Tổng thống Biden ký sắc lệnh mới về nhập cư
Tổng thống Joe Biden hôm 2/2 đã ký sắc lệnh nhập cư mới, có khả năng đảo ngược chính sách dưới thời ông Trump.
05:30 04/02/2021
ổng thống Joe Biden hôm 2/2 đã ký nhiều sắc lệnh có khả năng xem xét và đảo ngược chính sách nhập cư dưới thời ông Trump. Sắc lệnh mới còn thiết lập một lực lượng liên ngành, chuyên hỗ trợ các gia đình bị ly tán sau nhiều cuộc truy quét biên giới “không khoan nhượng” của ông Trump.
Ông Biden miêu tả chính sách nhập cư cũ là hành động “phản tác dụng với nền an ninh của chúng ta”. Ông Biden còn gọi việc chính quyền tiền nhiệm chia cắt các gia đình di cư là “sự hổ thẹn về đạo đức và về thể diện quốc gia”.
“Có nhiều lời bàn tán chính đáng về số sắc lệnh mà tôi đã ký”, Washington Post dẫn lời của Tổng thống Biden từ Phòng Bầu dục. “Tôi không thiết lập luật mới. Tôi chỉ đang loại bỏ những chính sách tồi”.
Chia sẻ về các sắc lệnh mới nhất, ông Biden nói: “Đây là hành động để nước Mỹ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn, khi chúng ta có một hệ thống nhập cư công bằng, trật tự và nhân đạo”.
Cần thời gian để thay đổi
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham bình luận về tầm ảnh hưởng của sắc lệnh nhập cư mới: “Chỉ trong vài tuần, Tổng thống Joe Biden đã phá bỏ những nỗ lực mà chính quyền Trump từng mất nhiều năm mới đạt được”.
“Việc dừng xây bức tường biên giới hay thay đổi chính sách tị nạn của ông Trump - vốn yêu cầu người nhập cư phải chờ ở Mexico cho đến ngày hầu tòa - là công thức cho thảm họa. Những điều này sẽ gây ra làn sóng nhập cư mất kiểm soát trong tương lai”, ông Graham viết.
Ông Biden thể hiện rõ mong muốn thay đổi chính sách nhập cư thời chính quyền Trump. Song nhiều quan chức chính phủ cũng phải thừa nhận rằng một số biện pháp kiểm soát biên giới của ông Trump sẽ tiếp tục được áp dụng.
Có thể nói, ngay cả chính phủ mới cũng quan ngại về một một làn sóng di cư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành.
Sắc lệnh của ông Biden sẽ "xem xét", dù không hủy bỏ, các Nghị định thư Bảo vệ Người di cư, hay còn được gọi là chương trình "Ở lại Mexico". Chương trình này đã buộc hơn 60.000 người xin tị nạn phải chờ đợi bên ngoài lãnh thổ Mỹ, cho đến khi các tòa án xử lý hồ sơ của họ.
Chính quyền Biden đã dừng áp dụng chương trình này với những người xin tị nạn mới. Đối với những người đang chờ tòa xử lý giấy tờ, họ không được phép nhập cảnh vào Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết nhiều nội dung của sắc lệnh vẫn đang được xem xét. “Chúng tôi muốn hành động nhanh chóng và kịp thời. Song chúng tôi cũng cần đảm bảo rằng chúng tôi đang thực hiện điều này thông qua một quy trình chính sách chiến lược”, bà Psaki chia sẻ với báo giới hôm 2/2.
Sắc lệnh hôm 2/2 khá mâu thuẫn với những lời quyết liệt của Tổng thống Joe Biden trong ngày đầu nhậm chức. Trên thực tế, nội dung sắc lệnh không quá mạnh bạo, chủ yếu chỉ đạo các cơ quan xem xét chính sách thời Trump và xác định phương hướng sửa đổi.
Giới chức cấp cao cho biết họ có ý định thay thế chính sách vùng biên giới của ông Trump theo hướng nhân đạo hơn, song họ cũng cần thêm thời gian.
