Top 10 tin thế giới nóng nhất 2018: Đối đầu Mỹ-Trung, Bắc Kinh điêu đứng
Từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đến thượng đỉnh Mỹ-Triều, năm 2018 đã trôi qua với nhiều sự kiện nổi bật mang tính lịch sử, được đánh giá có thể ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống kinh tế-chính trị thế giới nhiều năm sau này.
21:30 29/12/2018
Sau đây là những sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm qua, theo đánh giá của ban biên tập ĐKN:
1. Đối đầu Mỹ-Trung, Bắc Kinh điêu đứng
Ngày 6/7 được xem là phát súng đầu tiên khai hỏa cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đúng 0h sáng ngày 6/7, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Ngay sau đó, Mỹ công bố kế hoạch đánh thuế tiếp theo nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác từ Trung Quốc với 284 mặt hàng. Đáp trả, Trung Quốc đánh thuế 25% với 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 34 tỷ USD.
Tính đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã 3 lần áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và luôn đe dọa nâng gấp đôi con số này. Trung Quốc cũng đáp trả bằng thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ. Hiện nay 2 nước đang trong thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày để đàm phán, nhưng không ai biết trước được điều gì, đặc biệt sau khi Mỹ yêu cầu bắt Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu ở Canada. Điều đó có nghĩa 2019 có thể là một năm không thể đoán trước đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận, hoặc tất cả có thể sụp đổ, và cuộc chiến thương mại có thể leo thang một lần nữa.
Không chỉ đối đầu với Trung Quốc trên mặt trận thương mại, Washington còn khiến Bắc Kinh “đứng ngồi không yên” trên nhiều mặt trận khác, như nhiều lần điều tàu chiến và máy bay ném bom thực hiện tự do điều hướng ở các vùng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Nhà Trắng cũng thông qua luật về Tây Tạng để thách thức những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
2. Thượng đỉnh Mỹ-Triều
Vào ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp gỡ lịch sử tại Khách sạn Capella trên đảo Sentosa, Singapore. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tại nhiệm gặp gỡ một nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, trong khi đó ông Kim tái khẳng định cam kết “kiên định và vững chắc” để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ song phương mới thể theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. Hai nước sẽ cùng nhau xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, tuyên bố chung không đưa ra bất kỳ kế hoạch, phác thảo hay bằng chứng cụ thể nào về phi hạt nhân hóa nói trên. Cho đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nên nhiều người tỏ ý nghi ngờ liệu Kim Jong-un có ý định giữ lời hứa hay không. Ông Kim sau đó nói với các quan chức Hàn Quốc rằng ông muốn phi hạt nhân hóa trước khi nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump kết thúc vào năm 2021.
3. Triều đại Castro kết thúc ở Cuba
Thật khó tưởng tượng Cuba không ở dưới sự lãnh đạo của anh em nhà Castro, nhưng năm 2018, Quốc hội Cuba đã bầu Miguel Díaz-Canel làm chủ tịch tiếp theo của quốc gia này. Ông Raúl Castro đã từ chức năm 2018 ở tuổi 86. Người kế nhiệm ông, Miguel Díaz-Canel, trước đây là một người quyền lực trong đảng cộng sản Cuba và từng làm Phó Chủ tịch.
“Có một người không có tên gia đình hay cùng hào quang của cách mạng là một sự thay đổi lịch sử … Tôi không mong đợi trong sáu tháng đầu tiên của ông ta, chúng ta sẽ chứng kiến một loạt thay đổi mạnh mẽ. Nhưng ông ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng và những câu hỏi về tính hợp pháp của mình”, Geoff Thale, Phó Chủ tịch chương trình tại Văn phòng Washington của Latin America, đã nói chuyện với ABC News về sự kiện trúng cử của ông Díaz-Canel.
4. Vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga tại Anh
Hôm 4/3, cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ông được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh và được kết luận bị đầu độc tại TP Salisbury, Anh. Phía London cáo buộc Moscow liên quan đến vụ hạ độc hai cha con cựu điệp viên Skripal, và ban hành lệnh bắt giữ hai công dân Nga vì thực hiện vụ đầu độc ông Skripals hồi tháng 9. Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ mọi cáo buộc của phía London.
Vụ hạ độc cựu điệp viên Skripal đã khiến quan hệ giữa Nga và Anh cũng như các nước phương Tây leo thang căng thẳng. Với cáo buộc Nga chịu trách nhiệm vụ đầu độc ông Skripal, các nước phương Tây đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống Nga. Trong một động thái trả đũa, phía Moscow cũng trục xuất hàng chục nhà ngoại giao các nước phương Tây.
5. Mỹ lên tiếng vì tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc
Năm 2018 là một năm tiếp theo mà thực trạng vi phạm nhân quyền, trong đó có tự do tín ngưỡng, ở Trung Quốc là một vấn đề gây quan ngại sâu sắc.
“Chiến đấu vì tự do tín ngưỡng phải là một phần quan trọng trong mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc”, Nghị sỹ Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ kêu gọi trong bài xã luận của ông trên Politico Magazine ngày 25/10. Ông đề cập đến tình trạng Bắc Kinh “bắt giữ các mục sư Cơ Đốc giáo, đốt Kinh Thánh và phá hủy các nhà thờ Thiên Chúa giáo”, “giam cầm hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Kazakh vào các trại truyền bá”, và “từ lâu đã đàn áp tự do của các Phật tử Tây Tạng, cũng như những người tập luyện Pháp Luân Công”.
Nghị sỹ Chris Smith, Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Nghị viện Mỹ về Trung Quốc, nói với VOA rằng ông hy vọng Tổng thống Trump sẽ hành động “rất quyết liệt” đối với vấn đề này của Trung Quốc. “Ông ấy đã cứng rắn [với Trung Quốc] về thương mại, giờ đã đến lúc Tổng thống phải rất cứng rắn về vi phạm nhân quyền [ở Trung Quốc]”.
Theo VOA, chính quyền Trump đã bày tỏ cam kết đối với thực trạng này ở Trung Quốc. Là một người theo đạo Cơ Đốc, Tổng thống Trump hồi tháng 2 tuyên bố Hoa kỳ là “quốc gia của những người tín ngưỡng” và quyết tâm sẽ bảo vệ các sinh mệnh có đức tin trên khắp thế giới.
Video: Bản tin của VOA có phát biểu của Nghị sỹ Smith về nhân quyền ở Trung Quốc
6. Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngày 8/5, Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký năm 2015 nhằm hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo. Tổng thống Trump chỉ trích thỏa thuận hạt nhân này không ngăn chặn việc Iran tiếp tục phát triển bom hạt nhân. Trong tháng 8, chính quyền Washington đã tái áp đặt vòng 1 các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Chính quyền Mỹ cũng khôi phục toàn bộ lệnh trừng phạt chống Tehran từ tháng 11.
7. Nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi bị sát hại
Vào ngày 2/10, nhà báo mang quốc tịch Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi đã mất tích sau khi đi vào Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục kết hôn. Sau 2 tuần phủ nhận, chính phủ Ả Rập Saudi đã phải thừa nhận nhà báo Khashoggi đã bị một nhóm đặc vụ “nổi loạn” sát hại. Sau đó, Riyadh đã cho truy tố 11 người, trong đó 5 nghi phạm có thể lĩnh án tử hình.
Vụ giết hại nhà báo Khashoggi đã dấy lên làn sóng phẫn nộ toàn cầu bởi tính chất man rợ, khiến cho danh tiếng của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammad bin Salman bị tổn hại nghiêm trọng. Các nước Mỹ, Pháp, Đức đã áp lệnh trừng phạt với những quan chức bị nghi ngờ liên quan đến sự việc. Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua nghị quyết cáo buộc Thái tử ra lệnh giết nhà báo Khashoggi.
8. Tiền ảo lao dốc
Ngành công nghiệp tiền điện tử đã đạt đến đỉnh điểm vào tháng 1/2018, với giá Bitcoin gần chạm 20.000 USD. Nhưng kể từ đó, nó đã bị mất hơn 670 tỷ USD vốn hóa. Trong nhiều năm, người ta vẫn nghi ngờ về giá trị của các loại tiền điện tử như Bitcoin. Mỗi Bitcoin hiện chỉ giao dịch quanh 4.000 USD, thậm chí có thời điểm xuống sát 3.000 USD. Các đồng tiền nhỏ từng được kỳ vọng cao, như Ethereum hay Ripple, cũng mất giá tới 90% trong năm nay.
Tiền ảo lao dốc đẩy hàng loạt nhà đầu tư vào cảnh tay trắng, thậm chí nợ nần. Máy đào Bitcoin bị bán tháo như sắt vụn. Các cơ sở đào Bitcoin phải đóng cửa. Giga Watt, công ty Mỹ nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác Bitcoin, tháng 11 đã nộp đơn xin phá sản với khoản nợ 10-50 triệu USD.
9. Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ năm 2018
Đảng Dân chủ đã lật đổ 41 ghế trong Hạ viện và giành lại quyền kiểm soát từ đảng Cộng hòa. Trong khi đó, đảng Cộng hòa gia tăng thế đa số tại Thượng viện. Chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện đã chấm dứt sự kiểm soát thống nhất Nghị viện của đảng Cộng hòa. Điều này đánh dấu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, trong đó ít nhất một phòng của Nghị viện chuyển sang đảng không phải của tổng thống. Trong các cuộc bầu cử thống đốc, đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát 7 chính phủ tiểu bang và phá vỡ sự kiểm soát thống nhất của đảng Cộng hòa ở 4 chính quyền bang. Đảng Cộng hòa đã thiết lập quyền kiểm soát thống nhất ở Alaska bằng cách giành đa số tại Hạ viện Alaska và chiến thắng cuộc đua thống đốc Alaska.
Cuộc bầu cử được đặc trưng bởi sự tham gia của cử tri tương đối cao, vì tỷ lệ cử tri đạt mức cao nhất trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ kể từ năm 1914. Trong chiến dịch tranh cử, đảng Dân chủ tập trung vào chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là bảo vệ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (còn gọi là Obamacare) và giữ các biện pháp bảo vệ cho các cá nhân có điều kiện từ trước. Đảng Cộng hòa tập trung vào các loại thuế (đặc biệt là Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017), cũng như nỗi sợ hãi về nhập cư và chủng tộc. Đã có cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong các cuộc bầu cử này. Một số người coi cuộc bầu cử là một chiến thắng lớn cho đảng Dân chủ, trong khi những người khác cho rằng lợi ích của đảng Dân chủ là đáng chú ý nhưng kết quả họ đạt được khá khiêm tốn so với các cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây của đảng đối lập.
10. Phong trào #Metoo
Phong trào #MeToo bắt đầu vào năm 2017 nhưng đã thống trị các câu chuyện tin tức vào năm 2018. Những người đàn ông quyền lực đã bị buộc tội tấn công và quấy rối tình dục trong năm nay. Bill Cosby bị kết án tù. Ông trùm Hollywood thất sủng Harvey Weinstein bị buộc tội hiếp dâm. Les Moonves bị lật đổ với tư cách là giám đốc điều hành hàng đầu tại CBS sau khi hàng tá phụ nữ cáo buộc ông có hành vi tình dục sai trái.
Đại Kỷ Nguyên News
Đoàn du khách Việt Nam trúng bom ở Ai Cập
Hôm thứ Sáu (28/12), một quả bom bên đường đã phát nổ khi một chiếc xe buýt chở khách du lịch chạy ngang tại một khu vực gần Kim tự tháp Giza, làm chết 2 du khách Việt Nam và làm 12 người khác bị thương, Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết thông tin trong một thông báo, theo AP.