Thương chiến Mỹ-Trung đã thành cuộc xung đột quy mô lớn: Phía trước là suy thoái, sụp đổ và hủy diệt?
Có vẻ như cuộc thương chiến, giống như chứng ung thư vô phương cứu chữa, đang di căn thành một cuộc cạnh tranh gay cấn về quyền bá chủ toàn cầu với nhiều tác dụng phụ.
03:00 29/08/2019
Tháng Năm năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có vẻ như sẽ được xử lý theo hướng hai bên cùng hài lòng. Cũng trong tháng Năm, không có thỏa thuận nào đạt được, và tháng Bảy, Trung Quốc quay lưng khỏi bàn đàm phán, từ bỏ những điều khoản trước đó họ đã ủng hộ.
Bây giờ là tháng Tám, có vẻ như cuộc thương chiến, giống như chứng ung thư vô phương cứu chữa, đang di căn thành một cuộc cạnh tranh gay cấn về quyền bá chủ toàn cầu với nhiều tác dụng phụ. Dư luận bắt đầu quan ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu; hệ thống thương mại toàn cầu do Mỹ đứng đầu, dựa trên luật lệ có từ Thế chiến II đang sụp đổ; các chuỗi cung ứng quốc tế đang cấu trúc lại hệ thống thương mại toàn cầu; Quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng thách thức lẫn nhau; và các quốc gia đang chọn phe: hoặc theo Trung Quốc, hoặc theo Hoa Kỳ hoặc trung lập.
Tại Mỹ, cuộc thương chiến lan rộng đang trở thành một vấn đề chính trị then chốt bởi Tổng thống Donald Trump phải cạnh tranh với những các đối thủ của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 11 năm 2020. Thương mại không phải là vấn đề quá lớn bởi các tuyên bố của đảng Dân chủ đang tập trung vào suy thoái kinh tế, suy giảm vị thế lãnh đạo toàn cầu và sự tôn trọng dành cho nước Mỹ, cùng với các tồn đọng trong chính sách đối ngoại.
Việc để Mỹ và Trung Quốc giảm căng thẳng và cùng nỗ lực tồn tại hoà bình ngày càng trở nên khó khăn hơn mặc dù thực tế là khó có khả năng một trong hai nước có thể tự thoát được vòng kiềm toả của nước kia
Vẫn với cách thức cực khó chịu của mình, tuần trước, Tổng thống Trump lại bồi tiếp một lớp thuế quan quan với tuyên bố đầy khiêu khích trên Twitter để biện minh cho những chính sách của mình trong cuộc thương chiến. Tiếc là những tuyên bố này lại rất phản tác dụng.
Một ông Trump bực bội nóng nảy ngày càng tỏ rõ ý định rút nước Mỹ khỏi quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuyên bố mới nhất của ông trên Twitter cho biết ông dự định buộc các công ty Mỹ phát triển các chuỗi cung ứng mới không có Trung Quốc và quay trở lại Mỹ để khôi phục việc làm cho người Mỹ. Để làm điều này, ông chủ Nhà Trắng sẽ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Khó có thể coi việc này là hợp hiến, và kể cả nếu có thì đảng Dân chủ và nhiều thành viên đảng Cộng hoà cũng sẽ ngăn chặn. Vậy nên lời đe doạ này chỉ là vô nghĩa.
Ông Trump cũng công kích ông Jerome Powers, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, vì ông này không chịu giảm lãi suất và mua trái phiếu chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là các ngành xuất khẩu. Những công kích này hoàn toàn mang tính cá nhân. Ông Trump đã đáp trả việc Trung Quốc dùng đồng Nhân dân tệ làm vũ khí để giảm giá thành hàng xuất khẩu của nước này. Trong khi tất cả các tổng thống khác, từ Lyndon Johnson đến Barack Obama, ngoại trừ Bill Clinton đều đã cố gắng gây áp lực với Fed, một cơ quan độc lập; thì ông Trump đã vượt một bước xa hơn trong một tuyên bố trên Twitter rằng ông ưa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn ông Powers! Ông Powers đáp lại rằng điều tác động tiêu cực đến nền kinh tế không phải là chính sách tiền tệ của Mỹ mà chính là cuộc thương chiến thiếu suy tính của ông Trump. Đúng là một đòn phản công!
Trump bác bỏ tuyên bố rằng cuộc chiến thương mại của ông đang gây ra suy thoái và ông cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở mức lớn mạnh nhất thế giới. Cùng lúc, việc gây áp lực với Fed lại cho thấy ông tin rằng có thể xẩy ra suy thoái. Chúng ta sẽ thấy điều này. Nói về vị thế lãnh đạo của nước Mỹ, ông Trump cho rằng người chịu trách nhiệm là ông Obama. Chính ông Obama đã rút lui khỏi vị thế lãnh đạo toàn cầu bằng cách nhượng lại trách nhiệm của Hoa Kỳ cho Liên Hợp Quốc, WTO, IMF và các tổ chức đa phương khác. Nói gì cũng không quan trọng nữa, chỉ biết rằng đây sẽ là những chủ đề tranh cãi trong 18 tháng tới đây.
Các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đã quyết định tổng tấn công ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Trong hơn hai năm qua, báo chí Mỹ tràn ngập các bài viết đầy thiên kiến cáo buộc ông Trump thông đồng với Nga trong chiến dịch bầu cử mùa trước để cuối cùng đi đến cái kết là ông Trump không phải gián điệp, không phải kẻ phản bội và cũng không phải kẻ thân Nga. Vì vậy, các phương tiện truyền thông lại chuyển sang một cáo buộc mới rằng ông Trump đang gây ra suy thoái toàn cầu và rằng ông Trump đã làm mất đi vị thế lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ. Ông Trump có thể nhìn thấy trước là bức tranh 18 tháng tới đây sẽ không có gam màu tươi sáng.
Hội đồng châu Âu cũng góp thêm vào bản hợp âm này, ủng hộ cáo buộc rằng ông Trump đã làm mất đi các đồng minh truyền thống của Mỹ, là những nước cần có mặt để hỗ trợ Mỹ chống lại Trung Quốc. Chủ tịch EC, ông Donald Tusk, tuyên bố rằng suy thoái có thể xảy ra do những tranh chấp vô nghĩa của ông Trump với Trung Quốc – tuyên bố này đã cho thấy rõ ý định về phe với Trung Quốc của EC.
Ông Trump cho rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã không đạt được vì Trung Quốc nhìn nhận ông Trump quá cứng rắn với họ và họ cần phải chờ đợi cho đến khi đảng Dân chủ đánh bại đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội tới đây. Không bên nào tin vào cơ hội ngồi lại bên bàn đàm phán.
Trước tuần vừa rồi, ông Trump đã rất cẩn trọng không đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề nội bộ liên quan đến Hồng Kông, Đài Loan và người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur).
Ngay từ ban đầu ông Trump tuyên bố rằng Hồng Kông là vấn đề của Trung Quốc và việc Đài Loan mua vũ khí của Mỹ đã được tạm dừng. Ông Trump đã hoãn các lệnh trừng phạt theo kế hoạch đối với Trung Quốc do cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ. Mọi sự kìm chế thể hiện một hy vọng sẽ đạt được thiện chí cho hòa giải thương mại sau này.
Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc CIA gây ra tình trạng bất ổn ở Hồng Kông. Và, nước này còn trở nên hung hăng hơn ở Thái Bình Dương với những tuyên bố vô căn cứ về quyền sở hữu lãnh thổ.
Đối đầu với những động thái này, việc đầu tiên là ông Trump chỉ trích các hành động của chính quyền Trung Quốc chống lại người biểu tình ở Hồng Kông và thông qua thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD bán máy bay tiêm kích F-16 tiên tiến cho Đài Loan. Ông Trump tuyên bố rằng thật khó để thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc nếu chính phủ nước này dùng vũ lực đàn áp người biểu tình Hồng Kông.
Tàu hải quân của Mỹ bắt đầu cuộc "tuần tra tự do hàng hải", đi vào các vùng biển mà Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền. Mỹ cũng khen ngợi nỗ lực của Ấn Độ bảo vệ vùng biên giới phía bắc đang tranh chấp với Trung Quốc. Ông Trump mời thành viên của các nhóm thiểu số Trung Quốc tố cáo bị áp bức đến Nhà Trắng và bổ nhiệm bà Elnigar Iltebir, một người Mỹ gốc Ngô Duy Nhĩ làm người phụ trách mảng chính sách Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Trung Quốc sau đó đã tăng cường hỗ trợ cho Venezuela, đất nước hiện đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị ở quy mô lớn của Mỹ, bao gồm cả phong tỏa. Trung Quốc đã cho Venezuela vay lên đến 60 tỷ USD – lệnh phong toả ngay lập tức khiến khoản đầu tư này rơi vào rủi ro.
Dòng tuyên bố khiến công luận bất bình trên Twitter là khi ông Trump nói đùa về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán của nước Mỹ và các nước khác do hậu quả của các chính sách thuế quan gần đây. Các nhà đầu tư bị mất đi các khoản tiết kiệm, quỹ hưu trí và các khoản đầu tư do chính sách của ông Trump không thể thấy vui thích với câu đùa này.
Ông Trump quyết định lệnh tăng thuế sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 10 – đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – nhiều người tin rằng việc này sẽ khiến Trung Quốc tức giận hơn nữa.
Trong khi ông Trump và ông Tập còn lo đấm đá nhau thì các đối thủ của ông Trump đã làm rõ những tuyên bố mơ hồ và các chính sách bất nhất. Có ba điều đáng chú ý.
Vào ngày 25 tháng 8 tại hội nghị G7 ở Pháp, Trump đã trả lời câu hỏi của phóng viên và nói rằng ông ân hận về việc áp thuế gần đây. Ông nói thêm rằng ông luôn có sự tính toán lại ở mọi vấn đề. Điều này khiến Nhà Trắng phải ra thông báo làm rõ rằng câu trả lời của ông Trump thực sự có nghĩa là ông ân hận đã không áp đặt mức thuế cao hơn. Nhưng điều này cũng lại đặt ra nhiều thắc mắc hơn nữa về việc liệu ông Trump có ý nói rằng ông muốn cuộc thương chiến kéo dài lâu hơn nữa hay không.
Ông Trump, sau tuyên bố gần đây nhất về việc áp tiếp đợt thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc, lại đột nhiên đảo chiều và lùi thời hạn đến tháng 12 với lý do là việc tăng giá hàng Trung Quốc sẽ khiến người dân không hài lòng đúng dịp mua quà Giáng sinh. Việc trì hoãn này ảnh hưởng đến các mặt hàng bao gồm máy tính xách tay, điện thoại và trò chơi máy tính.
Huawei là hãng công nghệ toàn cầu có vị thế hàng đầu của Trung Quốc, một trong những ông lớn bán quốc doanh, đại diện cho tham vọng của Trung Quốc trong tương lai. Trung Quốc hy vọng rằng Huawei sẽ nắm bắt thị trường viễn thông 5G, cùng với điện thoại thông minh, thiết bị internet và các thiết bị khác. Ông Trump đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei. Đây là một đòn lớn giáng vào tham vọng của Trung Quốc. Ông Trump cho rằng Huawei là một rủi ro an ninh lớn đối với Mỹ và các quốc gia khác.
Sau khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực, ông Trump lại đổi ý và trì hoãn các chính sách với Huawei, có lẽ là do áp lực từ phía doanh nghiệp.
Các nhà phê bình cho rằng ông Trump có sự tính toán lại với chính sách đã đưa ra. Trung Quốc tin rằng ông Trump yếu hơn so với những gì ông thể hiện trước các đối thủ. Còn ông Trump thì tuyên bố đó là chiến lược của ông: tạo ra một chút hỗn loạn trong tiến trình thực hiện.
Trump đã lật chiều khá nhiều chính sách – hệ quả của việc này là khiến rất nhiều người không thể nắm bắt được thực chất các chính sách đó là gì và liệu có chắc chắc đúng như vậy không. Mới đầu năm nay, ông Trump nói rằng sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ngăn chặn dòng người bất hợp pháp đang tràn qua biên giới phía nam nước Mỹ, và ngay trước khi điều đó thành hiện thực thì ông lại thay đổi.
Một số người cho rằng đây là một phần trong chiến lược đàm phán của ông Trump; nhưng những người thiếu thiện chí thì cho rằng chỉ đơn giản là chính ông Trump cũng không biết mình đang làm gì.
Không ai đánh giá được phương pháp này có nghĩa thế nào. Chúng ta chỉ biết rằng ông Trump vừa đàm phán thành công một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản tại cuộc họp G7 và đã đàm phán lại một thỏa thuận với các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Canada và Mexico vào đầu năm ngoái. Vì vậy, những người ủng hộ ông Trump vẫn có niềm tin vững chắc vào cách làm của ông.
