Thụy Điển: Người dân "chán" tiền mặt, các cửa hàng, dịch vụ và thậm chí cả người bán báo dạo chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ
Trong khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới là Nhật Bản vẫn cuồng tiền mặt, thì tại Thụy Điển - một trong những quốc gia phát triển nhất châu Âu tiền mặt đã trở nên lỗi thời.
12:21 16/05/2017
Tại Thụy Điển ngày nay, rất nhiều giáo xứ đã quyên góp tài chính thông qua những ứng dụng di động, thanh toán điện tử thay vì tiền mặt như trước đây. Thậm chí, khu giáo xứ nổi tiếng Uppsala có từ thế kỷ 13 của nước này hiện cũng đã chấp nhận quyên góp bằng thẻ tín dụng.
Đây là những động thái mới nhất của giới chức tôn giáo Thụy Điển nhằm bắt kịp với xu thế thay đổi nhanh chóng của đất nước và thế giới, khi mà tiền mặt dần mất đi vị thế vốn có trước đây.
Hầu hết các ngân hàng Thụy Điển hiện đã ngừng xử lý tiền mặt, đa số cửa hàng và bảo tàng nơi đây chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ và thậm chí ngay cả những người vô gia cư đi bán báo dạo tại thủ đô Stockholm cũng đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng.
Tại những khu chợ trời, thậm chí nhiều cửa hàng thích khách hàng thanh toán bằng ứng dụng hơn là trả tiền mặt.
Số liệu cung tiền mặt cũng cho thấy vị thế của loại tài sản này đang dần giảm sút trong xã hội Thụy Điển. Thống kế chính thức cho thấy lượng tiền giấy, tiền xu lưu thông công cộng đã giảm xuống chỉ còn 56,8 tỷ Kronor (6,4 tỷ USD) trong quý I/2017.
Lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường Thụy Điển (tỷ Kronor)
Đây là con số thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn 40% so với mức thấp kỷ lục của năm 2007. Tốc độ suy giảm sử dụng tiền mặt tại Thụy Điển cũng thuộc hàng nhanh nhất kể từ năm 2007.
Thậm chí ngân hàng trung ương nước này đang phải xem xét liệu có nên phát hành loại tiền ảo riêng của nước họ hay không khi tiền mặt đã dần lỗi thời.
Phó Thống đốc Cecilia Skingsley cho biết người Thụy Điển đã sớm sử dụng máy tính cá nhân và điện thoại di động trong khi các ngân hàng nước này cũng sớm lưu hành những hệ thống thanh toán như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hay ứng dụng thanh toán trực tuyến Swish, vốn hiện có 5,5 triệu người sử dụng.
Theo bà Skingsley, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đem lại hiệu quả và sự tiện lợi cho người dân đang khiến thanh toán điện tử dần thay thế tiền mặt trong xã hội.
Thay đổi lượng tiền mặt sử dụng trong xã hội Thụy Điển (%)
Thách thức và ảnh hưởng của chính sách
Mặc dù thanh toán trực tuyến đang lên ngôi ở Thụy Điển nhưng việc thực hiện một xã hội không tiền mặt tại đây vẫn có những khó khăn.
Rất nhiều quỹ hưu trí của nước này gặp khó khăn trong việc thanh toán trực tuyến cho người nghỉ hưu bởi người già thường chậm thích ứng với những công nghệ mới. Nhiều người cao tuổi cũng gặp khó khăn hơn khi phải thích nghi với các công nghệ thanh toán hiện đại trong công việc.
Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng chính phủ đang dần kiểm soát, can thiệp quyền riêng tư của người dân khi phổ biến thanh toán điện tử. Một số chính trị gia thì lo ngại những cuộc tấn công điện tử, hệ thống an ninh mạng... có thể khiến xã hội không tiền mặt của Thụy Điển bị hủy hoại trong chốc lát.
Dẫu vậy, những lợi ích như giảm chi phí hoạt động kinh doanh, tăng cường quản lý thuế hay thu hẹp hoạt động rửa tiền khiến quyết tâm của chính phủ Thụy Điển không lay chuyển.
Thậm chí, chính sách lãi suất âm hiện nay thể hiện rất rõ thái độ của người tiêu dùng với tiền mặt hiện nay. Dù để tiền trong ngân hàng không có lãi suất hoặc thậm chí phải trả phí nhưng người dân vẫn ngày càng ít dùng tiền mặt, qua đó khẳng định xu hướng không tiền mặt trong xã hội Thụy Điển.
Mặc dù chính sách lãi suất âm của Thụy Điển không tác động nhiều đến chính sách tiền tệ nhưng nếu quốc gia này thành công xóa bỏ tiền mặt thì ngân hàng trung ương nước này sẽ có nhiều quyền lực hơn cũng như tác động được đến thị trường nhiều hơn qua các công cụ tài chính.
Nói cách khác, chính sách lãi suất âm sẽ có tác dụng nhiều hơn cũng như đem lại sự cơ động cho ngân hàng trung ương khi chúng không gây ra phản ứng phụ trong một xã hội không tiền mặt.
Hiện khu giáo xứ Uppsala của nước này đang tận hưởng những lợi ích của việc không dùng tiền mặt. Ngoài việc đảm bảo không bị mất trộm, người dân nơi đây còn tiết kiệm được lệ phí khi không phải đi nộp tiền mặt vào ngân hàng.
“Có một điều thú vị hiện nay là khi đi quyên góp từ thiện cho nhà thờ, nhiều con chiên chỉ giơ điện thoại lên cho thấy họ đã đóng góp và đây quả là một hình ảnh thú vị”, người phát ngôn Mats Lagergren của giáo hội Uppsala cho hay.
Quốc gia nghèo đến mức người dân chẳng có gì ngoài tiền, đành phải bán tiền để kiếm sống
Người ta đi nước ngoài mua được vài đồng tiền về cho bạn bè là giỏi lắm rồi; còn tới Somaliland, cứ cầm cả bó tiền về phát cho người thân người quen rồi cho cả hàng xóm cũng không hết!