tốt nghiệp với bằng dược sĩ, thì bố cháu mất, chỉ còn lại hai mẹ con hủ hỉ với nhau. Tôi tưởng rằng, dù sao cháu cũng thấm nhuần văn hóa của người Việt là kính cha mẹ và nhớ đến công lao cực khổ của cha mẹ.
Nào ngờ sau khi ra trường cháu thay đổi hẳn, nhất là từ khi cháu có bạn trai. Anh này hơn cháu đến 20 tuổi, khôn ngoan trải đời, trong khi con gái tôi như tờ giấy trắng, cháu đã xiêu lòng trước những lời nói ngon ngọt, những cử chỉ chăm sóc. Và sau đó, khi cháu đã lụy vào tình trường, thì anh chàng kia bắt đầu dở quẻ, xúi con gái tôi đừng để cho cha mẹ “control” mình mà phải “control” lại cha mẹ. Trong thời gian quen với người này, con tôi về nhà thường lớn tiếng với bố mẹ, mà đó là điều trước đây không bao giờ có. Tôi có nói với con tôi về sự thiệt hơn trong vấn đề tình yêu, và cũng phân tích cho con thấy tư cách của người bạn trai của cháu. Đó là người giả dối, mưu cầu trong lúc làm từ thiện, là người xuất thân từ gia đình thiếu đạo đức và chính bản thân của anh ta cũng hỗn láo với bố mẹ. Tôi phải dài dòng như vậy để mọi người hiểu rõ hơn cá tính của anh chàng này, mà con tôi đã ngu dại vướng vào.
Cách nay hơn 1 tháng, tôi và con gái có xích mích với nhau, trong lúc hai mẹ con nói qua nói lại, thì con tôi text cho anh ta. Thế là anh ta đến ngay và mắng chưởi tôi tại nhà tôi, trong khi con gái tôi ngồi im lặng để nghe anh ta nói: Bác có biết bác đã làm khổ con gái bác? Bác đã phá hoại hạnh phúc của con bác không?. Tôi có cảm tưởng tôi không phải là mẹ mà là người hầu, người giúp việc cho nó trong 30 năm nay. Tôi không biết hắn lấy tư cách gì mà xen vào chuyện mẹ con tôi, hắn chưa là rễ của tôi mà! Tôi biết rõ là do xuất thân từ một gia đình không ra gì nên hắn mới hành xử tồi tệ như thế.
Tôi buồn và khổ tâm, không biết phải giải quyết thế nào? Con tôi đã đặt chữ Tình trên chữ Hiếu.
Hiện tôi đang rối trí, tôi muốn bước ra khỏi địa ngục này nhưng không biết có ổn không? Liệu tôi có bị mang tiếng xấu, chồng mới mất mà đã bỏ con đi? Thư cũng khá dài, mong cô thông cảm và cho tôi chút ý kiến. Cám ơn cô nhiều.
Một kẻ xúc tép nuôi cò
Góp ý của độc giả
– Hòa Bình
Góp ý với bà cụ 70 tuổi: Tất cả người Châu Á tới sống ở Tây Âu đều phiền khổ về chuyện 2 văn hóa khác biệt nầy. Con gái của bà cụ đối xử với mẹ như vậy là chuyện nhỏ rồi đó, con cái nhiều gia đình khác còn đánh cha mẹ và thưa cha mẹ ngồi tù…vv .
Tội nghiệp cha mẹ không dám than thở với ai, bởi sợ người ta khinh khi, và sợ con cái không có mặt mũi ở xã hội làm ăn. Bà cụ phải nên mỗi tuần đi chùa lạy Phật, nói chuyện với Tượng Phật, thì từ từ sẽ tự nhiên hết khổ, bởi Đạo Phật là đạo diệt khổ. Hơn nữa, ở Chùa Phật, bà cụ sẽ gặp người cùng cảnh ngộ tâm sự với nhau, thì bà cụ sẽ sống mạnh khỏe và vui vẻ hơn nhé.
– NB:
Thưa chị, theo văn hóa Việt Nam chúng ta, đa số những bậc làm cha mẹ đều thấm nhuần tư tưởng cha mẹ phải là cây cao bóng cả, là biển hồ mênh mông, phải bao trùm, che chở, gánh vác mọi điều cho con cái. Cha mẹ phải sống sao cho xứng với lời ngời ca:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Thế là cha mẹ cứ phải: “Vì con sống… mẹ suốt đời lam lũ. Vì con vui… mẹ gánh hết đau buồn.”
Anh chị đã sống như vậy, cả nửa đời người chỉ biết hy sinh, vất vả làm lụng kiếm tiền nuôi dưỡng cô con gái độc nhất của mình. Với suy nghĩ phải dành cho con mọi điều thuận lợi, thảnh thơi, sung sướng để con có thể toàn tâm toàn ý tập trung chỉ lo học hành xây dựng tương lai xán lạn sau này. Anh chị đã vô tình biến con mình thành một cô công chúa ích kỷ chỉ biết vô tư hưởng thụ những thành quả người khác mang lại, thản nhiên gặt hái, vô ơn với những công lao khó nhọc cha mẹ mình đã mang đến cho mình.
Danh ngôn đã có câu: “Đừng gây bất lợi cho con cái bạn bằng việc cho chúng cuộc sống dễ dàng”.Thay vì để cho con thấu hiểu những khó khăn trong đời sống, để con tự giác tham gia, chia sẻ, giải quyết mọi vấn đề cùng với cha mẹ, anh chị đã tự nguyện gánh vác tất cả. Điều này đã cản trở cho việc tôi luyện con anh chị trở thành một người trưởng thành, có ý chí, có nghị lực, biết suy nghĩ tốt xấu phải trái ở đời.
Trước đây cháu chưa từng cãi lại cha mẹ chỉ vì còn cần, còn lệ thuộc vào cha mẹ (chứ không phải vì thương yêu, kính trọng, biết ơn). Còn bây giờ đã tốt nghiệp dược sĩ, một công việc tốt, có đồng lương tốt, cháu nghĩ rằng mình đã đủ lông đủ cánh, muốn tự do bay nhảy với đời, không muốn bị bó buộc cản trở, thấy cha mẹ già sẽ trở thành gánh nặng cho mình.
Bởi vậy sau khi cha chết chỉ còn mẹ sinh sống với mình, thay vì phải thương yêu, săn sóc, an ủi mẹ mình gấp bội, cháu lại tỏ ra hỗn hào vô ơn với mẹ, lại còn dám để bạn trai mình tới nói những lời xúc phạm đến mẹ. Nói thật chị đừng buồn, con gái chị đã hết thuốc chữa rồi, nó đã thành công nhưng không thành nhân. Chị đừng mong một sớm một chiều có thể dùng những lời khuyên bảo, dạy dỗ để hướng con đi theo con đường đúng đắn. Việc hình thành tính cách mỗi con người nằm trong tầm tay của họ, do họ quyết định sẽ sống như thế nào là phải. Chỉ có những va chạm với cuộc đời sau này mới mong thay đổi được mà thôi.
Với bạn trai của con gái chị, một người cơ hội, bẻm mép, ngụy quân tử, gặp một cô gái trẻ non nớt trường đời nhưng lại có một nghề kiếm được nhiều tiền, lại là con một (có thể hưởng trọn tài sản từ cha mẹ), khả năng tương lai anh ta được dung thân là rất cao. Thế là anh ta mau chóng ra tay giăng lưới tình với con gái chị, ra sức săn sóc, cảm thương, chia sẻ, dùng đòn ly gián con với cha mẹ, tách cha mẹ ra để khống chế con dễ dàng sau này. Đối xử với người này chị phải mạnh mẽ, cương quyết, không cần phải tế nhị lịch sự làm gì. Nếu anh ta còn dám tới nhà nhục mạ chị, không cần biết con gái chị có về phe anh ta không, hãy vạch mặt nói thẳng những xấu xa bỉ ổi anh ta đã khéo che giấu lòe người khác, lừa bịp con gái chị. Nếu anh ta xấu hổ lồng lộn cãi nhau với chị, hãy tống cổ hắn ta ra khỏi nhà hoặc gọi cảnh sát 911 nếu thấy nguy hiểm.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy rồi chị đừng níu kéo tự làm khổ mình nữa. Sao cứ phải lo lắng về những thứ chị không thể thay đổi được. Hãy thương thân mình hơn, đi lễ chùa hay nhà thờ để thân tâm được an lạc, tham dự sinh hoạt ở những hội người già kết bạn với những người đồng trang lứa, chia sẻ những vui buồn trong đời, chị sẽ thấy mình vui vẻ thanh thản hơn.
Còn việc ổn định đời sống cá nhân chị, hãy bắt đầu từ vấn đề tài chính. Hy vọng là căn nhà và tiền bạc chị vẫn còn nắm giữ, anh đã mất chị hãy nhờ luật sư giúp sang tên qua cho chỉ một mình chị, không có tên con gái (nếu chị nghĩ vì nó là con, dù nó có bất hiếu chị cũng vẫn để lại tài sản cho nó khi chị mất thì chị hãy làm di chúc nhưng không cho nó biết). Nếu con vẫn không nghe lời khuyên răn của mẹ, tiếp tục làm đau lòng mẹ, chị hãy nói là chị không níu kéo nó nữa, nó có thể ra khỏi nhà tha hồ tự do bay nhảy.
Chị nhớ là con gái chị mới là người phải ra đi. Chị phải ở lại chính nhà của mình, tự chăm sóc bản thân mình, tìm niềm vui trong cuộc sống. Với thời gian và với những bài học cuộc đời nhận được khi va chạm, con gái chị sẽ mở mắt ra. Chị hãy tin như vậy đi.
Chúc chị nhiều sức khỏe, thân tâm thường an lạc, nhận được nhiều niềm vui mỗi ngày.
-Mann
“Công anh bắt tép nuôi cò,
Cò ăn cò lớn, cò dò lên cây”
Chào bà, câu ca dao này xưa kia cháu có nghe Mẹ cháu đọc qua. Lúc đó cháu chỉ khoảng 7-8 tuổi, chỉ hiểu đơn giản nghĩa đen của câu thơ, chứ chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa. Sau này khi lớn một chút thấy những cảnh tượng xảy ra, tương tự như của bà thì cháu mới càng thấm thía.
Đọc những dòng chữ của bà mà cháu thấy tội cho bà. Bà nhắc tới nghiệp thì cháu nghĩ bà cũng tin trên đời này có nghiệp.
Với những trường hợp như của bà vậy, nói cho đúng ra, không phải là không có mà là rất thường có ở cái thời nay. Khi mình rơi vào hoàn cảnh này, cách tốt nhất, để cho tâm mình được thanh thản thì mình nên chấp nhận nó vì nếu không mình chỉ làm khổ mình (ảnh hưởng tới sức khỏe) nhưng lại không giải quyết được gì. Vậy thì bà cứ coi nó như là cái quả báo của mình đi, kiếp trước mình nợ nó nên kiếp này nó tới nó đòi lại và mình đã vui vẻ trả nợ cho nó suốt bao năm nay.
Con gái của bà giờ đã ra trường mà trường hợp hai mẹ con lại như vậy thì bà nên kêu cháu nó dọn ra sống tự lập ở bên ngoài. Nó là người phải dọn ra chứ bà không phải là kẻ phải ra đi. Bà nuôi nó cả đời người, nó đã thành danh thành tài thì bà đã xong trách nhiệm, ở trường hợp nó đã coi trọng người dưng hơn mình, không còn biết lẽ phải trái, nhất là không còn nghe lời khuyên dạy của mẹ thì bà đừng có nên níu kéo nữa.
Kêu nó dọn ra ngoài, tuy nghe có vẻ dứt tình dứt nghĩa nhưng bà đừng nghĩ vậy. Nó có ra ngoài nó mới có cơ hội va chạm với đời và hy vọng là đời sẽ dạy cho nó những gì nó cần biết, có như vậy thì mới mong một ngày nó thức tỉnh ra và hiểu được tình mẹ với con nó bao la như thế nào. Nếu bà cứ ôm ấp nó trong tay thì không bao giờ nó hiểu được điều này.
Đã đến lúc bà phải lo nghĩ tới mình, con gái của bà đã không còn cách để cứu chữa, phải để tự nó nghĩ ra thôi. Bà không có tội gì trong vấn đề này, là nó muốn dứt tình mẹ con chứ không phải là bà nên bà đừng lo, ông ở trên kia nhìn xuống sẽ hiểu được tâm trạng của bà và nếu ông còn thì chắc chắn ông cũng sẽ làm vậy.
Cháu hy vọng bà dứt khoát được sớm để tâm bà không còn lo nghĩ, mỗi ngày không phải chạm mặt nó để lại cảm thấy mình bất lực và đau khổ.
P/S: Bà phải giữ lấy căn nhà của bà nhé, bà đừng giao nhà luôn cho nó, lỡ sau này nó có chuyện gì mà trở lại với bà thì ít ra hai mẹ con còn có cái nhà để ở. Bà mà dâng nhà cho nó luôn, lỡ mai đây người ta dụ nó lấy mất luôn căn nhà thì bà hối hận cũng không còn kịp nữa.
*Vấn đề mới:
Thưa cô Nguyệt Nga, tôi cũng rất ái ngại khi nêu ra vấn đề của mình. Bởi tuổi tác cũng chất chồng, mà còn băn khoăn đến chuyện tình cảm thì nó cũng “trơ” quá! Tuy nhiên tôi cũng thành thật mà “khai” ra chuyện mình để mong nghe được các góp ý.
Lúc còn thiếu nữ, tôi có yêu một người, anh ấy là con nhà nghèo, bố anh làm công cho gia đình tôi. Dĩ nhiên khi đề cập đến chuyện hôn nhân, bố mẹ tôi cực lực phản đối, và thẳng tay làm nhục anh ấy. Vì chuyện này anh ấy bỏ xứ đi, phần tôi không làm sao liên lạc được. Sau này khi lấy chồng tuy có môn đăng hộ đối, nhưng tình yêu thì không. Tôi đã thẳng thừng tuyên bố với chồng và gia đình mình: Nếu sau này tôi gặp lại người yêu cũ, tôi sẽ bỏ nhà đi theo. Cho rằng tôi trẻ người non dạ, nên tuyên bố ngông cuồng bướng bỉnh, mọi người cũng không thèm chấp, lễ cưới vẫn diễn ra.
Trong thời gian sống với chồng, tôi thể hiện đúng bổn phận của người vợ đảm và con dâu ngoan. Dần dà chuyện cũ phai đi, chúng tôi sống bên nhau bình yên và hạnh phúc. Chúng tôi có được hai con, các cháu đã lớn, đã lập gia đình và ra riêng. Tôi không giấu gì với con cái, nhất là rất thân với đứa con gái. Tôi kể cho cháu nghe, và cũng kể lại ý định “ngông cuồng” của mình ngày xưa. Tôi cũng kể cho cháu nghe, một chi tiết trong truyện Cuốn Theo Chiều Gió, nhân vật nữ Ellen, suốt một đời tận tụy, yêu thương chồng con, nhưng đến khi mất bà gọi tên Phillip, trong khi tên chồng bà là Gerald O’Hara.
Tôi sợ trước khi chết mình cũng như thế. Cũng may tôi còn sống lại, sau khi chồng tôi qua đời cách nay mấy năm.
Ở đời chẳng biết điều gì xảy ra, tình cờ tôi nghe một chương trình nói về tác giả tác phẩm trên radio, và “tác giả” tôi nghe rất giống người yêu xưa của mình. Tôi tìm hỏi, thì biết được chính là anh. Chúng tôi liên lạc lại với nhau, hóa ra sau khi bị cha mẹ tôi làm nhục, anh trôi giạt sang Pháp, lấy một cô đầm, sau cô này bỏ, anh ở vậy cho đến ngày nay.
Hoàn cảnh khá thuận tiện cho đôi bên, anh nhắc lại lời hứa hẹn xưa, lòng tôi cũng bâng khuâng lắm, chỉ ngại tuổi tác quá già không còn thích hợp để có cuộc sống vợ chồng. Con gái tôi thúc hối mẹ cứ sống theo ý mẹ, miễn sao mẹ vui là được.
Tôi đắn đo, sợ mình làm chuyện “trơ đời” cho thiên hạ chửi! Nhưng lòng thì hằng nghĩ đến, và chưa bao giờ cuộc sống của tôi hạnh phúc như từ lúc biết tin anh. Tiến hay lùi? tiến hay lùi? tôi lắc hoài con xúc xắc, mà vẫn không sao tìm được lối đi.
Hoang Mang
*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.
Người Việt ở Mỹ chuộng nước mắm đã pha chế thành ‘nước chấm’?
Ba lần đến Mỹ vào những năm khác nhau: 2014, 2016 và 2017 với thời gian ở lại mỗi lần ít nhất một tháng và thường xuyên vào bếp nấu ăn cho các con – bọn trẻ sinh sống tại tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ – tôi thấy thứ “nước mắm” mà người Việt ở Mỹ đang dùng thực chất chỉ là nước chấm hay còn gọi là nước mắm “công nghiệp”.