Thư viện duy nhất ở Mỹ không có sách
Bên trong thư viện Haskell lúc nào cũng đầy ắp sách, nhưng hầu hết chúng đều nằm trên lãnh thổ Canada thay vì Mỹ.
00:00 30/09/2019
Thư viện và nhà hát Opera Haskell không nổi tiếng như tượng Nữ thần Tự do, nhưng luôn hút khách, bởi nó nằm ở cả thị trấn Stanstead, Canada và Derby Line, Mỹ.
Trên sàn thư viện ở tầng một có đường phân cách chạy ngang, chính là đường biên giới chia đôi hai nước. Lối vào chính của thư viện nằm ở phía Mỹ, còn hầu hết sách lại nằm ở khu vực Canada. Do vậy, Haskell được biết đến là thư viện duy nhất của Mỹ không có sách.
Tòa nhà có hai địa chỉ nằm trên hai con phố khác nhau, phụ thuộc vào việc bạn đang đứng ở đất Mỹ hay Canada. Ảnh: Only in your State.
Điều này tương tự nhà hát Opera trên tầng hai. Phần lớn ghế ngồi xem nhạc kịch đều nằm ở phía Mỹ, sân khấu nằm bên nước còn lại. Nó cũng được biết đến với tên gọi "nhà hát opera duy nhất ở Mỹ không có sân khấu".
Khi du khách đến đây tham quan, họ không bắt buộc phải đưa hộ chiếu để đóng dấu xuất nhập cảnh, cũng như không cần trưng các giấy tờ cho việc thông quan. Tuy nhiên, trên trang web của Haskell luôn nhấn mạnh đường phân cách bên trong tòa nhà là có thật, và nó buộc du khách phải tuân thủ luật lệ nghiêm túc. Điều đó có nghĩa bạn là người nước nào, phải trở về đúng biên giới của nước đó khi ra khỏi tòa nhà. Nếu vi phạm, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ, phạt tiền.
Tòa nhà Haskell được hoàn thành vào năm 1904, do Martha Stewart Haskell và con trai bà xây dựng. Công trình này được hoàn thành như một sự tưởng nhớ tới người chồng, người cha quá cố Carlos Haskell. Gia đình họ hy vọng công dân cả hai nước sẽ sử dụng nơi này như một trung tâm học tập và văn hóa.
Thời gian mở cửa từ thứ 3 đến 6 là 9h-17h, riêng thứ 7, tòa nhà đóng cửa từ 14h và nghỉ chủ nhật, thứ hai. Vé vào cửa miễn phí. Nếu bạn muốn thuê tour có hướng dẫn viên, phí là 10 USD đối với người lớn, miễn phí trẻ dưới 12 uổi. Mỗi tour tham quan nơi này kéo dài 25 phút, và du khách phải tuân thủ luật pháp của Canada và Mỹ khi tới đây. Bạn sẽ không được phép giao dịch, trao đổi đồ ở Haskell, cũng như không được mang thực phẩm từ bên ngoài vào. Nếu muốn trao đổi hàng hóa, bạn phải mang tới hải quan.
Vạch đen trên sàn thư viện chính là đường biên giới giữa hai quốc gia. Ảnh: Atlat Obscura.
Không chỉ là nơi giải trí, cung cấp kiến thức cho công dân hai nước, tòa nhà này còn là nơi giúp các gia đình bị chia cách đoàn tụ mà không gặp rắc rối về việc xuất nhập cảnh. Shirin Estahbanati và gia đình cô là một trong những trường hợp như thế.
Vào một ngày đầu tháng 11/2018, cô sinh viên người Iran đã lái xe suốt 6 giờ, từ New York đến Derby Line. Vừa đi, cô vừa khóc khi nghĩ tới việc sắp được gặp lại bố mẹ sau 3 năm xa cách. Bố Shirin bị đau tim và cô không dám rời Mỹ về Iran để thăm. Shirin chỉ có thị thực nhập cảnh Mỹ một lần, do đó cô không dám chắc có được chấp nhận vào Mỹ lần thứ hai nếu rời đi. Cô đã nghĩ đến vị trí địa lý của thư viện Haskell.
Bố mẹ cô đã bay đến Canada và tới Haskell. Sau hơn hai tiếng chờ đợi, cuối cùng nữ sinh viên 31 tuổi đã được gặp bố mẹ và chị gái. Họ ôm chặt nhau trong niềm hạnh phúc, vui sướng. Shirin cho biết, lúc đó cô mong mọi chiếc đồng hồ trên thế giới đều dừng lại để thời gian ngừng trôi.
Một sinh viên người Iran ôm chặt mẹ trước khi nói lời tạm biệt tại thư viện Haskell. Ảnh: Reuters.
Có nhiều gia đình cũng chọn cách đoàn tụ giống Shirin. Nhiều khách nói rằng họ không gặp rắc rối với chính quyền hai nước, một số còn lại thì bị hải quan giữ lại vài giờ để kiểm tra. Một nhân viên thư viện cho biết, chính quyền Mỹ và Canada đang tìm cách để hạn chế những cuộc gặp gỡ như thế này.
Nguồn: VnExpress.net
Giáo viên mất việc vì bị b.ắ.t quả tang đá học sinh trong thư viện
Một giáo viên tiểu học ở bang Kansas, Mỹ đã bị sa thải sau khi cô bị b.ắ.t quả tang đá và có hành vi t.h.ô b.ạ.o với một học sinh lớp dưới ở thư viện trường.