'Tôi đi mua kit xét nghiệm Covid-19 ở Mỹ'
Theo nhận định của một số người Việt tại Mỹ, bộ xét nghiệm Covid-19 ở nước này được phổ biến rộng rãi, dễ tiếp cận, giá phải chăng, không khan hàng và dễ sử dụng.
11:00 01/10/2021
Dù nước Mỹ không thiếu vaccine và chiến dịch tiêm chủng đã phủ được một lượng lớn dân số, biến chủng Delta lây lan nhanh chóng cùng những người chống vaccine đã khiến cuộc chiến chống dịch của người Mỹ chưa thể kết thúc. Trao đổi với Zing, những người Việt đang sống tại Mỹ cho biết việc phải lấy mẫu xét nghiệm là điều khá thường xuyên, tuy nhiên quy trình lấy mẫu khá dễ dàng và thuận tiện.
Bùi Thị Phúc (20 tuổi), đang theo học tại Đại học Luther ở bang Iowa, kể lại rằng việc đi mua bộ thử Covid-19 ở Mỹ tương đối đơn giản, “tương tự ra chợ mua bó rau vậy”.
Bộ tự xét nghiệm Covid-19 được bán rộng rãi ở hầu hết địa phương tại Mỹ. Ảnh: Shutterstock.
Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm
Theo chị Phúc, việc chứng minh kết quả âm tính với Covid-19 mang tính tương đối, phụ thuộc vào từng địa phương. “Lập trường của Mỹ với Covid-19 đang khá dè dặt, không quá thoải mái”, chị chia sẻ.
“Dù đã tiêm 2 mũi hay thậm chí 3 mũi vaccine, khi có triệu chứng thì bắt buộc phải đi xét nghiệm Covid-19. Đây là luật mới cho người lao động ở toàn bang Iowa”, chị Phúc cho biết. “Những nhân viên làm việc trong các trụ sở, cơ quan, trường học và nơi tụ tập đông người sẽ phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 hàng tuần, nhất là trong đợt dịch cao điểm”.
Một số địa phương ở Mỹ vẫn yêu cầu người dân chứng minh kết quả âm tính với nCoV dù đã tiêm đủ hai liều vaccine. Ảnh: Reuters.
“Giả sử bạn là giáo viên và có các triệu chứng mắc Covid-19 như ho, bạn phải đi xét nghiệm để chứng minh với trường là mình không nhiễm virus và có thể tiếp tục đứng lớp hoặc phải chuyển sang dạy trực tuyến”, Phúc nói thêm. “Bản thân mình sắp tiêm vaccine mũi 2 trong vài ngày nữa nhưng nếu thấy có triệu chứng thì vẫn phải xét nghiệm”.
“Mình mới mua và dùng bộ thử Covid-19 một lần khi xuống sân bay nhập cảnh vào Mỹ và đi cách ly ở trường. Sau 10 ngày cách ly thì phải xét nghiệm nên mình đã mua và sử dụng sản phẩm này”, chị Phúc kể lại. “Mình chọn bộ xét nghiệm nhanh, có nhân viên y tế hướng dẫn và giúp đọc kết quả”.
Tương tự, Hoàng Ánh Mai, cũng ngụ tại bang Iowa, cho biết bản thân phải xét nghiệm Covid-19 một tuần một lần nếu chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Trong một tháng đầu tiên trở lại Mỹ từ Việt Nam, chị Mai vẫn phải kiểm tra định kỳ hàng tuần, trong đó tuần đầu tiên phải xét nghiệm 7 ngày liên tiếp.
Trong khi đó, chị Phan Anh Thư, sống ở bang Ohio, được trường đại học yêu cầu xét nghiệm Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
“Mình mới xét nghiệm hôm 27/9 vì 14 ngày sau khi tiêm mũi 2 mới được ngưng kiểm tra”, chị Anh Thư kể lại.
Mua bộ xét nghiệm dễ như mua rau
Khi được hỏi liệu bản thân có gặp khó khăn khi tìm mua bộ xét nghiệm Covid-19 hay không, chị Phúc đáp: “Bộ xét nghiệm ở Mỹ rất phổ biến, chỉ cần vào siêu thị, cửa hàng bán lẻ hay cửa hàng tiện lợi như Walmart là đều có thể mua được. Giá mỗi bộ xét nghiệm dao động từ 19 USD đến 125 USD”.
Bùi Thị Phúc, ngụ tại bang Iowa, Mỹ. Ảnh: NVCC.
“Chính quyền không có yêu cầu nào cụ thể đối với người mua bộ thử Covid-19, tức là không nhất thiết phải có triệu chứng thì mới được mua dụng cụ xét nghiệm. Ở đây (bang Iowa), việc đi mua bộ thử Covid-19 tương tự ra chợ mua bó rau vậy”, chị Phúc nói.
Chị Phúc cũng thông tin thêm về hai loại dụng cụ xét nghiệm chính: loại xét nghiệm nhanh, chỉ lấy dịch ở mũi hoặc họng và loại xét nghiệm PCR.
Chị N.V.A., trú tại thành phố Des Moines, bang Iowa, cũng cho biết bộ tự xét nghiệm Covid-19 được bán ở nhiều nơi, “rất phổ biến tại các hàng thuốc, siêu thị như Walgreens, CVS, Walmart hay Hyvee”.
Bên cạnh đó, “cũng có những dịch vụ lấy bộ tự xét nghiệm tại các trung tâm y tế, bao gồm cả test nhanh và test PCR”, chị V.A nói thêm. “Rất nhiều người mua các bộ dụng cụ này để tự xét nghiệm tại nhà”.
“Đa số bộ tự xét nghiệm được bán ở hàng thuốc có giá từ 20 tới 25 USD trở lên”, chị V.A. chia sẻ. “Giữa các hãng có sự chênh lệch về giá, có những bộ lên tới hơn 100 USD. Sự chênh lệch này còn phụ thuộc vào cách thức của các bộ xét nghiệm: kiểm tra nhanh hoặc xét nghiệm PCR”.
Dễ tiếp cận, cho ra kết quả nhanh
Nguyễn Tài Tâm, đang theo học tại Đại học Minerva (bang California), chia sẻ rằng anh chỉ cần điền thông tin cá nhân qua một trang web để đăng ký tự xét nghiệm tại trường và không tốn chi phí. Khi có mặt tại bàn lấy dịch, anh Tâm tự dùng que chọc để lấy mẫu trong mũi và chuyển lại cho nhân viên y tế.
“Khoảng nửa ngày sau thì có kết quả, được thông báo bằng một đường dẫn gửi qua tin nhắn”, anh Tâm kể lại.
Tuy nhiên, tốc độ cho ra kết quả của từng bộ thử có sự chênh lệch. Trong khi chị Ánh Mai chỉ mất 15 phút sau khi lấy mẫu, chị Anh Thư phải đợi 30 phút mới có kết quả.
Theo chia sẻ của chị Phúc, người dùng sau khi mua bộ xét nghiệm Covid-19 có thể tự lấy mẫu tại nhà, sau đó đóng gói, ghi tên, thông tin cá nhân và gửi mẫu này đến phòng thí nghiệm hoặc cơ sở y tế để xét nghiệm.
“Kết quả thường được thông báo trong vòng một ngày, còn bộ thử nhanh thì cho ra kết quả trong 15 phút”, chị Phúc thông tin.
Tốc độ cho ra kết quả của mỗi loại dụng cụ tự xét nghiệm Covid-19 có sự chênh lệch, dao động từ 15 phút đến 3 ngày. Ảnh: Shutterstock.
Theo chị Phúc, những người có kiến thức y tế và đọc được kết quả xét nghiệm có thể tự tiến hành tại nhà.
Khi được hỏi về những khó khăn trong lúc tìm mua và sử dụng bộ tự xét nghiệm Covid-19, chị Phúc đáp: “Mình đánh giá cao sự tiện lợi của việc tự xét nghiệm Covid-19, khoảng 8-9 trên thang điểm 10, vì độ phủ sóng của dụng cụ này rất rộng, dễ tiếp cận, giá bán không quá cao và cũng không gặp tình trạng khan hiếm hàng”.
“Trên mỗi bộ xét nghiệm có hướng dẫn sử dụng rất chi tiết. Những chỉ dẫn này cũng được đăng tải trên các trang web. Chỉ cần nhìn vào bộ xét nghiệm là người mua có thể hiểu cách sử dụng rồi”, chị Phúc nói. “Ngoài ra, luôn có một nhân viên trực quầy y tế sẵn sàng giải đáp thắc mắc của người mua hàng”.
“Mình cũng đánh giá cao việc tự lấy mẫu xét nghiệm sau đó gửi mẫu cho các cơ sở y tế kiểm tra kết quả”, chị Phúc nói thêm. “Phương pháp này giúp hạn chế sự tiếp xúc không cần thiết giữa người với người, từ đó kiềm chế sự lây lan của mầm bệnh”.
Chia sẻ cuối cùng của Phi Nhung trước khi qua đời: Xin lỗi khán giả, nói về lý do nhiễm Covid-19
Thông tin Phi Nhung qua đời vì Covid-19 đã khiến nhiều người vô cùng đau buồn.