Ông Ali Noorani, chủ tịch Diễn đàn Nhập cư Quốc gia cho biết: “Họ không thể xoay chuyển mọi thứ chỉ với một sắc lệnh hành pháp. Đây là những bước đi quan trọng trong quy trình. Song chính quyền mới phải đảm bảo biến sắc lệnh thành hành động trong tương lai gần”.
Kế hoạch dài hạn
Theo số liệu thống kê và dự báo của Cơ quan Hải quan Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), số vụ bắt giữ người di cư bất hợp pháp dọc theo biên giới đã vượt quá 70.000 người chỉ trong 4 tháng qua. Đây có thể coi là giai đoạn “nhộn nhịp” nhất trong hơn một thập kỷ.
Các quan chức CBP cho biết cảnh sát Guatemala mới triệt phá một đường dây vận chuyển người Honduras hồi tháng trước. Nhóm người này dự kiến chia thành các nhóm nhỏ để tìm đường về phía bắc.
Theo giới chức CBP, việc chính quyền cố gắng “hào phóng” với người nhập cư sẽ đem đến những thách thức lớn.
"Đây không phải là thời điểm để đến Mỹ", thư ký báo chí Psaki cũng nói hôm 2/2. "Chúng tôi cần thêm thời gian để thực hiện một quy trình nhập cư sao cho mọi người đều được đối xử nhân đạo".
Chính quyền Biden cho biết họ đã có kế hoạch thay đổi động lực di cư dọc biên giới Mexico. Cụ thể, họ muốn giải quyết "nguyên nhân gốc rễ" của việc di cư từ Trung Mỹ, giúp các nhóm dễ bị tổn thương tìm được nơi trú ẩn an toàn, gần với quê hương hơn.
Chính quyền mới còn có kế hoạch khôi phục một chương trình thời Obama, cho phép trẻ vị thành niên đăng ký đoàn tụ hợp pháp với cha mẹ đã sống ở Mỹ, thay vì mạo hiểm trong một chuyến hành trình với những băng nhóm buôn người.
Các quan chức cấp cao miêu tả đây là sự khởi đầu cho nhiều biện pháp bổ sung trong tương lai. Ví dụ, chính quyền Biden dự định nâng số người được tị nạn ở Mỹ hàng năm lên 125.000 người mỗi năm, theo hai nguồn thạo tin.
Đây sẽ là sự thay đổi đáng kể so với chính quyền Trump. Năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã giảm số người được tị nạn ở Mỹ xuống còn 15.000 người, mức thấp nhất từ khi Đạo luật Tị nạn được thiết lập và có hiệu lực dưới thời ông Reagan.
Ông Biden cũng xem xét chấm dứt nhiều thỏa thuận hợp tác về tị nạn giữa chính quyền Trump với các nước Trung Mỹ. Các thỏa thuận này từng cho phép Mỹ gửi người tị nạn sang các nước đối tác.
Thay vào đó, ông Biden sẽ nỗ lực phát triển “Chiến lược quản lý hợp tác” để làm việc với các chính phủ Trung Mỹ, nhằm cải thiện biện pháp bảo vệ cho các nhóm dễ bị tổn thương, theo phương châm “càng gần quê hương của người di cư càng tốt”.
Các nhóm ủng hộ người nhập cư đang thúc giục ông Biden nhanh chóng hành động. Song chính quyền tiền nhiệm đã thiết lập hàng trăm quy định hạn chế nhập cư, phần nào cản trở quá trình chỉnh sửa, thay đổi chính sách.
Marielena Hincapié, giám đốc điều hành của Trung tâm Luật Nhập cư Quốc gia cho biết: “Chính quyền Trump đã gây thiệt hại đáng kể trong 4 năm qua. Do đó, ông Biden sẽ mất thời gian để giải quyết hệ quả”.
Nhiều cựu quan chức Cộng hòa từ bỏ đảng vì ông Trump
Hàng chục quan chức thời cựu Tổng thống George W. Bush quyết định rời bỏ đảng Cộng hòa vì cho rằng đảng này đang tôn thờ duy nhất ông Donald Trump.