Tình trạng 'thấy chết không cứu' trong các tai nạn giao thông ở Trung Quốc
Việc các nạn nhân tai nạn giao thông bị người qua đường ngó lơ có thể xuất phát từ tâm lý lo sợ "làm ơn mắc oán" trong xã hội Trung Quốc.
00:30 13/07/2019
Vào chiều tối một ngày mưa gió ở chợ bán buôn vật liệu xây dựng tại thị trấn Hoàng Kỳ, huyện Nam Hải, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 13/10/2011, cô bé Vương Duyệt hai tuổi bị một chiếc ôtô cán qua lúc đang chơi gần nhà. Cô bé nằm trên đường sau đó còn bị một xe tải chèn qua lần nữa.
Hình ảnh do camera gần đó ghi lại cho thấy trong 7 phút tiếp theo, có 18 người đi qua nhìn thấy cô bé nằm bất động trên đường, nhưng không ai dừng lại giúp đỡ. Người thứ 19 đi qua là Trần Hiền Muội, 58 tuổi, làm nghề nhặt ve chai, vội bế bé lên đưa vào vệ đường và đi tìm bố mẹ. Một lát sau, bố mẹ Vương Duyệt chạy ra, đưa con vào viện cấp cứu nhưng vài ngày sau, cô bé qua đời tại bệnh viện hôm 21/10/2011.
Lái xe đầu tiên gây tai nạn họ Hồ, bị kết án 3 năm 6 tháng tù cuối năm 2012. Do có tình tiết giảm nhẹ là tự ra đầu thú, bồi thường 303.000 tệ cho gia đình và bố mẹ Tiểu Duyệt xin giảm tội, tài xế này được giảm một năm tù. Lái xe thứ hai chèn qua người cô bé kiên quyết không nhận tội và báo chí Trung Quốc cũng không đưa thêm tin tức về người này.
Sự thờ ơ của hàng chục người qua đường trước nạn nhân bị tai nạn giao thông trong vụ này đã gây chấn động xã hội Trung Quốc. Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông khi đó là Uông Dương đã nêu sự việc trước hội nghị toàn tỉnh, đề nghị toàn thể lãnh đạo "suy nghĩ nghiêm túc, đề ra các biện pháp tích cực và hữu hiệu để nâng cao ý thức đạo đức toàn xã hội".
Trên báo chí và mạng xã hội, chủ đề đạo đức của người Trung Quốc thời hiện đại được bàn tàn sôi nổi. Nhiều người lên án những người qua đường là "máu lạnh" khi "ngó lơ" Vương Duyệt, nhưng một số người cho rằng khi đó trời mưa và quá tối nên những người qua đường đang chở hàng không nhìn rõ nạn nhân, hoặc đang vội vã làm xong công việc của mình nên không để ý.
"Trước đấy có vài vụ giúp đỡ người gặp nạn nhưng bị ăn vạ, để lại ấn tượng xấu. Do đó, tôi nghĩ rằng không phải bây giờ người ta máu lạnh, mà có nguyên nhân khác", một cô gái ở Thâm Quyến nhận xét khi trả lời phỏng vấn truyền hình.
Một số chuyên gia Trung Quốc cũng đồng tình với quan điểm này. Quách Dư Hoa, giáo sư khoa Xã hội học, đại học Thanh Hoa, nhận xét "thấy chết mà không cứu không phải là quan niệm đạo đức phổ biến, mà là hệ quả của việc pháp luật không bảo vệ được lòng tốt của người dân".
Một trong những vụ "làm ơn mắc oán" được đề cập rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc là trường hợp của cô Vương Lan ở tỉnh Liêu Ninh. Năm 2013, cô Vương nhìn thấy một cụ già bị ngã khi rời khỏi xe bus nên chạy đến đỡ nạn nhân, gọi người nhà của bà đến và cùng đưa bà đi viện.
Khi vào viện, cô Vương còn trả giúp cụ bà 200 tệ tiền viện phí rồi về nhà. Sau đó, cô bất ngờ nhận được điện thoại từ cụ bà, trong đó bà này dọa sẽ kiện cô vì cô là người đứng gần nhất lúc tai nạn xảy ra. "Nếu không phải cô đẩy tôi, sao cô lại đưa tôi đến bệnh viện", cụ bà nói và đòi cô bồi thường 40.000 tệ.
Rất may là luật sư của cô Vương phát hiện có camera giao thông ở gần đó nên đã trích xuất hình ảnh và chứng minh cô không phải là người gây tai nạn nên đã thắng kiện. Dù vậy, trường hợp này càng làm tổn thương sâu sắc niềm tin của người Trung Quốc vào lòng tốt giúp đỡ người khác.
"Trong xã hội từng xảy ra những vụ như vậy, người dân không thể phán đoán được tình huống nào có thể cứu, tình huống nào phải ngó lơ", giáo sư Quách nói.
7 ngày ở nhờ, nữ sinh Mỹ 5 lần gây bất ngờ với bà mẹ Trung Quốc
Ăn xong tôi thu dọn chén đũa, cô bé người Mỹ lập tức đứng dậy: “Cháu có thể giúp cô không ạ?”, còn con gái tôi ngồi yên.