Tổng thống Trump lập kỷ lục về trừng phạt, ông Biden có tiếp bước?

Dù có nhiều bất đồng về tầm nhìn và đường lối với người tiền nhiệm, ông Biden được dự đoán duy trì áp lực trừng phạt tương tự thời Tổng thống Trump.

00:30 14/12/2020

Kể từ khi ông Trump nhậm chức, chính quyền tổng thống Mỹ thứ 45 đã xác lập kỷ lục về tốc độ ban hành biện pháp trừng phạt với trung bình 3 lần áp lệnh mỗi ngày. Những lệnh trừng phạt này nhắm vào nhiều doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến Iran, Triều Tiên, Venezuela, Nga và Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Joe Biden và các cộng sự hứa hẹn được cho là đang có kế hoạch sẽ xem xét lại hoạt động giám sát các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều khả năng chính quyền tương lai vẫn sẽ duy trì tốc độ áp lệnh trừng phạt tương tự thời Tổng thống Trump, tờ Bloomberg nhận định.

"Kỷ lục trừng phạt" thời ông Trump

Với quyết tâm áp dụng cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” để giải quyết các vấn đề địa chính trị, chính quyền Tổng thống Trump đã xây dựng nhiều hình thức cấm vận kinh tế mới, kết hợp với những biện pháp trừng phạt liên quan đến thuế quan và kiềm tỏa trao đổi hàng hóa.

“Họ đã sử dụng những chiến lược này theo kiểu ‘liên hoàn cước’ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc và một số nước khác”, cựu cố vấn cấp cao Adam Smith của Bộ Tài chính Mỹ nhận xét.

chinh quyen Biden trung phat nhu the nao anh 1
Chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ của không ngại trừng phạt nhiều nền kinh tế có sức ảnh hưởng trên thế giới. Ảnh: USA Today.

Bất chấp những cảnh báo về rủi ro “lợi bất cập hại”, Tổng thống Trump đã thẳng tay áp một loạt lệnh trừng phạt lên nhiều nền kinh tế vừa và lớn như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran.

Theo hãng Gibson Dunn, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã áp đặt hơn 3.900 lệnh trừng phạt.

Trong số đó, Iran là một trong những “nạn nhân” bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi hứng chịu một chuỗi các biện pháp cấm vận vào năm 2018 sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được nhiều đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức hậu thuẫn.

“Tôi chưa thấy chính quyền nào sử dụng các công cụ này một cách nhuần nhuyễn đến thế”, ông Smith nhận định.

Duy trì áp lực trừng phạt

Tổng thống đắc cử Biden và các cộng sự hiện vẫn bỏ ngỏ khả năng giữ lại hay dỡ bỏ những lệnh cấm vận quốc tế được ban hành dưới thời ông Trump, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn với CNN hồi tháng 9, ông Biden cho biết chính quyền tương lai sẽ “tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền của Iran, sự hỗ trợ của nước này đối với chủ nghĩa khủng bố và chương trình tên lửa đạn đạo”.

chinh quyen Biden trung phat nhu the nao anh 2
Ông Biden từng lấp lửng về vấn đề trừng phạt trong bốn năm tới. Ảnh: AP.

Dựa trên dàn ứng viên nội các tiềm năng được công bố bởi liên minh ông Biden, giới quan sát dự đoán biện pháp cấm vận kinh tế và thương mại sẽ được áp dụng triệt để dưới thời tổng thống tương lai.

Điển hình, tờ Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Thứ trưởng Bộ Tài chính tương lai Adewale “Wally” Adeyemo dự định xem xét lại hoạt động của đơn vị Tình báo và Cấm vận Kinh tế (TFI) trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ.

“Chúng ta cần chú ý đến vai trò của Bộ Tài chính trong việc bảo vệ nền an ninh quốc gia, bao gồm biện pháp sử dụng lệnh trừng phạt để buộc người xấu phải chịu trách nhiệm”, ông Adeyemo khẳng định sau khi được tiết lộ đã lọt vào tầm ngắm của ông Biden cho vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính hôm 1/12.

Quá trình điều chỉnh hoạt động của TFI từ phía ông Adeyemo nhiều khả năng sẽ phụ thuộc đáng kể vào cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với biện pháp sử dụng các lệnh trừng phạt nhằm duy trì vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.

chinh quyen Biden trung phat nhu the nao anh 3
Chủ tịch Adewale “Wally” Adeyemo của Quỹ Obama là ứng viên hàng đầu cho ghế Thứ trưởng Bộ Tài chính dưới thời ông Biden. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, ông Biden sẽ phải thận trọng bởi phạm trù áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ hiện khá rộng và khó quản lý, do đó dễ gây phản tác dụng đối với nền kinh tế nước này, Bloomberg nhận định.

“Mức độ ảnh hưởng của các chính sách cấm vận có liên quan đến nhiều ngành kinh tế khác nhau, tôi nghĩ đó là điểm khiến nhiều biện pháp trừng phạt trở nên rủi ro hơn”, chuyên gia Justine Walker nhận xét.

Dù được dự đoán sẽ duy trì áp lực cấm vận tương tự thời ông Trump, chính quyền tổng thống đắc cử Biden lập luận rằng nước Mỹ trong tương lai sẽ dùng biện pháp trừng phạt một cách có hệ thống và có chủ đích hơn, với hai đối tượng cụ thể là Nga và Trung Quốc - những nước có tôn chỉ ngoại giao và đường lối theo đuổi lợi ích kinh tế xung đột với Mỹ.

Trên cơ sở đó, giới phân tích kỳ vọng các hoạt động trừng phạt của chính quyền ông Biden sẽ có xu hướng xây dựng mạng lưới liên minh đa phương thay vì gây mâu thuẫn và tạo thù địch như thời ông Trump.

“Tôi trông đợi một chiến lược tổng thể hướng đến các đối tác và liên minh đa phương, tận dụng mọi cơ hội để hình thành khối đồng minh thống nhất với mục tiêu yêu cầu Trung Quốc xem xét lại hành vi của họ”, cựu Bộ trưởng Tài chính Adam Szubin phát biểu hôm 1/12.

“Tôi không nghĩ họ (chính quyền Biden) sẽ giảm quy mô áp lệnh trừng phạt, mà họ sẽ sử dụng chúng hiệu quả hơn”, cựu đại sứ kiêm điều phối viên Bộ Ngoại giao Daniel Fried dự đoán. “Tôi cho rằng họ sẽ hạn chế sử dụng các biện pháp cấm vận theo kiểu hú họa - tức chỉ muốn chứng minh bản thân cứng rắn”.

Tags:
Viễn cảnh Trump trở lại năm 2024 khó thành hiện thực

Viễn cảnh Trump trở lại năm 2024 khó thành hiện thực

Trump đã nhiều lần nói về giấc mơ tái tranh cử năm 2024, nhưng giới phân tích nhận định khó có khả năng ông trở lại đường đua này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất