TNS Janet Nguyễn giới thiệu dự luật ngưng tăng học phí UC và CSU
Sau khi Hội Đồng Quản Trị Hệ Thống Đại Học California State University (CSU) bỏ phiếu đồng ý tăng học phí 5%, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn thông báo sẽ đệ trình Dự Luật SB 236, nhằm ngăn chặn việc gia tăng học phí sinh viên tại California, thông cáo báo chí của văn phòng nữ dân cử gốc Việt này cho biết.
21:53 30/03/2017
Dự Luật SB 236 buộc phải ngưng gia tăng học phí tại hai hệ thống đại học CSU và UC trong năm năm, bắt đầu từ năm 2018, và phải giới hạn chỉ có 10% sinh viên nhập học ngoài tiểu bang học cử nhân trong hai hệ thống này, và các sinh viên ngoài tiểu bang không được nhận trợ giúp của tiểu bang California.
Trợ giúp học phí của tiểu bang chỉ được trợ giúp cho các sinh viên học cử nhân và là cư dân của tiểu bang California.
“Sinh viên khắp California đang gặp khó khăn trong việc đóng học phí ngày càng tăng,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn được trích lời phát biểu. “Hai hệ thống CSU và UC thường buộc các sinh viên đóng thêm học phí để bù đắp ngân sách thiếu hụt của họ. Hành động bắt buộc này cần phải ngưng lại.”
Theo thông cáo, đề nghị ngân sách tài khóa 2017-2018 của thống đốc tiểu bang cho các đại học CSU sẽ tăng gần $3.4 tỷ, tăng gần $2.2 tỷ kể từ tài khóa 2007-2008. Theo Văn Phòng Phân Tích Quốc Hội, hầu hết thiếu hụt ngân sách của hệ thống CSU là do việc gia tăng quyền lợi dành cho thành phần giảng huấn và các nhóm nhân viên.
Vào Tháng Ba, 2016, Văn Phòng Kiểm Toán Tiểu Bang California đưa ra một bản báo cáo về hệ thống UC, nhấn mạnh ảnh hưởng tiêu cực của việc nhận sinh viên ngoài tiểu bang, và đề nghị thay đổi chính sách nhận sinh viên của hệ thống này, nhằm gia tăng việc thu nhận sinh viên cư ngụ tại California, tuy nhiên, cho tới nay, hệ thống UC chưa áp dụng các đề nghị này, theo thông cáo.
“Chúng ta cần phải bảo đảm ngưỡng cửa đại học UC luôn rộng mở cho các con em cư dân California,” Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn được trích lời cho biết. “Hai hệ thống CSU và UC hưởng lợi nhờ tiền đóng thuế của cư dân California, và chỉ hợp lý khi con em chúng ta được ưu tiên nhận vào học và được hưởng quyền lợi ngân sách tiểu bang của hai hệ thống này.”
Trong khi đó, sau khi nghe CSU tăng học phí, một số sinh viên có phản ứng khác nhau, phản đối cũng có, đồng ý cũng có, và “cũng chẳng sao” cũng có.
Cô Cathy Nguyễn, sinh viên đại học Cal State Fullerton, nói: “Tôi không thích đóng thêm tiền, nhưng tôi không tin là mình có thể làm gì để thay đổi được. Biểu tình chỉ mất thì giờ mà không có kết quả.”
Anh Daniel Lê, sinh viên đại học Cal State Long Beach, nói: “Học phí có lên thì tôi vẫn phải tiếp tục học thôi. Tôi không nghĩ biểu tình chống lại chuyện này sẽ đem được kết quả gì.”
Cô Minique Lâm, sinh viên cùng trường với anh Daniel Lê, nói: “Tôi vừa đóng học phí năm rồi. Đây là mùa cuối cùng của tôi nên chuyện này không ảnh hưởng gì đến tôi. Tuy nhiên, cho những người còn ở lại, tôi nghĩ họ nên dành thời gian mà chăm chú vào việc học hành. Nhưng nếu họ đến đây để học về chính trị thì nên tham gia biểu tình.”
Một sinh viên khác của đại học này, cô Christine Nguyễn, nói: “Tôi có học bổng nên không bị ảnh hưởng gì.”
Anh Michael Hoàng, sinh viên Cal State Fullerton, nói: “Dĩ nhiên không ai muốn đóng thêm tiền. Tôi phải đi làm hơn 30 tiếng mỗi tuần mới trả nổi học phí.
Nhưng nếu mình nghĩ đây là một động cơ thúc đẩy mình ráng học, không làm mất thì giờ để mau mau ra trường thì cũng tốt thôi.”
Anh William Hứa, cũng đang học tại Cal State Long Beach, nói: “Gia đình tôi trả học phí cho tôi nên thôi thấy thêm mấy trăm cũng không là bao nhiêu. Bây giờ tôi muốn học cho mau thôi. Mai mốt đi làm, tôi sẽ giúp lại ba má.”
Anh Richard Trần, sinh viên Cal State Fullerton, nói: “Tôi không dư tiền, nhưng đã đóng được 100% rồi, có phải đóng thêm 5% nữa cũng không sao.”
Về phía phụ huynh, một số người có những ý kiến khác biệt.
Ông Henry Cơ, cư dân Garden Grove, nói: “Vợ chồng tôi lo cho ba đứa đầu, cũng học ở Long Beach. Bây giờ còn đứa út, mấy chị nó giúp tiền học phí nên chúng tôi đỡ phải nhọc tâm suy nghĩ. Cứ để chúng nó lo cho nhau.”
Bà Lý Thị Minh, cư dân Westminster, nói: “Con tôi được chính phủ cho tiền đi học nên tôi chẳng phải lo gì.”
Ông Nguyễn Văn Chức, cư dân Garden Grove, nói: “Đây là một sự đầu tư cho tương lai con cái. Có phải đóng thêm mỗi năm vài trăm thì chúng tôi cũng phải cắt đầu này, xén đầu kia mà lo cho nó chứ làm sao bây giờ. Cái gì cũng muốn thì vô lý quá. Muốn con mình học giỏi cho mau thành đạt mà tiền thì không chịu bỏ ra thì không công bằng. Muốn con giỏi thì phải thêm tiền để trường mướn thầy cô giỏi. Đơn giản là thế.”
Học phí cho sinh viên ngoài tiểu bang cũng như các chương trình cao học và và chương trình sư phạm cũng sẽ tăng lên.
Giới chức CSU cho biết, sự gia tăng học phí này sẽ thu về $77.5 triệu trong khi các viên chức đại học ước tính họ cần đến $324.9 triệu.
Trước khi Hội Đồng Quản Trị CSU bỏ phiếu tăng học phí, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đã liên lạc với họ và cho biết bà phản đối quyết định này, theo thông cáo.
Nếu được chuẩn thuận, Dự Luật SB 236 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2018.
Nhiều người Mỹ đến tuổi hưu vẫn tiếp tục đi làm
Kể từ đầu thế kỷ này, số người Mỹ ở tuổi hưu trí vẫn tiếp tục đi làm và con số này ngày càng tăng.