Tiền nào mua văn hóa?: Bài viết hay

Tối thứ bảy, tôi ăn tối ở một nhà hàng sang trọng. Quán đông, nhưng tất cả đều chuyện trò với âm lượng vừa phải nên không gian khá dễ chịu, thoải mái.

07:06 10/11/2024

Thế rồi có một nhóm gia đình trẻ bước vào. Người lớn nói chuyện huyên náo còn mấy đứa trẻ chạy nhảy, thi thoảng gọi nhau với những tiếng hét chói tai. Nhiều thực khách bắt đầu khó chịu, một số thể hiện thái độ bằng cái nhìn bất bình hoặc ái ngại về phía lũ trẻ. Một phụ nữ trong nhóm nhận ra những biểu hiện đó, miễn cưỡng nhắc nhở, nhưng đám nhỏ trật tự được phút chốc rồi lại ầm ĩ lên. Cuối cùng một thực khách trung tuổi lên tiếng, yêu cầu họ phải có trách nhiệm giữ trật tự. Trước đề nghị trực diện này, một đại diện gia đình tuyên bố đây là không gian chung, mọi người đều phải trả tiền như nhau nên không ai được đòi hỏi gì từ ai cả. Người này chốt lại với thái độ thách thức "Muốn yên tĩnh thì vào phòng VIP".

Thực khách trung tuổi tăng âm lượng, nhưng vẫn ôn tồn giải thích: nếu mọi người đều phải trả tiền như nhau, tại sao một nhóm người lại được phép gây phiền phức, còn những người khác phải chịu đựng. Muốn được yên tĩnh là mong muốn tự nhiên và cơ bản của con người, còn gây ồn ào trong lúc ăn uống mới là nhu cầu đặc biệt. Cho nên nhóm gia đình trẻ mới cần phải vào phòng VIP.

Chúng tôi hưởng ứng bằng tràng vỗ tay dài, khiến nhóm gia đình trẻ bực bội rời đi. Không gian quán ăn trở lại với sự dễ chịu như ban đầu. Tôi thấy mình được nếm trải thêm "mùi vị của văn hóa" thể hiện qua sự lịch thiệp, khéo léo và kiên định của vị thực khách.

Nhiều năm nay tôi cũng thường gặp phải sự phá ngang của trẻ em hoặc những người trẻ tuổi ồn ào tại các buổi hòa nhạc hay biểu diễn văn nghệ. Nhiều người cho rằng hiện tượng này chỉ là biểu hiện của những khuynh hướng khác nhau giữa thế hệ trẻ và người lớn tuổi trong không gian công cộng. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi cho rằng đó là sự giao tranh giữa có văn hóa và thiếu văn hóa.

Chính phủ đang đề xuất đầu tư 256.250 tỷ đồng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Với tôi, đây là một đề xuất tích cực, cho thấy sự quan tâm và đánh giá đúng đắn về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Số tiền trông có vẻ khổng lồ, nhưng nếu đầu tư đúng cách và triển khai hiệu quả, thì những giá trị mà văn hóa có thể mang lại cho mỗi con người nói riêng và cả xã hội nói chung sẽ hoàn toàn xứng đáng.

Trong số 7 mục tiêu tổng quát của chương trình, mục tiêu đầu tiên là "Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình ".

Đây là một mục tiêu cốt lõi, hợp lý và đúng đắn. Vấn đề là làm thế nào có thể triển khai và đạt được mục tiêu ấy. Từ trải nghiệm cá nhân, tôi thấy không phải người nhiều tiền thì có văn hóa hơn người khác, và ngược lại. Tương tự, không phải các quốc gia giàu có thì văn hóa phát triển hơn. Cho nên, ngay cả khi chúng ta có ý chí, và sẵn sàng đổ nhiều tiền vào phát triển văn hóa, thì như thế cũng là chưa đủ. Tiền bạc có thể giúp con người đi du lịch nhiều nơi, nếm trải nhiều thứ, nhưng không có nghĩa là người đó biết tận hưởng và trở nên văn hóa hơn. Trong một số tình huống, có nhiều tiền lại khiến con người phô bày ra sự khuyết thiếu ở họ, thậm chí phá đi không gian văn hóa những nơi họ chạm đến.

Tiền bạc cũng có thể giúp nâng cao chế độ đãi ngộ cho người lao động nghệ thuật, nhưng không đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng của lao động nghệ thuật. Tiền bạc có thể giúp xã hội tôn tạo di tích, cải tạo công trình, hay xây dựng những tượng đài mới. Nhưng những di tích, công trình hay tượng đài ấy sẽ vô hồn, nếu người tham quan và trải nghiệm không có sẵn vốn văn hóa, không có sẵn sự hiểu biết và trân trọng đối với giá trị công trình.

Quy hoạch và phát triển văn hóa rõ ràng là công việc phức tạp, khó khăn, đặc biệt là đối với một đất nước đang ở giai đoạn chuyển mình, tiếp nhận nhiều ảnh hưởng khác nhau.

Tôi không có đánh giá bao trùm về các mục tiêu to lớn của chương trình này, nên chỉ muốn nhấn mạnh một khía cạnh - chấn hưng văn hóa từ quy mô gia đình. Một gia đình có văn hóa không nhất thiết phải là tập hợp những thành viên có bằng cấp và trình độ. Trước hết, gia đình đó phải là nơi liên tục thiết lập và vun vén các giá trị cơ bản, tối thiểu ở từng cá nhân. Trong gia đình đó, mỗi người đều biết được làm gì và nên làm gì khi ở phòng khách, phòng ăn, phòng riêng, hay ngoài sân vườn. Trong gia đình đó, mỗi người biết giờ nào nên yên tĩnh, giờ nào có thể trò chuyện, giờ nào dành cho vận động thể thao... Trong gia đình đó, từng đứa trẻ đều được dạy dỗ để biết rằng, bước chân ra khỏi nhà, là phải tuân theo những chuẩn mực chung của xã hội... và tôn trọng người khác chính là tôn trọng bản thân.

Không có những nền tảng căn bản như thế thì khi tham gia vào các hoạt động xã hội, con người sẽ dần làm đảo lộn các giá trị văn hóa.

Văn hóa không phải là món trang sức mua được bằng tiền, kể cả nhiều tiền, mà là những giá trị cần sự vun đắp, nuôi dưỡng công phu và dài lâu.

Thế Công

Tags:
Phe Cộng hòa giành lại Thượng viện, rộng đường kiểm soát Hạ viện

Phe Cộng hòa giành lại Thượng viện, rộng đường kiểm soát Hạ viện

Đảng Cộng hòa giành 53 ghế tại Thượng viện, cũng như dẫn trước trong cuộc đua ở Hạ viện, nhiều khả năng sẽ kiểm soát lưỡng viện quốc hội vào năm sau.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất