Thử 'tên lửa mạnh nhất', Triều Tiên thách thức kiên nhẫn của Trump
Vụ thử ICBM hôm nay chính là lời khẳng định của Triều Tiên rằng không bao giờ có chuyện nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
08:30 30/11/2017
Tên lửa Hwasong-14 được Triều Tiên phóng hồi tháng 7. Ảnh: KCNA. |
Triều Tiên sáng sớm nay phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà nước này cho là "mạnh nhất từ trước tới nay" lần đầu tiên sau 4 tháng. Giới quan sát nhận định động thái trên được cho là nhằm phản ứng trước những cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ ngừng chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi, cũng như quyết định của ông liệt Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, theo New York Times.
Phô diễn uy lực
Đề cập tới việc Triều Tiên phóng ICBM, cho biết ông "sẽ xử lý" tình hình. Nếu so với những phát ngôn cứng rắn trước đây như thề "tiêu diệt hoàn toàn" hay "trút lửa giận" lên Triều Tiên, phản ứng của ông chủ Nhà Trắng khá kiềm chế.
Theo chuyên gia, tên lửa Triều Tiên đạt độ cao tối đa 4.500 km, bay xa khoảng 1.000 km và rơi xuống biển Nhật Bản. Quỹ đạo bay tương tự hai ICBM mà Bình Nhưỡng phóng hồi tháng 7. Tuy nhiên, tên lửa lần này dường như bay lâu hơn, thời gian bay lên tới 53 phút, so với 37 phút và 47 phút ở hai lần thử ngày 4/7 và 28/7.
Ông David Wright từ Hiệp hội các Nhà khoa học Quan tâm (UCS) đánh giá tên lửa Triều Tiên phóng sáng nay hoạt động tốt hơn hai lần trước, có thể đạt tầm bắn lên tới gần 13.000 km, đủ sức vươn tới bất kỳ đâu trên đất liền Mỹ.
"Thật sự ấn tượng", ông Wright nhận xét. Triều Tiên "đang phô diễn uy lực để cho Mỹ thấy rằng họ vẫn đạt được những tiến triển nhất định".
Ông Daryl G. Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington, cho rằng lần phóng tên lửa này là vụ thử ICBM "mạnh mẽ nhất" được Triều Tiên thực hiện.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố tên lửa Triều Tiên phóng là một mẫu mới mang tên Hwasong-15, "mạnh nhất từ trước đến nay" của Bình Nhưỡng. Đây dường như cải tiến từ mẫu Hwasong-14 phóng thử hồi tháng 7. Nó bay 950 km, đạt độ cao 4.475 km.
Theo giới phân tích, vụ phóng mới nhất, diễn ra bất ngờ trong đêm, không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, là bằng chứng về việc Triều Tiên có lẽ đang dần hoàn thiện khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu để đối chọi với Mỹ.
Những bức ảnh chụp từ trên không tại các bãi thử của Triều Tiên trước đó không cho thấy bất kỳ tên lửa nào đang chờ trên bệ phóng hay chờ để nạp nhiên liệu.
Ông Rodger Baker, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn tình báo Stratfor, cho hay Triều Tiên trong quá khứ thường phải trải qua quá trình lâu dài, có thể lên tới nhiều ngày, để đưa tên lửa tới bãi thử, nạp nhiên liệu lỏng và phóng. Nhằm rút ngắn thời gian, Bình Nhưỡng nay nạp nhiên liệu cho tên lửa theo chiều ngang, trước khi nó được đưa lên bệ phóng.
"Việc làm này giúp giảm thời gian kể từ lúc tên lửa lộ diện cho đến lúc nó được phóng vào không trung, khiến việc tấn công tên lửa trước thời điểm phóng trở nên khó khăn hơn đối với Mỹ", ông Baker nhấn mạnh. "Nếu bạn muốn dùng chúng như công cụ răn đe thì bạn phải có một hệ thống mà Mỹ không thể chống đỡ".
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 9 quan sát một vụ phóng thử tên lửa. Ảnh: AFP. |
Theo bình luận viên Marc Thiessen từ Fox News, vụ phóng tên lửa diễn ra không lâu sau khi Trung Quốc cử một đặc phái viên tới Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng thể hiện sự lạc quan về động thái kể trên. Ông chủ lâu nay vẫn thúc giục Trung Quốc, một đồng minh hiếm hoi của Triều Tiên, gia tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa. Trên mạng xã hội Twitter, ông viết: "Trung Quốc đang gửi một đại biểu và đặc phái viên tới Triều Tiên - Một bước tiến lớn, chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ đến tiếp theo".
Hành động phóng tên lửa chính là lời đáp trực diện mà Bình Nhưỡng gửi tới Bắc Kinh và Washington. Nó như lời khẳng định rằng Triều Tiên chắc chắn không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Nhưng việc thách thức Mỹ cũng tiềm ẩn rủi ro cho Triều Tiên. Sau khi biết thông tin về vụ phóng tên lửa, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh báo Bình Nhưỡng không nên tiếp tục thử độ kiên nhẫn của cũng như "năng lực của các lực lượng vũ trang Mỹ".
Ông Pence cho biết chính quyền đang cân nhắc "các biện pháp tăng cường" đối với Triều Tiên sau vụ thử ICBM lần ba, đồng thời thêm rằng "tất cả các lựa chọn" đã chờ sẵn trên bàn thảo luận.
Trên CNN, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham cho rằng một cuộc xung đột với Triều Tiên hoàn toàn có khả năng bùng phát nếu "mọi chuyện không thay đổi".
"Nếu chúng ta phải phát động chiến tranh để chấm dứt việc này, chúng ta sẽ làm vậy", ông Graham tuyên bố. "Nếu có một cuộc chiến xảy ra với Triều Tiên thì đó là bởi vì Triều Tiên tự chuốc lấy".
Song nhà khoa học Wright lưu ý việc ICBM Triều Tiên phóng trong các vụ thử có thể chạm tới đất liền Mỹ về mặt lý thuyết không đồng nghĩa với việc chúng đe dọa được Mỹ. Theo ông, để gia tăng phạm vi hoạt động, Triều Tiên có lẽ đã phải giảm thiểu tải trọng cho tên lửa. Trong thực tiễn, khi phải mang theo đầu đạn, tên lửa Triều Tiên chưa chắc đã đủ khả năng vươn tới Mỹ. Mặt khác, hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang vận hành sẽ ngăn chặn tối đa những nguy hiểm từ tên lửa Triều Tiên.
Ba thập kỷ Triều Tiên phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân. (Nhấn vào hình để xem chi tiết). Đồ hoạ: Việt Chung. |
Vũ Hoàng
Đi matxa thư giãn, hơn 180 phụ nữ "kêu cứu" vì bị xâm hại tình dục
Là thương hiệu hàng đầu nước Mỹ nhưng Massage Envy đã ngoảnh mặt làm ngơ trước lời kêu cứu của hơn 180 nữ khách hàng từng bị tấn công tình dục khi sử dụng dịch vụ tại đây.