Tiệm pizza 'sốt ảo' vì có nhân viên khuyết tật
Tiffany Fixter, 35 tuổi, là chủ sở hữu Pizzability, một nhà hàng ở Denver, bang Colorado với các nhân viên chủ yếu là người khuyết tật.
20:29 02/11/2019
Tiệm bánh được mở tại quận Cherry Creek vào tháng 12 năm ngoái, nhưng chỉ trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội từ hồi tháng 7 sau khi Fixter tiết lộ với báo chí rằng các nhân viên khuyết tật của cửa hàng thường bị kỳ thị.
"Kể từ ngày chúng tôi mở cửa tới nay, có những người dừng lại và nhìn chằm chằm vào chúng tôi, chúng tôi nghe thấy họ nói những điều khủng khiếp như đây là nơi những kẻ thiểu năng làm việc", Fixter nói. Khi một nhà báo địa phương chia sẻ câu chuyện này của Fixter, mọi thứ đã thay đổi.
Từ việc chỉ có lác đác khách mỗi ngày, những dòng người xếp hàng đợi bánh ở cửa hàng bắt đầu xuất hiện. Mọi người đến từ khắp mọi nơi trên nước Mỹ và sẵn sàng chờ tới 4 tiếng để thử một miếng pizza.
"Sự nổi tiếng của cửa hàng giúp chúng tôi tăng thu nhập từ 50 USD/ngày lên 4.000 USD/ngày. Đó thực sự là một 'cú sốc' và tôi phải nhận thêm nhân viên, lấy thêm nguyên liệu và tăng cường mọi thứ", Fixter kể.
Fixter (bìa phải) và các nhân viên trong cửa hàng của cô. Ảnh: BBC.
Cô nói thêm rằng khi cô hỏi khách tại sao họ đến đây, họ nói đã thấy thông tin về cửa tiệm của những người khuyết tật trên Internet và họ muốn giúp đỡ, nhưng lại thất vọng vì khi đến đây phải xếp hàng.
"Cơn sốt ảo" đó của tiệm pizza chỉ kéo dài hai tuần. Trong hai tuần Pizzability nổi tiếng trên mạng xã hội, có những người tìm đến cửa tiệm chỉ để chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, hoặc đơn giản để "khoe" rằng họ đã tới đây, nhưng lại chẳng mua bất cứ thứ gì, theo lời Fixter.
"Mọi người đến đây chỉ vì họ muốn chụp ảnh 'tự sướng', họ chụp ảnh các món ăn và địa điểm chứ không đến để có những trải nghiệm đầy đủ. Họ cũng không giao tiếp với các nhân viên".
Fixter bày tỏ rằng "thật tuyệt khi được mạng xã hội chú ý, nhưng chúng tôi chỉ 'hot' trong những tuần đó. Sau thời kỳ đỉnh cao, chúng tôi quay trở lại như hiện tại và ngay lúc này, doanh thu của chúng tôi hầu như không đủ để trả tiền thuê nhà".
Chủ tiệm pizza kể có lần một thanh niên đến và đặt một chiếc pizza, nhưng sau khi chụp ảnh "selfie" xong, anh liền hủy đặt bánh và rời đi. "Có thực sự khó khi đặt một chiếc bánh pizza 2 USD không?", Fixter nói.
Fixter từng là một giáo viên giáo dục đặc biệt. Cô nói việc tuyển lao động là người khuyết tật nhằm tạo ra một xã hội toàn diện hơn, nhưng đó cũng là một thách thức lớn, bởi một số người đòi hỏi cô phải giám sát trong những hành động cụ thể, chẳng hạn như băm nhỏ thức ăn, và những người bình thường sẽ phải hỗ trợ họ thực hiện việc này.
"Hầu hết các nhân viên của chúng tôi là những người khuyết tật và khó tìm việc làm ở nơi khác", Fixter nói, nhưng cô đã tìm ra những cách làm việc phù hợp cho những người mù, điếc, bại não hoặc tự kỷ.
Mọi thứ trong nhà hàng Pizzability của Fixter đều được thiết kế sao cho người khuyết tật có thể sử dụng, như nhãn dập chữ nổi trên đồ uống có gas hay không gian cho xe lăn di chuyển. Năm 2016, Fixter từng thành công với việc thành lập Brewability, nhà máy bia đầu tiên ở Mỹ chủ yếu sử dụng nhân viên khuyết tật.
Nhưng cô nhấn mạnh rằng việc kinh doanh không phải là "câu chuyện lấy nước mắt khách hàng". "Chúng tôi không muốn mọi người đến đây vì thương hại. Chúng tôi muốn mọi người đến vì thức ăn và đồ uống ngon, vì cần có một tiệm bánh pizza và nhà máy bia, nơi đưa cho mọi người những cơ hội việc làm", Fixter nói.
"Tôi chưa bao giờ đến đây trước đây. Tôi nghĩ rằng đó là một ý tưởng hay và tôi đã thấy thông tin về nó được chia sẻ trên Facebook. Tôi nghĩ thật tuyệt khi họ cho những người khuyết tật cơ hội cảm nhận", khách hàng Brittany Freyta chia sẻ khi đến tiệm bánh cùng chồng và con gái. Sau khi ăn pizza, Freyta nói cô chắc chắn sẽ quay lại vì thực sự rất hài lòng.
Nhân viên mắc chứng tự kỷ Aaron Harris trong tiệm bánh Pizzability. Ảnh: BBC.
Aaron Harris, một người mắc chứng tự kỷ, đã làm việc ở Pizzability từ lúc tiệm bánh mới mở cửa. "Tôi thích làm pizza và muốn có một công việc ổn định. Nhưng nếu không có khách, tôi lo ngại về những gì chúng tôi sẽ làm tiếp theo", Harris nói.
Nhưng Fixter nói rằng cô sẽ không từ bỏ. "Đó là một năm khó khăn. Tôi đã bán căn nhà của mình ở Kansas để đạt được ước mơ này. Điều quan trọng là tôi phải tiếp tục và cố gắng, nhiều nhất có thể", Fixter nói.
Nguồn: VnExpress.net
CEO kiếm một năm bằng nhân viên làm 100 năm
Chênh lệch thu nhập giữa CEO và nhân viên ở mức lý tưởng là 25 lần nhưng ở nhiều công ty đại chúng, tỷ lệ này lên tới hàng nghìn lần.