Thuốc kháng thể - 'vũ khí' mới trị Covid-19

Trong tuần này, khoảng 1.200 bệnh nhân Covid ở Houston sẽ được sử dụng hỗn hợp kháng thể REGN-COV do hãng dược Regeneron sản xuất.

06:00 29/08/2021

REGN-COV là loại thuốc kháng thể đơn dòng. Khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mắc Covid-19 vào tháng 10/2020, ông được sử dụng REGEN-COV. Thuốc này được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp vào tháng 11/2020.

Năm nay, trong một tuần vào tháng 6, thuốc kháng thể đơn dòng chống Covid-19 chỉ được tiêm cho 10 người trên toàn thành phố Houston, Texas.

Tuy nhiên hiện nay, bác sĩ Howard Huang từ Bệnh viện Houston Methodist cho biết nhu cầu về thuốc kháng thể tăng theo cấp số nhân. Regeneron từng vận chuyển 25.000 liều một tuần trên toàn quốc vào giữa tháng 7. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) đang chuyển khoảng 168.000 liều mỗi tuần, với 78% đơn đặt hàng đến từ các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Nhu cầu về Sotrovimab - một kháng thể đơn dòng khác được phép sử dụng trong điều trị Covid-19 - đã tăng gần 300% trong tháng 7. Theo ông Huang, nguyên nhân có thể do số ca Covid-19 gia tăng, cộng đồng có nhận thức tốt hơn về các loại thuốc và hiệu quả của chúng được ghi nhận trong đợt dịch trước. Theo HHS, đến nay, gần một nửa số liều do chính phủ mua đã được sử dụng.

Trong một cuộc họp báo hôm 24/8, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của , nhận định thuốc kháng thể đơn dòng là "một biện pháp chưa được tận dụng nhiều" trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời mong muốn mọi người nhận ra ưu điểm của phương pháp này.

Thuốc kháng thể đơn dòng được tạo ra bằng cách nhân bản các tế bào miễn dịch đã được chứng minh có hiệu quả chống Covid-19. Thuốc có thể làm giảm ít nhất 70% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.

Bác sĩ Huang nhấn mạnh thuốc cần được tiêm sớm, lý tưởng nhất là trong vòng ba đến bốn ngày kể từ khi chẩn đoán hoặc triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Đây là thời điểm virus đang nhân lên nhanh chóng trong cơ thể và việc dùng thuốc có thể tạo khác biệt lớn.

Dược sĩ tại Regeneron chuẩn bị kháng thể đơn dòng REGN-COV để tiêm thử nghiệm cho các tình nguyện viên, tháng 8/2020. Ảnh: NY Times
Dược sĩ tại Regeneron chuẩn bị kháng thể đơn dòng REGN-COV để tiêm thử nghiệm cho các tình nguyện viên, tháng 8/2020. Ảnh: NY Times

Thuốc kháng thể nên được dùng cho người từ 12 tuổi trở lên có nguy cơ mắc Covid-19 nặng, bao gồm: phụ nữ mang thai; người trên 65 tuổi; người bị suy giảm miễn dịch do bệnh tật hoặc thuốc; người mắc các bệnh như bại não, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh tim mạch, bệnh thận hoặc phổi mạn tính; người đã phẫu thuật mở khí quản hoặc cắt dạ dày.

REGN-COV được cấp phép sử dụng cho người phơi nhiễm với nCoV, ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm dương tính, ví dụ trường hợp người có vợ hoặc chồng mắc Covid-19, cư dân tại viện dưỡng lão hoặc nhà tù có dịch bệnh bùng phát.

Mùa thu năm 2020, ông Trump bắt đầu ca ngợi thuốc kháng thể đơn dòng như một loại thuốc thần kỳ. Khi ấy, thuốc chưa được phép sử dụng cho bệnh nhân Covid-19, ông Trump hứa người Mỹ sẽ được tiếp cận với thuốc. Kể từ đó, chính phủ Mỹ đã tiến hành hai thỏa thuận mua khoảng 1,5 triệu liều REGN-COV. Trong thỏa thuận thứ hai, chính phủ đồng ý trả 2.100 USD cho một liều để bệnh nhân Covid-19 được dùng thuốc miễn phí.

Sotrovimab, loại thuốc kháng thể do GlaxoSmithKline (GSK) và Vir Biotechnology hợp tác sản xuất, được FDA cấp phép vào cuối tháng 5 nên không phổ biến bằng REGN-COV. Người phát ngôn của công ty, Lyndsay Meyer, cho biết loại thuốc này cũng có giá 2.100 USD một liều, chi phí này được chính phủ chi trả.

Sotrovimab và REGN-COV đều có cơ chế hoạt động tương tự nhau. Các kháng thể nhắm vào protein gai của nCoV, vốn là "vũ khí" giúp virus xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh. Sự kết hợp hai loại kháng thể sẽ tăng khả năng ngăn nCoV phát triển trong cơ thể.

Nghiên cứu của GSK được công bố ngày 21/6 cho thấy Sotrovimab làm giảm 79% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện do Covid-19. Theo một nghiên cứu khác được đăng trên bioRxiv ngày 26/7, Sotrovimab có hiệu quả chống lại các biến thể như Delta.

Tags:
Chàng trai Mỹ đến TP.HCM cầu hôn bạn gái chưa từng gặp mặt

Chàng trai Mỹ đến TP.HCM cầu hôn bạn gái chưa từng gặp mặt

Evan tỏ tình đến lần thứ 6, Tiên mới nhận lời yêu. Cuối năm 2020, anh đặt vé máy bay sang Việt Nam, chấp nhận cách ly nửa tháng để được gặp mặt, cầu hôn bạn gái.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất