Tiệm giặt của người Việt trầy trật kiếm bạc cắc tại Mỹ
Không còn thời hoàng kim như những thập niên trước, nghề kinh doanh tiệm giặt của người Việt tại Mỹ giờ đây cũng gặp nhiều khó khăn do mọi thứ đều tăng giá, lượng khách giảm.
22:00 02/10/2018
Bà Theresa Trương, từng làm chủ tiệm giặt ở Garden Grove, California, Mỹ kể với báo Người Việt về thời hoàng kim khi mở tiệm giặt: “Gia đình tôi có hai tiệm nail và một tiệm giặt. Tiệm giặt nằm ở khu vực rất an ninh, có chỗ đậu xe rộng rãi, có 26 máy giặt, 18 máy sấy…. Hồi đó tiền mướn có 1.600 USD/tháng, nếu ký hợp đồng hơn 4 năm thì còn lại 1.200 USD. Rồi tiền điện, nước, cống, rác chung một hóa đơn khoảng gần 600 USD/tháng, cộng thêm tiền gas xài cho máy nước nóng và máy sấy khoảng 250 USD mỗi tháng nữa. Thu nhập hằng tháng trong khoảng 5.000 đến 6.500 USD”.
Bà chia sẻ thêm: “Nghề này hoàn toàn thu nhập bằng tiền mặt, chủ cũng không phải mất nhiều thời gian, chỉ cần mướn một người trông coi, quét dọn, kiểm soát xem máy móc cái nào hư rồi dán giấy báo cho khách biết để khỏi sử dụng, và báo cho chủ biết để ra sửa chữa. Nhưng vì lớn tuổi, nên tôi sang lại tiệm, chứ bỏ đi cũng tiếc, cả chục năm có đồng ra đồng vào nhờ nó”.
Ông Thiết Nguyễn, một chủ tiệm giặt cũ ở thành phố Anaheim, California, Mỹ cho hay: “Mở tiệm là phải coi xung quanh vùng đó như thế nào, bởi vì tiệm chỉ sống được ở khu vực dân cư nghèo. Do sống ở chung cư, hoặc thuê nhà mà chủ không cho giặt giũ, nên họ mới đem đồ ra tiệm giặt. Chứ khu vực khá giả, thì nhà nào cũng có máy giặt, đâu ai đi giặt ở ngoài”.
“Muốn giặt đồ thì duy nhất xài tiền xu, vì vậy mà người ta nói làm nghề này kiếm bạc cắc là vậy. Tuy là bạc cắc nhưng cộng lại cả tuần cũng ‘bộn’ lắm. Mà cũng vì phục vụ người có thu nhập thấp, nên đôi khi vì không có chủ hiện diện, lâu lâu gặp khách hàng xấu tính, cũng bị họ quậy phá, làm hư máy móc, hoặc cạy máy, ăn cắp tiền lẻ, cũng phức tạp lắm”, ông Thiết Nguyễn nói.
“Bây giờ nghề này cũng gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao, nhiều luật lệ khắc nghiệt mới, giá tiền nước tăng cao, giá điện cũng lên, nhất là giá thuê nhà tăng nên không còn kiếm tiền dễ dàng như trong quá khứ. Tuy nhiên, nghề này vẫn còn sống được, so với một số nghề khác thì thu nhập vẫn còn tốt”, ông Nguyễn chia sẻ.
Tâm sự với báo Người Việt, ông Randy Chung kể rằng ông qua Mỹ năm 22 tuổi rồi đi học một thời gian thì được người bạn làm nghề bánh truyền nghề. “Lúc đó tôi chỉ làm bánh donut và sau đó mở tiệm. Tiệm lúc đó đông khách, người ta thích ăn. Nhưng làm bánh thì quá cực, hầu như làm suốt 24 tiếng, nên tôi muốn đổi nghề để không phải thức khuya, dậy sớm quá nhiều”.
“Đến năm 2000 thì tôi chuyển qua nghề kinh doanh tiệm giặt, do thấy người ta làm cũng được nên thử. Vì làm bánh cực quá nên tôi coi nghề nào nhẹ nhàng thì làm, chỉ bấy nhiêu thôi…Do vậy khi đổi nghề thì chỉ một suy nghĩ, cho mình đủ ba bữa cơm mỗi ngày là được, chứ không hy vọng làm giàu”, ông Randy Chung cười nói.
Ông Randy Chung chia sẻ về nghề kinh doanh tiệm giặt: “Chủ không cần có mặt thường xuyên, chỉ cần một tuần đến vài lần để kiểm soát máy móc, lấy tiền từ máy về, cho thêm hàng hóa vào mấy cái máy tự động bán bột giặt, thuốc tẩy… là xong, bởi vì trong tiệm hầu như tất cả đều sử dụng máy móc tự động, khách cứ thế mà tự giặt lấy đồ của mình”.
Vào nghề này, điều khó nhất mà ông Randy Chung gặp phải, là khi máy móc bị hư. “Làm nghề này mà không biết sửa thì cho thợ ăn hết, không có dư, nên phải tự mày mò sửa hết. Không cái nào hư giống cái nào, cả chục máy hết hư cái này đến hư cái khác. Nó hư bất cứ lý do gì, chẳng hạn bà con để đồ nhiều quá cũng bị nghẹt. Cái máy như xe hơi vậy đó, mà xe hơi có một chiếc bảo trì dễ, còn cái này nhiều quá”.
“Tuy nhiên, mười mấy năm trước làm tiệm giặt còn có ăn, vì tiền thuê nhà rẻ. Càng về sau tiệm giặt khó làm ăn vì tiền nhà mắc quá. Do đó tôi mới thay đổi chiều hướng làm. Đúng ra tiệm này chỉ là tiệm giặt, nhưng sau đó tôi co hẹp lại, thay đổi chiều hướng thêm bán nước uống, bán báo, bán tạp hóa, bán vé số, bán dược thảo, bán thẻ điện thoại… để có tiền trả tiền nhà”, ông Randy Chung nói thêm.
Ông Chung tâm sự: “Lúc mở 60 máy thì tiền nhà rẻ, còn bây giờ lên gấp ba lận. Nếu mình tăng giá thì khách sẽ không đến nữa, vì khách đến giặt đồ đa số là người có thu nhập thấp nên họ xài tiền rất kỹ, chi li từng xu một, nên chẳng thà họ đi chỗ khác. Tiền nhà tăng nên giảm máy lại và kinh doanh thêm, chứ tiệm giặt không thì sống không nổi. Nếu chỉ làm tiệm giặt không thì lỗ đó, không cách nào sống được hết”.
Ông Chung cho biết, tuy làm không còn lời nhiều như trước đây nhưng ông vẫn duy trì tiệm vì “gắn bó lâu quá rồi nếu bỏ thì không biết làm gì. Thêm vào đó, tiệm có khách ổn định, đây là những khách hàng sử dụng dịch vụ này hàng chục năm qua. Khách ngoài giặt đồ còn mua thêm này thêm kia, bù qua đắp lại, nói đúng ra thì cũng có đồng ra đồng vào”.
“Tiệm này như gia đình, như cái nhà vậy. Làm việc chưa bao giờ thấy căng thẳng. Nhìn bà con đi ra đi vô là mình vui rồi. Tôi cũng từng nghĩ một ngày sẽ buông, nhưng cũng chưa tới ngày ấy”, ông Chung cười, nói.
Bà xã đại gia lên tiếng chuyện Đan Trường mải mê kiếm tiền bỏ bê con trai
Trước một số tin đồn cho rằng ca sĩ Đan Trường bỏ bê con trai ở Mỹ không chăm lo, doanh nhân Thủy Tiên lên tiếng thanh minh.