Thú sưu tập đồng hồ cổ của người gốc Việt
Dạo này người gốc Việt có thêm một thú vui mới là sưu tầm các loại đồng hồ cũ. Thú vui này tốn kém nhiều hay ít còn tùy vào người chơi lựa chọn loại đồng hồ nào.
01:02 05/03/2018
Ông Sơn Nguyễn, cư dân Santa Ana, cho biết ông bắt đầu sưu tầm đồng hồ để bàn từ 30 năm nay.
“Đa số đồng hồ tôi có đều không đắt. Tôi chọn mua cái nào là vì tôi thích và vì hợp túi tiền. Nói chung, tôi có chừng hơn 100 cái lớn nhỏ trong nhà, nhưng giá trị chỉ từ vài chục đến $200 là cao nhất,” ông nói. “Tôi biết nhiều người chỉ thích đồng hồ đắt tiền, có người còn mua đi, bán lại kiếm lời nữa. Tôi thì thích mới mua, và đã mua là không bao giờ bán cho ai cả, dù là có lời.”
Với ông, dù rẻ tiền, nhưng mỗi cái đều đánh dấu từng kỷ niệm. “Nhìn lại từng cái, tôi như sống lại khoảng thời gian tôi mua nó hồi đó. Mỗi cái là một đoạn đời. Tôi quý từng cái vì lý do này,” ông nhỏ giọng.
Thú chơi đồng hồ cũng đã trở thành một cách kiếm tiền của một số người.
“Đồng hồ quả lắc, loại cao tới 2 thước mà Mỹ gọi là ‘grand daddy clock’ hiện không còn cái nào ở Việt Nam. Vì thế, nhiều người phải đặt mua từ nước ngoài. Tôi từng mua nhiều cái, giá chừng vài trăm đô la, về sửa sang, lau chùi rồi đóng kiện gởi đường thủy về Việt Nam, giá từ $3,000 đến $5,000 một cái,” ông Duy Nguyễn, cư dân Anaheim, nói.
“Lúc đầu tôi chỉ mua về để chơi cho vui, nhưng thấy có lời quá, thú vui này trở thành một nghề cho tôi trong sáu năm nay,” ông cho hay.
Dạo về sau này, những cái “grand daddy” này trở nên hiếm dần ở Mỹ và cả ở Châu Âu, nhưng ông Duy vẫn tìm được dù tiền lời không cao như trước.
Một người ở tiểu bang Virginia đam mê đồng hồ đeo tay từ thuở nhỏ. Ông Quỳnh Nguyễn, chủ nhân của hàng trăm chiếc đồng hồ, nói: “Ngay từ hồi học trung học, đồng hồ đeo tay đã là kỷ niệm của tôi. Lúc đó, tài sản lớn nhất của tôi là cái Seiko. Cứ bữa nào rủ bạn bè trốn học đi uống cà phê, tôi mang nó đi cầm. Mấy bữa sau, có tiền, tôi lại chuộc về.”
“Cái Seiko này ra vô tiệm cầm đồ không biết bao nhiêu lần. Nhờ nó mà tôi đã có nhiều kỷ niệm tuổi học trò,” ông tiếp.
Sau này, khi bắt đầu sưu tầm đồng hồ, đây không chỉ đơn thuần là một thú vui mà còn là dịp để ông tìm lại những gắn bó với đồng hồ của thời xưa.
Ông nói: “Tôi sưu tầm từ cái đồng hồ giá trị chừng vài chục đô la đến $20,000. Tất cả để chơi thôi. Có vài lần tôi bán lại cho người quen, nhưng mua bán không là mục đích chính của tôi.”
“Đây là một sự đầu tư lâu dài. Không phải là kinh doanh mà là một di sản cho con tôi,” ông Quỳnh chia sẻ.
Ông đến với đồng hồ còn vì giá trị nhân văn của nó: “Có cái loại bỏ túi, làm cho thợ săn hồi xưa. Lúc đó chưa tìm ra chất lân tinh nên đồng hồ có chuông để báo giờ trong đêm. Nó báo giờ và phút rất rõ ràng. Có loại làm riêng cho người mù, họ sờ vào là biết giờ.”
Ông cho biết đã mê đồng hồ mà có điều kiện tài chánh thì có mua bao nhiêu cũng chưa đủ.
Ông nói: “Tôi có thể đeo mỗi ngày một cái đồng hồ khác nhau trong một năm.”
Trong những cái đồng hồ ông có, đặc biệt nhất là cái Halmilton mà ông mua lại của một cựu chiến binh Mỹ.
“Mỗi người tham chiến tại Việt Nam đều được cấp một cái Halmilton này. Lưu lạc suốt mấy chục năm trời, bây giờ nó lọt vào tay tôi, một người gốc Việt. Chính ông cựu chiến binh này cũng rất vui khi tôi đấu giá được,” ông kể.
Ông còn có cái Omega Speedmaster Moonwatch, y như cái của phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đeo khi đáp xuống mặt trăng lần đầu năm 1969. “Tôi mua khoảng $7,500 mà có người trả $8,500 nhưng tôi không bán.”
Ngoài ra, ông còn mê đồng hồ vì giá trị lịch sử của nó. “Mới đây, bên Thụy Điển, người ta bán đấu giá cái Rolex vua Bảo Đại mua khi ông qua đó năm 1954 dự cuộc hòa đàm Đông Dương. Họ bán được hơn $5 triệu.”
Dù sưu tầm vì lý do tình cảm, kinh doanh, hay nhân văn, mỗi đồng hồ là từng sự hãnh diện của người sưu tầm.
Người đàn ông gốc Việt bị thương nặng do lái motor khi say
Một người đàn ông gốc Việt lái xe motor đã bị thương nặng trong một tai nạn khi bị Cảnh sát Tuần tra Xa lộ (CHP) truy đuổi tốc độ cao vào thứ Hai.