Thực hư Ngoại trưởng Mỹ 'buột miệng' lộ bất mãn với TT Trump về Iran?

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng, có mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng Iran với động thái của chính quyền Trump.

20:30 19/09/2019

Hôm thứ tư (18/9), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gây bất ngờ khi thừa nhận rằng, cuộc khủng hoảng hiện tại với Iran là "kết quả trực tiếp" từ những hành động của Tổng thống Donald Trump.

Kể từ khi đơn phương rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung - hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (viết tắt là JCPOA), chính quyền Trump đã thực thi một chiến dịch "gây sức ép" tối đa lên Tehran. Mục đích cuối của chính sách này là ép Iran phải quay trở lại bàn đàm phán, nhằm đồng ý với một phiên bản nghiêm ngặt hơn của hiệp định hạt nhân ngăn cản Cộng hòa Hồi giáo phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, cho tới hiện tại, chiến lược cứng rắn của ông Trump tỏ ra chưa thành công và có lẽ trong tương lai, cũng sẽ không có nhiều thay đổi.

Chia sẻ với báo giới cùng đồng hành trong chuyến công du tới Arab Saudi, Ngoại trưởng Mỹ giải thích: "Một số người cho rằng, chiến lược của Tổng thống không có hiệu quả… Tôi sẽ nói, những gì các anh đang thấy ở đây là kết quả trực tiếp của việc chúng tôi đảo ngược thất bại to lớn của JCPOA".

Ông Pompeo cũng đề cập tới cuộc tấn công cuối tuần trước vào hai nhà máy chế xuất dầu của Arab Saudi và những câu hỏi liên quan tới lý do vụ việc vẫn xảy ra, bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ mà Riyadh dành để mua công nghệ quốc phòng từ Mỹ.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ nhận định, không có lệnh trừng phạt của Washington, Iran đã có thể tiếp cận được với các hệ thống vũ khí phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều.

Tuy nhiên, với phát biểu "những gì các anh đang thấy ở đây là kết quả trực tiếp của việc chúng tôi đảo ngược thất bại to lớn của JCPOA, có vẻ như ông đã "buột miệng" nhận định lý do dẫn tới tình huống Mỹ và Arab Saudi đang gặp phải, chính là quyết định của Tổng thống Trump đơn phương rời bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015.

Quan hệ Mỹ và Iran không ngừng tuột dốc sau quyết định bất ngờ của ông Trump. Tình hình trở nên đặc biệt căng thẳng trong những tháng gần đây khiến xuất hiện những e ngại về một cuộc xung đột mới tại Trung Đông.

Trong khi Washington liên tục gia tăng sức ép kinh tế thì Tehran cũng đáp trả bằng những động thái táo bạo, đem tới không ít vấn đề cho Mỹ và cả các đối tác.

Một số chuyên gia và cựu quan chức Mỹ nhận xét, nếu Iran thực sự là bên chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công vào nhà máy dầu Saudi, thì chính quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của ông Trump đã mở ra cánh cửa cho vụ việc cũng như làm gia tăng căng thẳng xung quanh nó.

Bà Barbara Slavin, giám đốc Sáng kiến Tương lai của Iran tại Hội đồng Đại Tây Dương bình luận trong một bài viết hồi đầu tuần: "Đây là điều sẽ xảy ra khi anh đơn phương rời khỏi một thỏa thuận hạt nhân và sau đó cố gắng bóp nghẹt một quốc gia khác".

"Kết quả của chiến dịch gây sức ép tối đa giờ đây khá rõ ràng: sự bất ổn gia tăng tại Vịnh Ba tư, bao gồm một cuộc tấn công chưa từng có trong tiền lệ vào nhà máy dầu Saudi dẫn đến sự gián đoạn trong thị trường dầu mỏ thế giới còn lớn hơn cả thời kỳ Cách mạng Iran, và sự khôi phục mạnh mẽ của các hoạt động hạt nhân của Iran vốn đã bị hạn chế bởi JCPOA", bà Slavin nhận xét.

Lựa chọn của Tổng thống Trump vấp phải sự phản đối của các chuyên gia hạt nhân và cả các đồng minh của Mỹ từng tham gia ký kết thỏa thuận.

Mặc dù Ngoại trưởng Pompeo gọi JCPOA là "một thất bại to lớn" nhưng hầu như không có chứng cứ ủng hộ cho nhận định này. Các giám sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc từng nhiều lần khẳng định, Iran tuân thủ theo thỏa thuận, ngay cả sau khi Mỹ đã rời đi. Chỉ đến khi căng thẳng với Mỹ gia tăng quá cao vào mùa hè này, Tehran mới bắt đầu phá vỡ một số cam kết trong thỏa thuận.

"Tôi cho rằng, toàn cuộc vòng khủng hoảng và leo thang là kết quả trực tiếp của chính quyền Trump và quyết định vi phạm JCPOA", ông Jon Wolfsthal, một chuyên gia hạt nhân từng làm việc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama và giờ đây là một cố vấn cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách Global Zero, nói. "Trong khi có khả năng nếu ông Trump vẫn ở trong thỏa thuận và tìm cách đối đầu Iran theo các biện pháp quân sự khác nhau giống như những gì mà chúng ta sắp chứng kiến, thì thực tế là với nền kinh tế đang phải chịu sức ép và Mỹ không tuân thủ theo các điều khoản trong thỏa thuận, Iran lại đang nhìn vào các cách để gia tăng lợi thế cân bằng với châu Âu, nhằm tìm kiếm đền bù và chống lại chiến dịch gây sức ép tối đa từ Mỹ".

Theo ông Wolfsthal, điều trên không phải là một bào chữa cho Iran nếu nước này thực sự tấn công Saudi. Tuy nhiên, không một sự kiện nào đã xảy ra gần đây "cần phải xảy ra và có một kết nối trực tiếp từ việc chính quyền Trump vi phạm thỏa thuận hạt nhân Iran và nguy cơ nổ ra xung đột ngày hôm nay".

Tags:
Nghị sĩ bị chim phóng uế lên đầu khi đang phỏng vấn

Nghị sĩ bị chim phóng uế lên đầu khi đang phỏng vấn

Nghị sĩ Jaime Andrade ở bang Illinois bị phân chim bồ câu rơi trúng đầu khi đang trả lời phỏng vấn về vấn đề chất thải của chim.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất