Tôi hối hận vì bán nhà cho con du học

Ngôi nhà ra đi cùng hành trang du học của con. Con tôi tốt nghiệp thu nhập chả đáng bao còn bất động sản thì lên giá vùn vụt.

21:53 24/09/2023

Dưới đây là chia sẻ của chị Phan Kim Oanh, 50 tuổi, sống ở quận 4, TP HCM,  về canh đầu tư sai lầm khi bán nhà cho con đi du học của mình.

Một mình nuôi hai con, tôi luôn cố gắng chăm lo để con có cuộc sống tốt hơn mẹ. Tôi có hai căn nhà, một do bố mẹ tôi cho, ở quận 4 - chính là căn chúng tôi đang sống, và một căn ở quận 7, tôi mua bằng tiền tiết kiệm của mình, sau đó đem cho thuê. Tôi từng làm phiên dịch ở một công ty của nước ngoài, đến năm 2007, tôi nghỉ việc, về mở cửa hàng sữa ngay tại nhà, thỉnh thoảng tôi cũng đầu tư vàng, bất động sản, chứng khoán theo trào lưu như mọi người. Thu nhập đủ để mẹ con tôi sống thoải mái, các con được học trường song ngữ bán công. Mỗi năm tôi vẫn để dành được một vài cây vàng. 

Không phải trẻ nào đi du học về cũng có công việc lương cao - Ảnh minh họa: Gapyear.com

Không phải trẻ nào đi du học về cũng có công việc lương cao - Ảnh minh họa: Gapyear.com

Con gái đầu lòng tôi của tốt nghiệp lớp 12 năm 2012. Cháu có học lực khá, tính hơi nhút nhát nhưng tôi vẫn mong muốn cho con đi du học nước ngoài. Tôi thấy  nhiều tấm gương thành công nhờ có cái bằng mang từ nước khác về. Tôi nghĩ, kiến thức chuyên môn khi du học có thể chỉ nhỉnh hơn chút so với học đại học ở Việt Nam, nhưng chắc chắn ngoại ngữ của con sẽ khá, sẽ xin được những công việc lương cao. Hoặc thậm chí, con tôi có thể ở lại nước ngoài. Hơn nữa, con các bạn hàng, đối tác của tôi du học khá nhiều, tôi không muốn mình thua kém họ. Vì hai lý do đó, tôi sắp xếp cho con sang Australia du học, ngành quản trị kinh doanh.

Tháng 8 năm đó, cả nhà tôi tiễn con lên đường, học tiếng trước khi nhập học đại học vào tháng 2 năm sau. Để có cuộc chia tay này, tôi tốn mất 600 triệu đồng, bao gồm tiền học, chi phí cho việc ăn ở đi lại trong nửa năm của con và dịch vụ giấy tờ qua công ty tư vấn du học.

Sau đó, mỗi năm học đại học của con tiêu tốn của tôi khoảng 40-45 nghìn đôla Australia (lúc đó tầm 800 triệu tiền Việt). Năm 2014, tôi đã phải bán căn nhà cấp bốn rộng 72m2 ở khu Tân Mỹ, quận 7 với giá 2,3 tỷ để lo tiền cho con. Căn nhà này tôi đang cho người ta thuê bán cà phê, được 6 triệu/tháng. Tôi cũng rất tiếc khi bán nhà nhưng vì trước đó, tôi đã phải vay nóng xã hội đen để có tiền đóng học cho con, với lãi suất 4%/tháng.

Tuy nhiên, khi vừa bán nhà xong thì con tôi muốn về nước, dù việc học vẫn dang dở. Nó yêu đương, thất tình rồi trầm cảm. Tôi phải sang đó một tháng để động viên. 

Tôi từng kỳ vọng con học xong sẽ ở lại Australia làm việc, thậm chí lấy chồng rồi định cư luôn. Có điều, con tôi không năng động, cũng không dễ hòa nhập với mọi người, học hành không xuất sắc. Cố gắng lắm, con mới tốt nghiệp vào giữa năm 2017. Sau đó, con về nước, đi làm ở một công ty do bạn tôi làm giám đốc. Chưa hết thời gian thử việc, nó đã chán không muốn làm nữa. Bây giờ, nó đang ở nhà, phụ việc bán hàng cùng tôi và bán hàng online. Nó chỉ muốn tự mình làm kinh doanh nhỏ lẻ.

Tôi cứ thấy tiếc, giá như tôi giữ ngôi nhà ở quận 7, đầu tư thêm vài trăm triệu sửa chữa sơ qua, bây giờ tôi có thể thu khoảng 10 triệu/tháng từ việc cho thuê. Hoặc nếu giữ lại nhà, giờ mới bán, tôi có thể bán được hơn 4 tỷ. Số tiền đó, tôi có thể cho con một phần để làm ăn. Trong khi tôi đầu tư cho con 5 năm ở nước ngoài, vào môn học không phù hợp với tính cách và khả năng của con, tổng thiệt hại hết tầm 4 tỷ mà bây giờ những kiến thức con học được đang bị bỏ phí, không thể sử dụng và đem lại thu nhập tốt cho con.

Theo các thống kê của Bộ Giáo dục từ năm 2012 đến nay, mỗi năm Việt Nam đều có hơn 100.000 du học sinh ở nước ngoài. Còn theo báo cáo năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia, Việt Nam là một trong 5 nước có đông công dân theo học tại đây nhất.

Giáo sư tiến sĩ Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP HCM) nhận xét, một số gia đình Việt ngày nay nhầm tưởng du học nước ngoài về chắc chắn sẽ thành công và giàu có. Đó là tâm lý từ thời bao cấp, thời đó, những người đi du học về đều khá giả hơn hẳn bởi Việt Nam khi đó quá nghèo. Ngày nay, du học nước ngoài chưa hẳn đã đảm bảo bạn sẽ có một sự nghiệp thành công và kiếm được nhiều tiền.

Ngoài ra, có một số cha mẹ cho con đi vì tiếng oai, thấy người khác có con đi du học thì cũng tìm mọi cách để cho con mình ra nước ngoài, để chứng tỏ mình cũng “như ai”. Trong khi đó, giáo dục ở nước ngoài cũng là một ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận rất cao. Các trường đại học, thậm chí trung học... có nhiều cách marketing rất khéo để làm đầy túi tiền của họ. Nhiều trường có thể cấp cho sinh viên một phần học bổng nhưng sẽ thu lại đến 9 phần các chi phí khác. Vì thế các gia đình cần phải cân nhắc vấn đề tài chính thấu đáo khi cho con đi học.

Còn theo phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Hoa, tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học, Viện Giáo dục, Đại học Tổng hợp Potsdam CHLB Đức, du học nên được xem như hành trình trải nghiệm, khám phá, học hỏi văn hóa, cuộc sống ở xứ người chứ không phải chỉ là một cuộc chiến đấu, khổ sở để kiếm được tấm bằng. Nếu không có quyết tâm cao, không có mục đích đi du học rõ ràng và lường trước được những khó khăn có thể gặp, các con rất dễ trầm cảm, thất bại.

"Không ít khi ra nước ngoài thường không nhìn được hết mọi mặt đời sống của người bản xứ hoặc có nhìn mà không thấy, hay có thấy mà không cảm được khi vẫn đặt mình ở vị thế kẻ đứng ngoài. Nhiều người đi du học rất lâu nhưng khi về nước không thể hiện được sự thay đổi tích cực nào, vẫn dựa dẫm để bố mẹ bỏ tiền xin việc cho. Như vậy, khoản đầu tư cho con du học của bố mẹ rõ ràng đã 'lỗ' về cả kinh tế lẫn tinh thần", giáo sư Phương Hoa nói.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Hoàng Anh (ghi)

Tags:

[

[

[

[

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất