Tiến sĩ Đại học Harvard và câu chuyện đến với ngành Miễn dịch học – “kết quả của một mối tình nông nổi, bồng bột”

Hệ miễn dịch thật sự là một phép màu, một kiệt tác.

11:00 10/04/2020

“Bén duyên” với mối tình mang tên ngành Miễn dịch học

Cao Bảo Anh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ, chuyên ngành Miễn dịch học, Đại học Harvard. Anh đã có 10 năm gắn bó với chuyên ngành này, và sẽ còn đi cùng nó mãi về sau. Điểm khởi đầu dường như là một cơn bốc đồng, kiêu ngạo, khi được một đàn anh cho biết rằng Miễn dịch học là chìa khóa của y học, hiện đại, là một ngành thời thượng. Bảo Anh quyết tâm biến nó trở thành niềm đam mê mà mình sẽ theo đuổi suốt đời, là tương lai, định mệnh, tình yêu của mình. Chính vì thế anh đà làm mọi thứ vì nó, làm tình nguyện trong phòng thí nghiệm, lấy bằng thạc sĩ rồi theo học tiến sĩ…

Nhưng đến khi phải thật sự sống với miễn dịch học, quay cuồng trong mớ kiến thức rời rạc mà dù đủ thông minh để nhớ, để sao chép, nhưng không sao kết nối cho liền lạc những bí ẩn đầy mẫu thuẫn, Bảo Anh bắt đầu thấy xa lạ trong chính tình yêu của mình. 10 năm trước, “người ấy” đầy bí ẩn và cuốn hút khiến cho anh quyết tâm khám phá. 10 năm sau, sự bí ẩn trở thành phức tạp, quá nhiều điều chưa thể biết trở thành xa lạ, khoảng cách. Đây là điều mà anh gọi là “kết quả của một mối tình nông nổi, bồng bột”.

Dù thế, tình yêu này là điều thực tại và gần gũi nhất, làm sao mà dứt bỏ được, khi “người yêu” của mình chính là hệ miễn dịch, vẫn luôn ở ngay đây, trong thân thể mình, và theo một nghĩa nào đó không đầy đủ: là chính mình. À, câu hỏi kinh điển của nhân loại: Ta có phải là thân xác của ta không, có phải là cơ, xương, da, huyết, móng, tóc, máu thịt này không, có phải là hệ miễn dịch đấy không. Để trả lời được điều đó, ta nhất định phải biết thân thể này là như thế nào đã.

Cứ lang thang trong cuộc tình của mình, với đủ loại thuật ngữ và khái niệm vừa phức tạp, vừa xa lạ. Bảo Anh đã quên mất vấn đề cốt lõi, hệ miễn dịch là những gì ở ngay trong mình – anh bắt đầu nhìn những tế bào hệ miễn dịch như là những người anh em. Hoạt động của hệ miễn dịch là một hoạt động sống, mang đặc tính của sự sống.

Giống như vừa được gõ vào đầu bằng một cây đũa thần nào đó, thân thể xác thịt, các tế bào, hóa chất và chuỗi phản ứng liền hóa thành sự sống diệu kì. Thay vì lang thang với mớ khái niệm phức tạp, Bảo Anh bắt đầu tận hưởng công cuộc khám phá ngôi nhà thân thể mình, với hệ miễn dịch là một kiệt tác, các tế bào là một cộng đồng sống với những giá trị, vô tư, cống hiến, hòa ái, vị tha…

Đấy là điểm khởi đầu cho cuốn sách tuyệt vời có tên là: Hệ miễn dịch, kiệt tác của sự sống.

Tiến sĩ Đại học Harvard và câu chuyện đến với ngành Miễn dịch học – kết quả của một mối tình nông nổi, bồng bột - Ảnh 1.

Cao Bảo Anh trong phòng thí nghiệm.

Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống

Cuốn sách này được viết dưới dạng câu chuyện, với nhân vật chính – những anh hùng quả cảm, là các tế bào trong hệ miễn dịch. Không cần biết đến những khái niệm xa lạ, hãy nhìn các tế bào hệ miễn dịch như những người anh em của chúng ta, vì chúng đích thực là như thế. Không có điều gì thực tại hơn thế. Giống như khi mắt bạn đang nhìn vào những dòng chữ này, là vì có một quá trình bên trong thân thể phục vụ cho điều đó, có những cống hiến, hi sinh thầm lặng mà bạn không hề hay biết.

Câu chuyện bắt đầu từ điểm xuất phát của một tế bào hệ miễn dịch, được đào tạo thế nào, trưởng thành ra sao và bắt đầu tham gia những cuộc chiến. Đó là những cuộc chiến diễn ra hằng ngày trong thân thể. Bạn biết rằng: Thân thể luôn có cách để tự cân bằng và bảo vệ mình! Và những tế bào hệ miễn dịch luôn cống hiến, không ngừng nghỉ, thậm chí sẵn sàng hi sinh, kích hoạt chế độ tự hủy để bảo vệ sự sống này. Thật tuyệt vời! Thật cảm động! Đấy là sự sống, ở ngay trong bạn đấy!

Chưa hết trong khi hệ miễn dịch không ngừng phải ứng phó và cân bằng với những tác nhân gây hại đến từ bên ngoài, những người anh em này luôn phải chịu ảnh hưởng từ chính những suy nghĩ tiêu cực hay thói quen xấu của chúng ta. Bạn có thể không biết đấy là xấu, không cảm nhận được đau đớn nào. Nhưng thân biết, biết tất cả. Cả những đau đớn trong tâm cảm hay những ý nghĩ quẩn quanh tiêu cực hằng ngày, thân thể đều ghi nhận. Bởi vì đó chính xác là những gì đang trực tiếp tác động đến thân.

Mỗi người đều có ba phần Thân – Tâm – Ý làm thành một thể thống nhất, và các phần có tác động qua lại lẫn sau. Thân thể mệt mỏi thì suy nghĩ cũng bế tắc và ngược lại những suy nghĩ tiêu cực làm thân thể rối loạn. Bạn biết rồi đấy, khi ta tức giận, nhịp tim thay đổi, huyết áp tăng lên và rất nhiều những phản ứng tiêu cực khác – sức ép cuối cùng đều đổ dồn lên hệ miễn dịch. Khi ta có một thói xấu như hút thuốc lá thì hệ miễn dịch và các tế bào phổi phải ngày đêm chống chọi với các chất độc hại. Những cái chết, những tiếng gào thét liên tục xảy ra trong chính cơ thể này.

Và kết cục tệ hại của những hành động hủy hoại thân chính là ung thư – sự phản bội, cuộc trả thù của các tế bào biến chất. Hóa ra kẻ thù không phải ở đâu xa, chính là sự thiếu hiểu biết và những thói xấu của chúng ta thường ngày. Thân thể quả thực có khả năng tự cân bằng, chỉ có tâm ý thì luôn luôn rối loạn. Hiểu về hệ miễn dịch chính là để biết rằng chúng ta cần phải sống khác đi, làm đúng hơn.

Đó là câu trả lời, là niềm hi vọng cho những ai đang mang bệnh, là lời cảnh tình cho những ai đang sai lệch. Thói quen sống sẽ quyết định kết cục của thân thể, đó là điều tàn nhẫn nhất cũng có thể là ân huệ lớn nhất.

Tiến sĩ Đại học Harvard và câu chuyện đến với ngành Miễn dịch học – kết quả của một mối tình nông nổi, bồng bột - Ảnh 2.

Phần tiếp theo của cuốn sách, tác giả nói về môi trường sống hiện đại như là một nguồn cơn của nhiều căn bệnh mới liên quan đến hệ miễn dịch. Thân thể này được cấu tạo và vận hành theo những nguyên lí của tự nhiên, đời sống hiện đại xa rời tự nhiên chính là đặt con người vào chỗ sai lệch. Thân thể sai lệch ắt sinh ra bệnh tật. Cho nên, vấn đề vẫn là làm sao để biết điều đúng, hiểu điều đúng thì có thể điều chỉnh cho đúng. Xây dựng một lối sống lành mạnh cả về thân thể, tâm lí và suy nghĩ, đó là mấu chốt để bạn đích thực hạnh phúc.

Kết lại cuốn sách là những chia sẻ khơi gợi nhiều suy ngẫm của tác giả:

“Điều chúng ta cần làm là lựa chọn và hành động. Lựa chọn giữa việc thấu hiểu cơ thể mình để có một đời sống lành mạnh hay nhắm mắt làm ngơ tiếp tục ngược đãi thân thể này. Lựa chọn một cuộc sống cống hiến như những những người anh em tế bào miễn dịch hay tiếp tục bất chấp tất cả mọi thứ vì bản thân mình. Và chắc chắn rằng chúng ta sẽ có được kết cục đúng như lựa chọn của mình.”

Gấp cuốn sách lại, bạn quả thật có thể tự hào thốt lên rằng “Tôi yêu mình biết bao”.

Hệ miễn dịch thật sự là một phép màu, một kiệt tác. Và cuốn sách này là một nỗ lực tuyệt đẹp, đến từ một người đang bước trên một con đường thật lớn lao, cao đẹp: đó là thấu hiểu chính mình, hướng tới những giá trị cao thượng, và lan tỏa những điều tốt đẹp nhất đến mọi người.

Tiên Yên

Theo Trí Thức Trẻ

Link nguồn: https://cafebiz.vn/tien-si-dai-hoc-harvard-va-cau-chuyen-den-voi-nganh-mien-dich-hoc-ket-qua-cua-mot-moi-tinh-nong-noi-bong-bot-20200408171400858.chn

Tags:
Mỹ tranh cãi về quyền ưu tiên dùng máy thở

Mỹ tranh cãi về quyền ưu tiên dùng máy thở

Nhân viên y tế đang là những người được yêu quý nhất nước Mỹ. Dân chúng hát ca ngợi họ, nhớ tới họ như người hùng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất