Tổng thống cũng như thứ dân, bởi đơn giản chức vụ chỉ là trách nhiệm
Người đàn ông “quyền lực nhất” Phần Lan được bắt gặp ngồi bệt trên bậc cầu thang để lắng nghe bài phát biểu trong một hội chợ sách vì các chỗ ngồi đều đã kín.
21:30 12/11/2019
Trung tuần tháng 10 năm ngoái, hình ảnh Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö tới hội chợ sách Turku ở tây nam nước này lan truyền trên mạng xã hội Twitter và Reddit. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như ông không xuất hiện một mình, không có vệ sĩ và… ngồi bệt xuống bậc cầu thang trong hội trường để lắng nghe bài nói chuyện của diễn giả.
Trong khán phòng đã chật kín, những người vào sau như ông phải ngồi ở bậc cầu thang, Niinistö không ngần ngại ngồi lẫn vào giữa những người dân của mình, tay cầm quyển sách mới mua xem qua trong khi chờ đợi. Không có phóng viên nào đi theo để “ghi hình”, và thông tin chỉ lan truyền kèm theo sự thích thú, tấm tắc của người dân thế giới khi ai đó đưa hình chụp ông lên mạng xã hội.
Ở đất nước nhiều lần được ghi nhận là hạnh phúc nhất thế giới đó, hóa ra người có quyền lực nhất lại chẳng “sướng” như ở một số nơi. Đặc quyền của ngài Tổng thống không để sử dụng khi ở giữa những người dân của mình. Bởi đơn giản, chức vụ Tổng thống chỉ là một trách nhiệm, nghĩa vụ mà người nhận nó phải gánh vác để giúp cải thiện đời sống nhân dân, đại diện cho đất nước trong các vấn đề ngoại giao mà thôi.
Đó là cái lý đã có từ xa xưa, chứ chẳng phải ngài Niinistö là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong gì cho cam.
Khi được Quý Khang hỏi về chính trị, Khổng Tử nói rằng: “Chính trị là chính đính (ngay thẳng). Lãnh đạo dân một chính sách chính đính thì ai dám không chính đính”.
Một lần khác nữa, ông nói thêm rằng: “Nếu giữ thân mình cho đoan chính thì tòng sự chính trị có gì khó? Không giữ thân mình cho đoan chính thì làm sao sửa cho người khác đoan chính được?” – (Luận Ngữ).
Làm chính trị cuối cùng chính là giúp nắn chỉnh, sửa chữa mọi mặt đời sống của nhân dân cho chính đáng, hợp lẽ rồi từ đó xã hội có môi trường tốt để phát triển, đời sống nhân dân an yên, hạnh phúc.
Thế nên làm chính trị, chính là dùng chính tâm, chính hành để dẫn dắt dân chúng. Để phục vụ mục đích giáo huấn dân chúng, chắc chắn người làm chính sự phải đoan chính, tự mình làm gương. Cũng chính là luôn phải tu thân cho tốt thì mới có thể tận tâm, vô tư, chính trực khi làm những việc liên quan tới quyền lợi sát sườn.
Người xưa đã hiểu điều đó nên nhắc nhở người nắm giữ quyền lực phải có tâm chính thì mới lãnh đạo được quần chúng: “Tâm chính là thân chính, thân chính là người tả hữu cũng chính, người tả hữu chính thì triều đình chính, triều đình chính thì nước nhà mới chính, nước nhà chính thì thiên hạ chính” – (Trường Đoàn Kinh).
Vua Lê Thánh Tông cũng từng chỉ dụ các quan phủ, huyện, châu trong nước rằng: “Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang (*) để có đủ cơm áo, hai việc cần kíp đó của chính sự là chức trách của các thú mục” – (Đại Việt sử ký toàn thư). Việc của người làm quan, làm chính trị, cuối cùng gói gọn lại là hai việc đó mà thôi: giáo huấn, dẫn dắt để dân chúng có đạo đức tốt; lo lắng, chỉ dẫn, giúp đỡ để dân được no đủ.
Thế nên, kể cả làm tổng thống, thì chẳng qua cũng chỉ là mang trên thân mình một trọng trách giúp người, giúp đời.
Chẳng vậy mà trong Điều thứ 22 thuộc 24 điều cáo dụ của vua Lê Thánh Tông đặt ra cho dân xã toàn quốc có ghi: “Những người làm quan phủ, huyện, mà biết khuyên bảo dân gian làm điều nghĩa, khiêm nhường, có quan Thừa – chính, Hiến – sát xét thực, thì được cho vào hàng tốt; nếu ai không chăm dạy bảo dân, thì cho là người không xứng chức” – (Tài liệu về vua Lê Thánh Tông tại Thư viện Quốc gia).
Trách nhiệm, việc làm phải xứng với chức tước, địa vị, chứ không phải quyền lợi, của cải phải xứng với chức tước, địa vị.
Vậy nếu hiểu rằng có được chức quan kèm theo quyền hành và lợi ích là để quay lại làm điều tốt cho dân, cho nước, thì những chính khách chân chính sẽ đều hành động như ngài Tổng thống Phần Lan trong những trường hợp tương tự.
Chú thích:
(*) nông tang: chỉ nghề làm ruộng (nông) và nghề nuôi tằm (tang)
Nghỉ hưu sớm có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức
Các nhà khoa học tại Đại học Binghamton, New York cho biết, việc nghỉ hưu sớm có thể đẩy nhanh sự suy giảm nhận thức ở người cao tuổi, làm giảm chất lượng cuộc sống đồng thời gây ra hậu quả tiêu cực về phúc lợi.