Tin nóng hổi: khi tôi viết bài này vào ngày 26 tháng 8, ông Trump vừa tuyên bố rằng Trung Quốc đang quay trở lại bàn đàm phán, vì thị trường chứng khoán châu Á sụp đổ một lần nữa. Nhiều chuyên gia hoài nghi về báo cáo này. Bloomberg Media cho rằng rằng về cơ bản chiến lược của ông Trump là phóng đại mọi chuyện lên, sau đó tuyên bố chiến thắng cho dù kết quả thực tế có là gì đi nữa. Chỉ có thời gian mới có câu trả lời về thành công của ông Trump.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể tin tưởng rằng bên kia sẽ đàm phán các hiệp định thương mại, và bây giờ là nhiều thỏa thuận khác nữa, với thiện chí. Điều này không hứa hẹn một tương lai tích cực.
Cuộc chiến thương mại đã đặt ra nhiều điều đáng lo ngại về mối quan hệ Mỹ-Trung, từ quan điểm của ông Trump. Nhiều chuyên gia tin rằng mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, giáo dục và an ninh bắt đầu từ những năm 1970 dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông và sau đó tiếp tục dưới thời Chủ tịch Đặng Tiểu Bình không phải là một mối quan hệ tốt đẹp thực chất và Trung Quốc chỉ lợi dụng nước Mỹ để làm lợi cho mình. Cuốn sách của Michael Pillsbury với tiêu đề tiếng Anh là "The Hundred Year Marathon (2015)" phân tích rất rõ điều này.
Việc đánh giá lại mối quan hệ Mỹ-Trung và cuộc chiến thương mại đang diễn ra sẽ khiến hai cường quốc ngày càng khó hòa giải.
Tôi cho rằng cuộc chiến thương mại đang lan rộng này tương tự như một trận đấu cờ vua. Thay vì sử dụng các quân cờ bằng ngọc bích, ông Tập và ông Trump đang chơi các quân cờ là các khu vực, quốc gia, nền kinh tế, doanh nghiệp và quân đội thực sự (hiện giờ còn bảo gồm cả vũ khí hạt nhân), nhưng phần lớn trong số các quân cờ đó là con người.
Không giống như cờ vua, cuộc đấu này dường như chỉ có một vài quy tắc và các quy tắc đó luôn luôn thay đổi theo ý người chơi. Giống như trong cờ vua, cả hai đang phân định tìm người chiến thắng chứ không chấp nhận hoà, thỏa hiệp hoặc hợp tác. Có thể thấy là cuộc đấu này sẽ đem lại một chiến thắng kiểu Pyrros (một thắng lợi với những tổn thất mang tính huỷ diệt cho chính phe chiến thắng).
Tôi cho rằng việc dự đoán kết quả cuộc đấu này là điều không thể làm được. Hai bên có rất nhiều lựa chọn nhưng chưa có lựa chọn nào vào được hồi kết. Không giống như cờ vua, cuộc đấu này chịu sự can thiệp từ những bên không tham gia: EU, APEC, ASEAN, Trung Đông, Nga và rất nhiều các tổ chức đa phương khác nhau, và sự can thiệp đó có thể đẩy trò chơi theo hướng này hay hướng khác, khiến kết quả càng trở nên khó đoán định.
Nếu tôi phải đoán, tôi cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ là một sự kiện mang tính chỉ dấu. Nếu ông Trump thắng, ông sẽ có bốn năm nữa để chơi tiếp ván cờ này. Nếu đảng Dân chủ thắng, chắc có lẽ họ sẽ đảo ngược phần lớn những "thành tựu" của ông Trump, giống như cách ông Trump đã làm với những chính sách của ông Obama. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ thắng.
Cũng có thể xảy ra khả năng là ông Tập và ông Trump sẽ vô tình kéo nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái do không lường trước được hậu quả của các hành động đưa ra – nếu điều đó xảy ra thì cả Mỹ và Trung Quốc đều là những kẻ bại trận thảm hại.
Tôi không đủ lạc quan để tin rằng một trong hai nước, ít nhất là trong tương lai gần, sẽ có đủ tỉnh táo để suy nghĩ, hành động một cách hợp lý, minh mẫn và ngồi lại với nhau để đàm phán một thỏa thuận có thiện chí, có thể kiểm chứng và cùng có lợi.
theo Trí Thức Trẻ
Cặp song sinh Mỹ trúng tuyển học viện quân sự
Tháng 9 này, chị em sinh đôi Aubrie và Emma Kuhrt (18 tuổi) tại Texas, Mỹ tạm chia tay để nhập học hai học viện quân sự.