Thu hút nguồn lực từ kiều bào về xây dựng đất nước
Tiến sĩ Sinh Sott Nguyen, nguyên giảng viên Đại học Y Harvard, cho rằng Việt Nam đang tiếp tục đổi mới và là cơ hội để nhiều Việt kiều về đóng góp cho quê hương.
04:00 07/08/2017
Hội nghị “Diên hồng” để thu hút các Kiều bào về nước đóng góp xây dựng quê hương sẽ được diễn ra vào cuối tuần này do Thành ủy TP.HCM tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo cao nhất của Chính phủ.
Nhân dịp này, bác sĩ, tiến sĩ Y khoa, Sinh Sott Nguyen (Việt kiều Mỹ, nguyên giảng viên trường Đại học Y Harvard) có cuộc chia sẻ trên cương vị người nhiều năm trở lại Việt Nam với mong muốn góp tiếng nói để xây dựng quê hương đất nước.
- Rời Việt Nam từ khi bảy tuổi, ông có cảm nhận thế nào về Việt Nam sau hơn 30 năm trở lại?
- Tôi vui mừng khi trở lại Việt Nam, một đất nước có dân số đứng thứ 13 thế giới, là nước có tiềm năng trong khu vực, lực lượng lao động trẻ, kinh tế đang phát triển bình quân trên 6%/năm, Việt Nam có một thể chế chính trị ổn định.
Việt Nam cũng đã thành công thực hiện đổi mới toàn diện đất nước phần một, trong đó đáng chú ý đó là “cởi trói” cho tư nhân và hiện nay đang tiến hành giai đoạn đổi mới phần hai. Tôi nhận thấy đây là cơ hội để nhiều Việt kiều, trong đó có tôi về Việt Nam đóng góp cho đất nước.
- Ông đánh giá thế nào về những chính sách thu hút Kiều bào về xây dựng đất nước?
- Tôi cảm thấy thời gian qua chính sách cho Kiều bào chưa hấp dẫn, do vậy chưa thu hút được Việt kiều về đóng góp cho quê hương một cách hiệu quả nhất.
Thứ nhất, Việt kiều vẫn chưa được mua nhà đất thuận lợi, quyền lợi của Việt kiều vẫn còn nhiều sự phân biệt không như người Việt trong nước. Chúng ta quy định chỉ cần người có nguồn gốc Việt Nam, về nước có dấu nhập cảnh ba tháng trở lên là được phép mua nhà, nhưng thực tế không phải chỗ nào cũng như vậy.
Một số nơi còn yêu cầu các giấy tờ không có trong quy định, khiến bà con rất phiền lòng. Tôi cho rằng, phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Việt kiều có tài sản ở Việt Nam, như vậy cộng đồng Việt kiều mới gắn bó với xã hội này.
Thứ hai, tiềm năng của lực lượng người Việt ở hải ngoại rất lớn, nhưng tại sao đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở các nước vẫn chưa tiếp cận được nhiều để khai thác, vậy rào cản ở đây là gì? Chúng ta phải tìm hiểu và phải mở các rào cản để cho Việt kiều về đóng góp cho xã hội Việt Nam trong thời gian tới.
- Như ông vừa nói phải mở rào cản, vậy các rào cản ở đây là gì?
- Việt kiều về nước, họ phải được biết cái họ cần đóng góp cho xã hội là gì? Các bạn cần gì? Vấn đề nữa, cần có quy chuẩn rất rõ ràng để các nhà trí thức, nhà khoa học được hưởng một cơ chế đặc thù, ít nhất là về đãi ngộ.
Hiện nay trong việc thu hút trí thức Việt kiều về nước làm việc, Nhà nước đang thiếu một cơ chế về các thủ tục hành chính thông thoáng, minh bạch và công khai để họ có thể tiếp cận một cách dễ dàng.
- Theo ông, vậy phải làm thế nào để thu hút được đội ngũ Việt kiều về đóng góp cho quê hương đất nước?
- Lực lượng trí thức của đội ngũ Việt kiều tại Mỹ hiện chiếm khoảng 30%. Tôi cho rằng, cần có chính sách riêng cho đội ngũ của khu vực này.
Trong lĩnh vực y tế, đã có nhiều bác sĩ về Việt Nam đóng góp cho đất nước bằng nhiều hình thức và tôi không phải là người đầu tiên. Nhưng theo tôi, tiếng nói của họ chưa có trọng lượng, cần làm gì để những người muốn trở về đóng góp hòa nhập được, họ cũng phải thấy được quyền lợi của họ ở đó như vậy mới "giữ chân" họ ở lại.
Nhìn vào đất nước Israel, ngay từ nhỏ, trong giai đoạn từ năm 12 tuổi đến năm 18 tuổi, chính sách của Nhà nước rất rõ ràng, Nhà nước đài thọ vé đi chơi miễn phí hai tuần hoặc hai tháng để cho biết đất mẹ là gì. Đó là chương trình quảng bá của đất nước đối với những người con Israel ở các nơi trên khắp thế giới.
- Là một Việt kiều luôn trăn trở về lĩnh vực y tế nước nhà, đặc biệt vừa qua ông và các đồng nghiệp ở Việt Nam có đến một số địa phương phía Bắc để chia sẻ kiến thức mới nhất về giảm đau. Qua thực tế đó, ông có nhìn nhận gì về các tuyến y tế địa phương và trình độ các y, bác sĩ nơi đây?
- Tháng 10 vừa qua tôi có đi năm tỉnh phía Bắc, gồm Thái Nguyên, Yên Bái, Hải Phòng, Nghệ An và Bắc Ninh. Điều khiến tôi “tâm tư” nhiều đó là nhu cầu được học hỏi, được tiếp cận với các kiến thức mới của các bác sĩ là rất lớn, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện ra thế giới để học hỏi.
Vấn đề nữa đó là, tuy không xa thủ đô Hà Nội nhưng chất lượng, trình độ các bác sĩ tại các khu vực này có sự chênh lệch rất xa so với trình độ đội ngũ bác sĩ tại thủ đô. Theo tôi, một nền y tế không đồng bộ từ thiết bị đến quản lý, điều đó khiến cho y tế tuyến Trung ương luôn quá tải và tuyến địa phương thiếu niềm tin với người dân.
- Để khắc phục và giảm chênh lệch về trình độ giữa bác sĩ y tế địa phương và Trung ương, theo ông cần phải làm gì?
- Đào tạo phải thay đổi, quản lý cũng phải thay đổi và nên có chính sách khuyến khích các bác sĩ giỏi về các địa phương chia sẻ kiến thức
Việt Nam chỉ có 10% bác sĩ được đào tạo nội trú, còn lại 90% không có đào tạo nội trú, trong khi 10% sau khi tốt nghiệp phần lớn ở lại làm việc trong các bệnh viện tuyến Trung ương, các trung tâm thành phố lớn.
Chương trình 1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thực tế chưa mang nhiều hiệu quả.
Thời gian mỗi cán bộ luân phiên biệt phái ba tháng chuyển giao đào tạo cho các bác sĩ địa phương là không đủ. Các bác sĩ địa phương cũng cần phải qua đào tạo nội trú, như vậy trình độ giữa tuyến y tế địa phương và Trung ương mới sớm “san bằng”.
Theo tôi, muốn thu hút các thầy giỏi, các bác sĩ nội trú xuống các địa phương làm việc thì cần đầu tư đồng bộ thiết bị và chính sách đỗi ngộ hợp lý, có như vậy họ mới yên tâm về địa phương để cống hiến.
Muốn thành công phải học 7 cách suy nghĩ tích cực của tỉ phú Mỹ
Muốn thành công, bạn cần học hỏi không ngừng, tích lũy nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, sự lạc quan, luôn suy nghĩ tích cực chính là chìa khóa quan trọng để giải quyết nhanh chóng mọi vấn đề, khó khăn trong cuộc sống.