Tiểu bang Washington: Thiếu nhân công gặt hái, chủ trại nhắm tới người máy
Hàng ngàn nhân công, nhiều người trong số này là thành phần làm việc bất hợp pháp, đang giúp thu hoạch mùa màng ở các trang trại trái cây rộng lớn ở tiểu bang Washington mỗi năm.
11:30 30/04/2017
Tình trạng này có thể sẽ có sự thay đổi lớn lao trong những năm tới đây, khi ít nhất là hai công ty đang ráo riết tìm cách chế tạo người máy dùng vào công việc gặt hái trái cây.
Các người máy này không phải lo vấn đề di trú, không bao giờ mệt mỏi và có thể làm việc 24 tiếng một ngày.
“Công nhân hái trái cây nay ngày càng hiếm,” theo lời Gad Kober, một đồng sáng lập viên công FFRobotics ở Israel.
“Người trẻ không muốn làm việc trong nông trại, và các công nhân lớn tuổi nay dần dần cũng nghỉ hưu.”
Công ty FFRobotics và Abundant Robotics, ở thành phố Hayward, tiểu bang California, đang ráo riết hoàn thiện người máy hái trái cây của họ để có thể đưa ra thị trường trong hai năm tới.
Công việc gặt hái bằng máy từ lâu nay đã được cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp cho các nông phẩm như lúa mì, bắp, đậu và cà chua.
Nhưng đối với các loại nông phẩm cần có sự nhẹ nhàng và khéo léo khi gặt hái như táo, dâu, nho và rau xanh, những món mà dáng vẻ bề ngoài cũng rất quan trọng với người mua, hiện vẫn còn phải làm bằng tay.
Các chủ trại ở tiểu bang Washington, nơi sản xuất số nông phẩm trị giá khoảng $7.5 tỉ mỗi năm, từ lâu nay vẫn phải đối diện với tình trạng khan hiếm nhân công, và phải tùy thuộc vào người từ Mexico sang làm việc bất hợp pháp mỗi năm để giúp thu hoạch mùa màng.
Tuy nhiên, chính sách cứng rắn của Tổng Thống Donald Trump về vấn đề di dân bất hợp pháp đang khiến nhiều chủ trại ở Mỹ tìm kiếm các giải pháp khác cho vấn đề thu hoạch nông phẩm.
Một số mua các máy móc mới để giảm bớt số nhân công mà họ cần có, trong khi những người khác vận động các chính trị gia để có biện pháp giải quyết ít gây xáo trộn cho việc làm ăn của họ.
“Ai có thể biết chắc là chính phủ này sẽ làm gì hay không làm gì?” theo lời ông Jim McFerson, người đứng đầu Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Quả Tiểu Bang Washington ở Wenatchee. “Đối với nông dân, đây là vấn đề sống còn của họ,” ông McFerson nói thêm.
Washington đứng đầu nước Mỹ về sản xuất táo và một số loại hoa quả khác. Mùa gặt hái khởi sự vào mùa Xuân với măng tây và kéo dài cho đế cuối mùa Thu với các loại táo.
Công việc này nặng nhọc và nguy hiểm, lôi kéo nhân công từ Mexico đến tiểu bang Washington, nơi một số quận gần biên giới Canada nay có đa số dân là người Hispanic.
Những người hái trái cây nhiều kinh nghiệm, được trả tính theo từng thúng, có thể kiếm được hơn $200 một ngày.
Phía chống việc dùng người máy nói rằng điều này sẽ có ảnh hưởng xấu về mặt kinh tế.
“Người máy không mướn nhà, không mua quần áo cho con họ, không mua đồ ăn trong chợ, không chi số tiền họ kiếm ra vào các dịch vụ ở nơi sinh sống,” theo lời Erik Nicholson, một giới chức nghiệp đoàn công nhân nghề nông ở tiểu bang Washington.
Thiệt hại hàng tỉ đô la, nông dân Mỹ kiện công ty Thụy Sĩ Syngenta
Vụ kiện đầu tiên trong số hàng chục ngàn đơn của nông dân Mỹ được khởi sự hôm Thứ Hai, nhắm vào đại công ty nông nghiệp Thụy Sĩ Syngenta do việc công ty này bán hạt giống bắp được thay đổi gien cho các nông gia Mỹ, trước khi hạt giống loại này có sự chấp thuận của Trung Quốc, là thị trường tiêu thụ bắp lớn nhất của nông gia Mỹ.