Tổng thống Trump hết cửa lật ngược kết quả bầu cử
Chiếu theo luật pháp Mỹ, tổng thống đương nhiệm gần như không còn cơ hội kéo dài các nỗ lực pháp lý nhằm thay đổi kết quả kiểm phiếu tại một số bang theo hướng có lợi cho bản thân.
10:30 10/12/2020
Trong nhiều tuần kể từ khi cuộc đua vào Nhà Trắng ngã ngũ, đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump kiên trì theo đuổi các vụ kiện ở một loạt bang chiến địa với cáo buộc quá trình kiểm phiếu bị thao túng.
Những nỗ lực nói trên đều trực chỉ vào mục tiêu mở ra cánh cửa giúp Tổng thống Trump xoay chuyển tình thế và níu lấy hy vọng tái đắc cử.
Tuy nhiên, cánh cửa ấy đã giờ đây trở nên hẹp hơn bao giờ hết, theo CNN.
Ngày “khóa cảng”
Theo quy định của Hiến pháp, các bang buộc phải xác nhận danh sách đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 8/12.
Sáu ngày sau, tức ngày 14/12, 538 đại cử tri từ 50 bang và đặc khu Columbia (tức thủ đô Washington) sẽ chính thức bỏ phiếu nhằm xác định chủ nhân Nhà Trắng cho nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, các đại cử tri được quyền đi bầu sớm từ ngày 8/12.
Vì tính chất quan trọng nói trên, cột mốc 8/12 được báo giới Mỹ gán tên gọi “ngày khóa cảng”, bởi sau ngày này, kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng gần như sẽ an bài một cách hợp pháp và chính danh
“Ngày khóa cảng” là một phần trong Đạo luật Kiểm đếm Phiếu đại cử tri được ban hành năm 1887, sau khi bốn bang ở Mỹ không đồng nhất trong việc trình danh sách đại cử tri lên Quốc hội. Đạo luật này được thông qua để tránh lặp lại trường hợp tương tự.
Theo phân tích của AP và nhiều hãng thông tấn uy tín ở Mỹ, ông Biden đã đắc cử tổng thống Mỹ thứ 46 với 306 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump giành được 232 phiếu.
Tuy nhiên, vì đây chưa phải kết quả chính thức, Tổng thống Trump và các đồng minh đã từ chối nhận thua và liên tục cáo buộc cuộc bầu cử đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng gian lận kiểm phiếu.
Theo CNN, một khi Quốc hội chính thức xác nhận người chiến thắng nhờ giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri (dự kiến vào ngày 6/1/2021), mọi nỗ lực kiện tụng của phe Tổng thống Trump đều trở nên vô nghĩa.
“‘Ngày khóa cảng’ đặt dấu chấm hết cho hy vọng của những người kiên quyết phủ nhận kết quả bầu cử, bao gồm cả những nỗ lực pháp lý của liên minh ông Trump”, nhà phân tích Elie Honig của CNN nhận định.
Kịch tính còn ở phía trước
Nhiều bang hiện đã chứng nhận kết quả bầu cử của họ. Colorado, Hawaii và Missouri đã chứng nhận hôm 8/12, West Virginia dự kiến chứng nhận hôm 9/12.
Giờ đây, nhiều người trong nội bộ chiến dịch tái tranh cử của ông Trump dần hiểu rằng mọi nỗ lực cứu vãn tình thế của họ đều đang đi đến hồi kết, theo CNN.
Trước đó, vào ngày 8/12, Tòa án Tối cao Mỹ cũng đã từ chối yêu cầu của nhóm thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Pennsylvania về việc ngăn chặn chứng nhận kết quả bầu cử của bang. Đây chỉ là một trong hơn 30 vụ kiện của liên minh Tổng thống Trump bị xử thua hoặc bác đơn.
Dẫu vậy, điều đó không đồng nghĩa rằng đã hết chỗ cho các lùm xùm và tình tiết kịch tính liên quan đến cuộc bầu cử, CNN nhận định.
Cụ thể, luật pháp Mỹ quy định một bang chỉ có thể chốt danh sách đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống khi đã giải quyết “các tranh cãi hoặc mâu thuẫn về việc lựa chọn bất kỳ thành viên nào trong Đại cử tri đoàn”.
Hiện tòa án tại 6 bang bao gồm Arizona, Georgia, Michigan, Minnesota, Nevada và Wisconsin vẫn đang tiếp nhận đơn kiện từ phía liên minh Tổng thống Trump, do đó các bang trọng yếu này nhiều khả năng chưa thể chốt danh sách đại cử tri đúng vào “ngày khóa cảng” được.
Bên cạnh đó, các thành viên thuộc lưỡng viện Mỹ cũng có quyền quyết định liệu một bang nhất định đã đạt “trạng thái khóa cảng” - tức không còn xảy ra tranh chấp - để chốt đại cử tri hay chưa.
Điều này khiến một bộ phận cử tri ủng hộ đảng Dân chủ lo ngại rằng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ tìm cách trì hoãn khiến các bang chiến địa quan trọng không thể chốt danh sách đại cử tri ngay được, tạo cơ hội cho Tổng thống Trump nối dài các vụ kiện với hy vọng lật ngược kết quả bầu cử.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhất trí rằng bản thân các đơn kiện liên quan đến cuộc bầu cử là chưa đủ để ngăn một bang đạt “trạng thái khóa cảng” và nộp danh sách đại cử tri cho Quốc hội, trừ khi một thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao trực tiếp đưa ra chỉ thị cụ thể.
“Những vụ kiện trình lên Tòa án Tối cao đang chờ xử lý nhưng không mang lại hệ quả đủ lớn để thay đổi kết quả bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến việc chốt danh sách đại cử tri của các bang”, chuyên gia về luật bầu cử Edward Foley thuộc Đại học bang Ohio cho biết.
Do đó, dù Tổng thống Trump kiên quyết không nhận thua, quá trình hành pháp của Quốc hội vẫn sẽ giúp tìm ra chủ nhân Nhà Trắng cho bốn năm tới.
Nghẹn lòng trước điều tiếc nuối nhất của nghệ sĩ Chí Tài trước khi qua đời
Nghệ sĩ Chí Tài đã có những giây phút cuối đời quá đỗi cô đơn vì không có vợ bên cạnh.