Tình bạn nơi xứ người
Có những người bạn mang lại nỗi buồn, nhưng cũng có nhiều người bạn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cuộc sống.
11:00 09/09/2019
Trong cuộc sống của mỗi con người, ngoài gia đình, con cái và công việc, ai cũng cần có những người bạn. Những người bạn chung của cả gia đình, bạn cùng chỗ làm, bạn là phụ huynh của các con cùng lớp, cùng trường, bạn cùng chung sở thích ... Có những người bạn mang lại nỗi buồn, nhưng cũng có nhiều người bạn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cuộc sống. Vì vậy, trong văn hoá Việt, tình bạn đóng một vai trò quan trọng, người xưa có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ...”.
Ở cái xứ Úc này, để có những người bạn thật sự không hề đơn giản. Đầu tiên xét về lý do của cái sự ‘khó tìm được bạn’ này. Khi chúng ta còn ở Việt Nam, nơi bạn sinh ra và lớn lên, sẽ đương nhiên có những người bạn từ thời bé tí cho đến khi trưởng thành. Bạn cùng trường lớp, bạn hàng xóm, bạn cơ quan, bạn cùng sở thích...vân vân. Nhưng khi "cuộc sống xô đẩy" bạn sang xứ Úc, tình bạn không còn dễ dàng như trước nữa. Ở nơi mà đầu tiên chúng ta phải sử dụng một ngôn ngữ khác hoàn toàn cho tất thảy các hoạt động và sinh hoạt trong cuộc sống; phải hoà nhập nền văn hoá đa dạng của đất nước này. Vậy để có những người bạn thực sự thân thiết là điều khó hơn rất nhiều.
Khách quan mà nói, chúng ta phải dành ra rất nhiều thời gian sức lực mới có thể sắp xếp được cuộc sống gọi là tạm ổn nơi xứ người. Theo thứ tự ưu tiên, chúng ta sẽ phải dành nhiều thời gian hơn khi ở Việt Nam cho gia đình, con cái, công việc ... thì còn mấy thời gian cho bạn bè ?
Về chủ quan, Úc là quốc gia rộng lớn hội tụ nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, do vậy cách thấu hiểu tình huống cũng hoàn toàn khác số với khi chúng ta còn ở Việt Nam. Sự khác biệt ngôn ngữ, văn hoá, thậm chí cả tư duy nên để tìm được người có thể cùng tâm sự chuyện trò đã khó, thấu hiểu và thông cảm được cho nhau còn khó hơn rất nhiều. Những suy nghĩ, cảm xúc của chúng ta luôn hình thành bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, người Việt lại ngấm ngôn ngữ nước mình qua những tiếng ru hời từ khi còn nằm trong nôi. Sang Úc, đùng cái phải chuyển sang tiếng Anh để có thể diễn đạt cho người nghe đến từ nước khác hiểu. Kể cả có diễn đạt được tâm trạng, cảm xúc bằng tiếng Anh đi nữa, thì rào cản văn hoá lại là điều rất khó gần ngay được. Liệu họ có hiểu đúng điều bạn muốn truyền tải.
Chính vì vậy, người Việt hay tìm đến người Việt để kết bạn. Kể cả khi tìm được vài người Việt để làm bạn, cũng không hề đơn giản để "kết thân". Vì sao ư, muôn vàn lý do để hạn chế bạn tìm được người bạn thân. Xuất xứ vùng miền cũng gây cản trở ít nhiều cho việc kết bạn, thường những người miền Trung và Nam bộ không thích người Bắc, hoặc ngược lại. Có nhiều lý do đa phần rất buồn được cấu thành bởi lịch sử, văn hoá vùng miền cũng khác nhau nhiều. Thêm vào đó, những người Việt sang Úc từ những năm 1980 trở về trước có suy nghĩ rất khác người sang Úc sau này. Ở góc nhìn tổng thể, họ trải qua bao đớn đau thăng trầm, thậm chí trả giá bằng sinh mạng, bằng máu, đánh đổi toàn bộ cuộc sống như canh bạc lớn mới cập bờ tới Úc.
Tiếp theo, xứ Úc "đất rộng người thưa", trừ mấy khu tập trung đông người Việt ra, các vùng khác muốn tìm vài người Việt không dễ. Ngoài ra, phải tìm những người cùng độ tuổi và có những điểm tương đồng để có thể chuyện trò và trao đổi cùng nhau. Tìm được điểm chung ở nhau, gắn kết được những người bạn với nhau vẫn cần đòi hỏi tính chân thành, rộng lượng, chia sẻ và giúp đỡ giữa các thành viên thì tình bạn mới được bền lâu.
Vậy nếu ai đó hỏi tôi “tìm những người bạn chân chính ở Úc dễ không?”, tôi sẽ trả lời không chút ngần ngại “không dễ chút nào, khó như mò kim đáy biển vậy!”
Chuyện tình của Quốc vương Bhutan: “Đợi em lớn, tôi sẽ cưới em”
Ông được xem là vị “Quốc vương trẻ tuổi nhất thế giới” hiện đang tại vị. Năm 17 tuổi, bỗng có cô bé 7 tuổi chạy đến bên ông nói: “Cho em theo anh với”. Ông đáp lại: “Đợi sau này em lớn, nếu em chưa lấy chồng, tôi chưa lập gia đình, thì tôi sẽ cưới em làm vợ”. Không ngờ sau nhiều năm, hai người họ đã có duyên gặp lại nhau và còn nên duyên vợ chồng.