Tiểu thư Mỹ rời nhà sang nuôi trẻ Việt
Carly rời ngôi nhà nửa triệu đô với tài xế riêng, để ở trong ngôi nhà thuê một triệu đồng, chăm trẻ bị down không lương suốt 6 năm.
12:00 29/06/2020
Đang quét rác ngoài sân, nghe thấy tiếng ho của trẻ con, Carly biết ngay là tiếng của Mít. Cô cười bẽn lẽn, nói giọng lơ lớ "Em ở đây xáo (6) năm rồi, đứa nào em cũng biết". Dứt câu, cô gái Mỹ chạy vào trong ngôi nhà số một, bé Mít ngồi trong cũi đang thở khò khè, thấy cô Carly liền đu lên cổ.
Carly hàng ngày cho trẻ ăn, tắm rửa, giặt giũ..., đỡ đần cho các nhân viên của trung tâm chăm sóc người già và trẻ em khuyết tật ở Ba Vì. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Bé Mít bị down, giống như hơn 100 trẻ em ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Đa số các em đều không có phản ứng với người xung quanh. Tuy nhiên, Carly còn nhớ như in, năm 2013, lúc cô vừa đến đây, Mít đã giơ hai cánh tay ra, như nói cô ẵm. Cô nghĩ "Thiên thần của tôi đây rồi".
Khoảnh khắc ấy khiến cô quyết định bỏ mọi công việc ở Mỹ, xin gia đình cho mình ở lại Việt Nam chăm những đứa trẻ không may.
Năm 2013 đó, Carly Placek - con gái giám đốc một công ty lớn về xây dựng ở vùng Baltimore, bang Maryland - vừa tròn 21 tuổi. Trong chuyến du lịch cùng gia đình đến Việt Nam, cô sợ hãi vì giao thông nơi này, đòi bố mẹ cho về. Nhưng chưa kịp về, chuyến đi từ thiện đến Ba Vì, Hà Nội đã thay đổi đời cô.
Cô không theo bố mẹ về nước, mẹ cô cũng đồng ý vì muốn con gái làm những điều tốt cho cộng đồng.
Hai năm đầu ở , nhiều lần Carly cảm thấy thất vọng với bản thân. Đơn giản việc cầm chổi quét nhà đối với cô cũng quá xa lạ, hay việc chào hỏi đúng cách cũng mất cả năm mới rõ. "Dường như mình đã quá được nuông chiều, chỉ sống trong nhung lụa", Carly nghĩ. Muốn nói gì cũng chẳng ai hiểu, Carly stress vì bị cô lập.
Chị Hoàng Thị Minh Hằng, 50 tuổi, một nhân viên lâu năm của trung tâm, bàn với những nhân viên khác tìm cách dạy cho Carly tiếng Việt. Carly vốn nhút nhát, thấy các chị nhiệt tình với mình nên ấm áp trong lòng. Cô bắt đầu học "chào chị, chào chú, chào em...", rồi đến câu dài như "làm ơn giúp em mở cửa, dắt xe...". Nói được tiếng Việt, Carly vui cười nhiều hơn.
"Người như Carly hiếm lắm, tôi làm ở đây ngót nghét 20 năm nhưng cũng không nhanh nhạy bằng cô gái này", chị Hằng nói.
Từng chăm sóc người già, trẻ em khuyết tật ở Mỹ, Carly không hề ngại ngần với việc thay tã, tắm rửa, giặt giũ cho những "học viên" của trung tâm này. Có hôm đang cặm cụi lau vết bẩn dưới sàn, cô bị đứa trẻ đứng tè thẳng vào đầu. Carly vừa cười vừa mếu, tự nhủ không bao giờ đóng bỉm sót cho học viên nào nữa.
Carly làm việc không lương. Cứ mỗi 4 tháng ở Việt Nam, cô lại bay về Mỹ 2 tháng làm quản lý siêu thị, rồi gom tiền lương tiếp tục trở sang Việt Nam. Bà Robbin, 57 tuổi, mẹ của Carly, hối con về tiếp quản công ty của gia đình, nhưng Carly chưa muốn. Cô thậm chí không nhận tiền từ người thân.
Tại Mỹ, cô ở trong căn nhà giá nửa triệu đô ngay trung tâm thành phố. Đến Việt Nam, cô sống trong căn trọ thuê chưa đến một triệu đồng mỗi tháng, đi ăn cơm bụi hàng ngày. Có những hôm Carly nuốt không nổi, nhất là những khi không có những loại rau quen thuộc như cà rốt, khoai tây, chỉ có mướp đắng, rau đay...
Thế nhưng, những tháng ngày buồn nhất của cô là phải về nước, xa bé Mít. Mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ khác, Carly chỉ ước rằng có Mít ở đó. Cô luôn đau đáu việc những đứa trẻ ở trung tâm sống không có vòng tay cha mẹ, gia đình. Ngồi kiểm kê sổ sách siêu thị, cô tặc lưỡi "cuộc sống không công bằng".
Carly (thứ 2 từ phải qua) ít được ở cạnh gia đình hơn 6 năm qua, nhưng bố mẹ vẫn luôn ủng hộ cô. Ảnh: Carly.
Tháng 8 vừa qua, mới về Mỹ được 2 tuần, cô gái 27 tuổi đã phải mua vé máy bay qua lại. Chị Hằng gọi bảo bé Mít bị viêm phổi, không thấy cô Carly nên bé quấy khóc, không uống thuốc, cũng không cho bác sĩ đụng vào người. Nếu Carly không quay lại, Mít sẽ gặp nguy kịch.
Lần này, Carly không còn nhiều tiền trong người, nhưng cô không dám nói với gia đình, chỉ cố gắng ăn uống, chi tiêu ít hơn. Carly xin chủ trọ cho khất nợ vài tháng, khi về nước sẽ sớm trả. Tháng 11 sắp đến, lễ Tạ ơn ấm áp bên gia đình là điều mọi người Mỹ không muốn bỏ lỡ. Thế nhưng nếu như Carly về, có thể sẽ rất lâu nữa mới gặp lại Mít.
"Không xin nuôi được bé Mít thì 1-2 năm nữa em về nước. Còn nếu được, em ở cả đời bên này luôn", Carly thủng thẳng nói. Bên cạnh, mấy nhân viên của trung tâm rơm rớm nước mắt nhìn cô.
Bé Mít, 8 tuổi, không còn ai chăm sóc, Carly luôn mong muốn sẽ được nhận nuôi bé. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Carly mê chụp ảnh. Cho học viên tắm rửa, ăn uống xong, cô lại ra vườn chụp. Mỗi tối về nhà, lấy ảnh lũ trẻ ra xem, cô lại khóc. Đối với cô, bất kỳ ai cũng xứng đáng được đối xử công bằng, cô cảm thấy đau đớn khi những đứa trẻ kia không được chăm sóc đầy đủ và mang theo những gông cùm bệnh tật.
Giữa buổi, một bé trai đang chạy tung tăng đột nhiên ngã, bị gãy chân. Chị Hằng lụi hụi lấy đồ y tế, Carly sốt sắng vào nẹp chân bé lại rồi chở 20 km đến bệnh viện. Trên chiếc xe máy tự bỏ tiền túi ra mua, cô băng qua những cánh đồng đang mưa. Đến đây nhiều lần, Carly nhớ tên từng bác sĩ. "Lần nào Carly cũng hớt hải, lo lắng như một người mẹ thực sự", chị Hằng kể,
"Có thể nói Carly đã dành cả thanh xuân ở trung tâm này. Từ một cô bé chân ướt chân ráo đi ra nước ngoài, nay Carly đã dạn dĩ rất nhiều. Tôi và những nhân viên ở đây luôn biết ơn cô ấy", ông Đỗ Đức Hồng, giám đốc trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, nơi Carly làm việc, bày tỏ.
Nguồn: Vnexpress.net
Bill Gates: ‘Những gì nước Mỹ đã làm còn xa mới đủ để chống lại đại dịch’
Người sáng lập tập đoàn Microsoft, Bill Gates, cho biết hôm 25/6 rằng bức tranh về đại dịch coronavirus hiện tại, cả trên toàn cầu và ở Mỹ, “ảm đạm hơn” so với những gì ông mong đợi.