Thuốc trị Covid-19 - 'mũi giáo' tấn công đại dịch

Trong khi vaccine được ví như tấm khiên bảo vệ con người trước Covid-19, thuốc điều trị của Merck và Pfizer được coi là mũi giáo tấn công vào virus.

09:00 06/11/2021

Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), ngày 5/11 dự đoán Covid-19 sẽ "chấm dứt" ở Mỹ trong hai tháng tới, khi lệnh bắt buộc các doanh nghiệp trên 100 người tiêm vaccine cho nhân viên có hiệu lực và các loại thuốc kháng nCoV đang có nhiều triển vọng.

Tuyên bố được Gottlieb đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Anh (MHRA) hôm 4/11 phê duyệt sử dụng thuốc kháng virus molnupiravir của hãng dược phẩm Mỹ Merck để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và trung bình, giúp Anh trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép thuốc trị Covid-19.

Hãng Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics tháng trước nộp đơn đề nghị FDA phê duyệt molnupiravir, sau khi công bố dữ liệu cho thấy thuốc giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong đối với bệnh nhân Covid-19 trưởng thành bị nhiễm ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Một ngày sau khi Anh phê duyệt molnupiravir, hãng dược Mỹ Pfizer thông báo paxlovid, loại thuốc kháng virus họ đang thử nghiệm, giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những ca nhiễm nCoV nguy cơ cao, cho biết thêm rằng công ty sẽ sớm nộp đơn xin phê duyệt lên FDA.

Thuốc của Merck và Pfizer đều tấn công vào cơ chế nhân lên của nCoV trong cơ thể bệnh nhân. Molnupiravir hoạt động bằng cách đưa các "viên gạch kiểu RNA" vào bộ gene của virus trong quá trình nó nhân lên, tạo ra vô số đột biến lỗi, làm gián đoạn quá trình nhân bản và tiêu diệt virus.

Trong khi đó, paxlovid ức chế protease trong cơ thể, loại enzyme mà nCoV cần để nhân lên. Cơ chế này sẽ ngăn virus sinh sôi và kiểm soát tình trạng bệnh của người mắc Covid-19.

Theo tiến sĩ Gottlieb, hiện chưa rõ tác động của các loại thuốc như của Merck và Pfizer đối với làn sóng lây nhiễm chủng Delta hiện nay, nhưng các loại thuốc này có thể là "mũi giáo" lợi hại hỗ trợ cho "tấm khiên" vaccine bảo vệ nhân loại trước Covid-19.

Nhiều chuyên gia đánh giá nếu được cấp phép rộng rãi, các thuốc trị Covid-19 có tiềm năng to lớn để chống lại đại dịch. Họ chỉ ra rằng thuốc dễ sử dụng, sản xuất và bảo quản hơn so với vaccine, nên đặc biệt hữu ích tại những quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi cơ sở hạ tầng và nguồn cung vaccine bị hạn chế.

Thuốc kháng virus molnupiravir do hai công ty Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển, trong ảnh được công bố hồi tháng 9. Ảnh: Reuters
Thuốc kháng virus molnupiravir do hai công ty Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển, trong ảnh được công bố hồi tháng 9. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, trong khi vaccine Covid-19 giúp thay đổi tình hình dịch tại nhiều quốc gia thu nhập cao, thiếu hụt nguồn cung đã khiến những nước nghèo không kịp tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm. Ngay cả khi nhận được vaccine, một số nước vẫn gặp vấn đề trong khâu bảo quản, phân phối trước khi vaccine hết hạn.

Thuốc viên còn có khả năng được bệnh nhân khắp thế giới ưa chuộng hơn so với những phương pháp điều trị Covid-19 khác hiện nay. Tại Mỹ, biện pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng đang được sử dụng, nhưng cách này đòi hỏi các quy trình tiêm truyền tương đối phức tạp và tốn kém.

Dạng thuốc viên còn có lợi thế hơn so với mũi tiêm khi xét đến những người bị chứng sợ kim tiêm. Một số chuyên gia cho rằng điều này nằm trong số những lý do ít được chú ý khiến nhiều người từ chối tiêm vaccine Covid-19.

"Khoảng 1/4 người lớn và 2/3 trẻ em bị sợ kim tiêm ở mức độ nào đó. Người trưởng thành còn có thể cảm thấy xấu hổ khi tiết lộ nỗi sợ của mình", C. Meghan McMurtry, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Guelph của Canada, cho biết trong một bài viết hồi đầu năm.

Một số hãng dược phẩm đang tìm cách khắc phục yếu tố này khi nỗ lực phát triển phiên bản thuốc viên của vaccine Covid-19, dù quá trình bào chế vaccine dạng uống đối với một bệnh đường hô hấp gặp nhiều khó khăn hơn.

Công ty Oramed của Israel tuần trước thông báo chính phủ Nam Phi đã cho phép họ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu ứng viên vaccine Covid-19 dạng viên nang tại nước này. MigVax, một công ty khác của Israel, hôm 4/11 cũng thông báo nhận được tài trợ từ Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) để phát triển vaccine dạng uống.

Báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có 4 ứng viên vaccine Covid-19 dạng uống khác đang trong quá trình phát triển lâm sàng. Ngoài ra, 8 ứng viên vaccine được thiết kế để đưa vào cơ thể qua đường mũi. Nhiều nhà nghiên cứu hy vọng hình thức này không chỉ dễ sử dụng hơn mà còn hiệu quả hơn.

Dù là thuốc điều trị Covid-19 hay vaccine dạng uống, các nước đang phát triển được cho là hưởng lợi lớn nhất từ các thành quả đó. Gần như mọi loại thuốc viên đều có thể được vận chuyển và bảo quản dễ dàng, đồng thời dễ đào tạo nhân viên y tế về cách dùng. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể tự sử dụng tại nhà mà không phải hướng dẫn nhiều, hay cần đến các vật dụng cơ bản như ống tiêm.

Bình luận viên Adam Taylor của Washington Post cho rằng nếu được sử dụng rộng rãi tại những nước đang phát triển, thuốc trị Covid-19 có khả năng giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, đồng thời giảm nhu cầu đối với những mặt hàng vốn có nguồn cung hạn chế như máy thở.

"Một trong những vấn đề lớn nhất đối với chiến lược ứng phó đại dịch, bao gồm tiêm chủng và điều trị, là khả năng tiếp cận. Tôi nghĩ những khó khăn hậu cần khi triển khai vaccine và liệu pháp kháng thể đơn dòng thực sự đã gây ra tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận", giáo sư William Fischer, nhà nghiên cứu tham gia thực hiện thử nghiệm lâm sàng molnupiravir, nêu quan điểm.

"Thuốc viên đặc biệt gây hứng thú, bởi nó có thể khắc phục những hạn chế về hậu cần, đảm bảo công bằng trong tiếp cận phương pháp điều trị và phòng tránh Covid-19", Fischer nói thêm.

Tuy nhiên, bình luận viên Taylor nhấn mạnh chỉ riêng các loại thuốc này khó có thể chấm dứt đại dịch trong thời gian ngắn. Anh đã phê duyệt thuốc molnupiravir, nhưng cũng sẽ mất nhiều thời gian mới triển khai được đại trà. 480.000 liệu trình mà Anh đặt mua dự kiến được giao vào cuối tháng này, sau đó phải trải qua một nghiên cứu toàn quốc mới có thể được đưa vào sử dụng rộng rãi.

Thêm vào đó, molnupiravir vẫn có một số hạn chế. Thuốc được khuyến cáo sử dụng trong vòng 5 ngày đầu tiên kể từ khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm nCoV. Đây được đánh giá là khoảng thời gian eo hẹp, đặc biệt tại những nước năng lực xét nghiệm bị hạn chế. Nhiều chuyên gia còn dự đoán Merck sẽ phải chật vật để sản xuất đủ hàng.

Pfizer đã bắt đầu sản xuất paxlovid và dự kiến cho ra lò hơn 180.000 vỉ vào cuối năm nay, sau đó tăng lên 50 triệu vỉ vào năm 2022. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ loại thuốc này sẽ mất thêm bao lâu để được phê duyệt, hoặc giá cả ra sao.

"Dù đại dịch sẽ không chấm dứt chỉ nhờ vào các loại thuốc viên, chúng vẫn cung cấp thêm vũ khí trong cuộc chiến chống Covid-19, một điều vô cùng quý giá", Taylor kết luận.

Tags:
Quy tắc dạy con thành tài của Kỳ Hiểu Lam: “4 điều cấm và 4 điều cần”

Quy tắc dạy con thành tài của Kỳ Hiểu Lam: “4 điều cấm và 4 điều cần”

Kỳ Hiểu Lam là một vị quan nổi tiếng thời nhà Thanh, vì chuyện triều chính bận rộn mà ông thường xuyên xa nhà, không có nhiều thời gian trực tiếp chỉ dạy cho con.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất