Tổng hợp các diện bảo lãnh sang Mỹ hiện nay

Luật di trú của Hoa Kỳ cho phép một công dân Hoa Kỳ hay một thường trú nhân Hoa Kỳ trên 21 tuổi đứng ra làm đơn bảo lãnh cho thân nhân của mình. Công dân Hoa Kỳ có thể làm đơn bảo lãnh cho vợ chồng, con cái, cha mẹ và anh chị em.

06:00 28/03/2020

Vợ chồng, con cái (dưới 21 tuổi) và cha mẹ của công dân Hoa Kỳ được gọi là Immediate Relatives (Người thân trực hệ). Tên viết tắt của diện này là IR. Diện này không bị giới hạn bởi chỉ tiêu visa hàng năm.

Trong diện IR này không có Derivative (người đi theo hay còn gọi là người tháp tùng). Do đó, công dân Hoa Kỳ khi nộp đơn bảo lãnh phải nộp đơn riêng biệt cho từng người một.

Công dân Hoa Kỳ cũng có thể bảo lãnh con cái trên 21 tuổi, con cái đã lập gia đình ở mọi lứa tuổi và anh chị em. Diện này không phải diện Người thân trực hệ. Diện này bị giới hạn bởi chỉ tiêu visa hàng năm.

Con cái độc thân trên 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ thuộc diện Family First Preference (Ưu tiên gia đình 1). Tên viết tắt là F1. Con cái đã lập gia đình ở mọi lứa tuổi thuộc diện Family Third Preference (Ưu tiên gia đình 3). Tên viết tắt là F3.

Anh chị em của công dân Hoa Kỳ thuộc diện Family Fourth Preference (Ưu tiên gia đình 4). Tên viết tắt là F4.

Vì diện F1 đòi hỏi con phải độc thân nên không thể có vợ hay chồng đi theo. Tuy nhiên, diện F1 có thể có con dưới 21 tuổi đi theo nếu con chưa lập gia đình.

Về phần diện F3 và F4 thì vợ hoặc chồng hoặc con cái dưới 21 tuổi còn độc thân của những người được bảo lãnh theo diện F3 và F4 được đi theo người bảo lãnh chính (Principal Beneficiary).

Thường trú nhân Hoa Kỳ có thể làm đơn bảo lãnh cho vợ chồng, con cái dưới hoặc trên 21 tuổi nhưng phải còn độc thân.

Vợ chồng hoặc con cái dưới 21 tuổi của thường trú nhân Hoa Kỳ thuộc diện Family 2A Preference (Ưu tiên gia đình 2A). Tên viết tắt là F2A. Thường trú nhân Hoa Kỳ có thể làm đơn bảo lãnh riêng cho vợ hay chồng của mình và cho mỗi đứa con còn độc thân dưới 21 tuổi của mình. Con cũng có thể là người đi theo khai trong cùng đơn với người cha hay người mẹ được bảo lãnh.

Con cái độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân Hoa Kỳ thuộc diện Family 2B Preference (Ưu tiên gia đình 2B). Tên viết tắt là F2B. Diện F2B này không thể có vợ hay chồng. Do đó, diện này không có vợ hay chồng đi theo. Những người được bảo lãnh theo diện F2B không được lập gia đình cho đến khi có thẻ xanh hay cho đến khi đặt chân đến nước Mỹ. Tuy nhiên, diện này có thể có con còn độc thân dưới 21 tuổi đi theo. Đó là trường hợp của những người có con ngoại hôn chẳng hạn.

Hai diện F2A và F2B cũng bị giới hạn bởi chỉ tiêu visa hàng năm giống như các diện Ưu tiên gia đình khác.

Trong tất cả trường hợp, con cái của những người con còn độc thân dưới 21 tuổi đi theo người được bảo lãnh chính không được đi theo vì không được kể trong đơn bảo lãnh.

Xin lưu ý là diện Ưu tiên gia đình có thể thay đổi. Khi một người thường trú nhân trở thành công dân, người được bảo lãnh sẽ tự động chuyển diện qua diện Immediate Relative (Người thân trực hệ), F1 hay F3.

Khi một người con của thường trú nhân đúng 21 tuổi, người con đó sẽ từ diện F2A trở thành diện F2B và do đó chờ được cấp visa lâu hơn.

Khi một người con của thường trú nhân kết hôn, người con đó sẽ bị khước từ không cho nộp đơn xin visa diện F2A hay F2B nữa vì thường trú nhân chỉ được phép bảo lãnh con còn độc thân.

Tags:
Dân mạng phát sốt với chiếc áo 3D hô biến vòng 1 thần thánh

Dân mạng phát sốt với chiếc áo 3D hô biến vòng 1 thần thánh

Một chiếc áo phông thú vị được thiết kế theo định dáng 3D khiến người mặc có thể “ăn gian” số đo vòng 1 đã khiến cho dân mạng vô cùng thích thú.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất