Tính toán của Trump khi sang lãnh thổ Triều Tiên gặp Kim Jong-un
Trump có thể cho rằng việc ông vào lãnh thổ Triều Tiên sẽ giúp ích cho chiến dịch tranh cử và là cử chỉ biểu tượng Triều Tiên cần để trở lại đàm phán.
02:30 02/07/2019
Khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên vào lãnh thổ Triều Tiên ngày 30/6, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười ca ngợi đó là cử chỉ thể hiện thiện chí của Trump trong việc "xoá bỏ tất cả quá khứ bất hạnh và mở ra tương lai mới". Không có gì ngạc nhiên khi Kim Jong-un hoan nghênh quyết định đó: Trump đã trao cho lãnh đạo Triều Tiên "món quà" mà cả ông nội và bố ông Kim không có được.
Triều Tiên từ lâu đã muốn được đối xử ngang hàng với Mỹ và họ từng tìm cách mời Bill Clinton thăm Bình Nhưỡng trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Việc Trump bước qua ranh giới có thể được coi là sự công nhận vị thế quốc tế của Triều Tiên. Một số nghị sĩ Dân chủ chỉ trích hành động của Trump là "trao quá nhiều lợi ích" cho Bình Nhưỡng.
"Ông Kim chẳng cần mất chút công sức nào để đưa Trump qua Khu Phi quân sự (DMZ)", mặc dù Triều Tiên vẫn chưa có động thái thực chất trong phi hạt nhân hóa, tiếp tục phát triển khả năng hạt nhân, thử vũ khí và lách lệnh trừng phạt, cựu chuyên gia CIA Soo Kim nói.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao Trump lại làm vậy. Trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng hai ở Hà Nội, Trump đã bỏ về sớm sau khi hai bên bất đồng về quy mô phi hạt nhân hóa và lệnh trừng phạt. Phái đoàn Triều Tiên cố gắng giữ ông nán lại bàn đàm phán nhưng bất thành. Hội nghị kết thúc mà không có kết quả.
Bế tắc trong đàm phán khiến lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy "bẽ mặt". Các nhà hoạch định chính sách của Bình Nhưỡng cố gắng xác định ai là người cần chịu trách nhiệm và họ nên đổi sang cách tiếp cận nào. Các quan chức Mỹ - Triều đã không liên lạc chính thức trong vài tháng. Bình Nhưỡng cũng phớt lờ những nỗ lực tổ chức đối thoại không chính thức giữa các học giả và nhà phân tích chính phủ. Họ còn tiến hành một số vụ thử tên lửa tầm ngắn, khiến nhiều người lo ngại nỗ lực ngoại giao trong một năm qua có thể "đổ xuống sông xuống bể".
Mỹ cần có một cử chỉ mạnh mẽ để phá vỡ tình thế bế tắc này. Nới lỏng lệnh trừng phạt không khả thi vì chính quyền Trump nhiều lần khẳng định họ sẽ duy trì chiến dịch gây áp lực. Phương án cử đặc phái viên đến Triều Tiên "làm lành" có thể là không đủ. Việc sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh thông qua các kênh ngoại giao và quy trình chính thức giống như hai cuộc gặp trước đây có thể vấp phải sự phản đối từ nhiều người trong Washington. Động thái đó còn đòi hỏi quan chức Mỹ - Triều phải đàm phán kỹ càng về khác biệt giữa hai bên để chuẩn bị nội dung cho cuộc họp, điều không thể diễn ra khi quan chức hai bên không liên lạc với nhau.
Vì vậy, Trump coi cuộc gặp ngẫu hứng nhân thời điểm ông công du Hàn Quốc là biện pháp tốt nhất để phá vỡ bế tắc. Sáng 29/6, ông ngỏ ý gặp Kim Jong-un tại DMZ ở biên giới liên Triều. Các quan chức Mỹ - Triều chỉ có một đêm để chuẩn bị cho cuộc gặp vào chiều hôm sau. Kim Jong-un thừa nhận ông đã ngạc nhiên trước đề nghị này.
Trump qua ranh giới, vào lãnh thổ Triều Tiên ngày 30/6. Ảnh: Reuters. |
Trump cho rằng việc ông bước qua biên giới có thể tạo ra đột phá, khiến Triều Tiên đồng ý nối lại đàm phán. "Việc ông sẵn sàng đi qua ranh giới và tiến 20 bước vào sâu trên đất Triều Tiên là hành động mang tính biểu tượng mà Bình Nhưỡng cần", Andray Abrahamian, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, nói.
"Tại DMZ, thế giới thấy rằng Trump đã đạt được tiến bộ trong việc thay đổi mối quan hệ với Kim Jong-un và Triều Tiên", Rebecca Grant, nhà phân tích an ninh quốc gia ở Washington, viết.
Năm 2016, Trump từng hứa với cử tri Mỹ rằng: "Chúng ta sẽ giành chiến thắng rất nhiều, các bạn sẽ phát ngán chiến thắng". Tuy nhiên, gần 3/4 nhiệm kỳ đã trôi qua và mối quan hệ Trump - Kim mà ông thường ca ngợi là "tốt đẹp" vẫn chưa đem được về một thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ ngày 30/6. Ảnh: Reuters. |
Khi khởi động chiến dịch tái tranh cử năm 2020 vào tháng trước, Tổng thống có thể cảm thấy rằng ông cần phải chứng tỏ bản thân sau thời gian dài khoe về kỹ năng đàm phán của mình.
Trump nói rằng ông không vội vàng đạt được thỏa thuận. Nhưng các cuộc tranh luận của ứng viên tổng thống cuối tuần qua là lời nhắc nhở rằng Trump có thể có ít thời gian hơn so với ông nghĩ. Mức tín nhiệm thấp cho thấy ông có thể gặp khó khăn khi tranh cử nhiệm kỳ hai. Vì vậy, Trump cần một "chiến lợi phẩm" để thể hiện bản thân trước các cử tri.
Trump là người đề xuất bước qua biên giới Triều Tiên chứ không phải ông Kim. Tổng thống Mỹ sau đó thừa nhận rằng ông không biết trước ông Kim sẽ trả lời như thế nào và cũng không ai hình dung được Tổng thống Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu đề nghị đó bị từ chối.
"Trump muốn có tiến triển thay vì chờ đợi trong sự không chắc chắn. Vì vậy, ông chấp nhận nguy cơ mất mặt nếu Kim Jong-un từ chối đề nghị ông bước chân sang biên giới", Michael Hirsh, ký giả của Foreign Policy, viết.
20 bước chân của Trump vào lãnh thổ Triều Tiên sẽ là "công cụ hữu ích" trong chiến dịch tranh cử, Koo Kab-woo, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho hay.
Nguồn: Vnexpress.net
Dấu ấn tuần qua: 2 sự kiện lịch sử trong 3 ngày nhằm ‘giữ nước Mỹ vĩ đại’ của Tổng thống Trump
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump trong tuần qua đã tham gia vào hai sự kiện rất đáng chú ý nhằm tìm kiếm quyền lợi chính đáng cho đất nước ông, đàm phán thương mại với Chủ tịch Trung Quốc bên lề Thượng đỉnh G-20 và bắt tay “cậu bé tên lửa” Kim Jong Un trên lãnh thổ Triều Tiên.