'TPP không có Mỹ vẫn rất hấp dẫn'

Nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ lạc quan về tương lai của TPP mà không có Mỹ.

09:00 16/10/2017

Các thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP dự kiến nhóm họp bên lề Hội nghị cấp cao APEC vào đầu tháng 11 tại Đà Nẵng, để đưa ra quyết định cuối cùng.

Ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA), chia sẻ với VnExpress nhận định của mình từ góc độ một chuyên gia đàm phán.

tpp-khong-co-my-van-rat-hap-dan

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. Ảnh: NK

- Ông trông đợi gì ở cuộc gặp của các thành viên TPP sắp diễn ra?

TPP được 12 nước ký ngày 4/2/2016 tại Auckland, New Zealand, sau 5 năm đàm phán khó khăn. Nhưng vào 23/1, sau vài ngày nhậm chức, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp rút khỏi Hiệp định này.

Vừa qua, đại diện 11 nước thành viên còn lại đã gặp nhau, tổ chức mấy vòng đàm phán. Chưa có thông tin cụ thể, nhưng theo suy nghĩ cá nhân, tôi hy vọng và tin tưởng các nước sẽ thống nhất được vào dịp APEC 2017 này, để ra tuyên bố tiếp tục thực hiện TPP dù không có Mỹ. Sở dĩ như vậy vì các nước đều mong muốn, đều tìm thấy lợi ích ở TPP, trước hết là những nước có kinh tế mạnh hơn như Nhật Bản, Australia, New Zealand...

- Như vậy sẽ có một TPP không có Mỹ, trong lúc TPP vốn được coi là "sản phẩm" được thúc đẩy chủ yếu bởi người Mỹ. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Mỹ đã "cầm cái" trong quá trình đàm phán TPP. Những gì đạt được trong TPP, trước hết là đảm bảo lợi ích của , của các tập đoàn kinh tế Mỹ. TPP cũng là sản phẩm của dòng chảy toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa được thúc đẩy, kinh tế thế giới càng mở, lợi ích nước Mỹ, lợi ích các tập đoàn kinh tế Mỹ càng nhiều.

Nay Mỹ không tham gia, TPP có một sự hụt hẫng nhất định. Thứ nhất, trước đây Mỹ là trụ cột kinh tế chính trong TPP, nay cột trụ bị rút đi, cái khung sẽ yếu hơn, dễ xiêu vẹo khi có gió bão. Mỹ chiếm 62% GDP của cả khu vực TPP, thị trường rộng lớn, vốn là nơi các nền kinh tế khác trên thế giới tìm đến, khai thác. Khi quyết định tham gia TPP, các nước đều có ý trông đợi vào thị trường Mỹ.

Thứ hai, không có Mỹ, TPP mất đi một động lực, một sức ép mạnh trong quá trình thực hiện. Các "uy" của Hoa Kỳ không chỉ là sức mạnh trên vũ đài kinh tế, nó còn là sức mạnh tổng hợp nhiều lĩnh vực khác. 

Với Việt Nam, tôi theo dõi từ khi ký BTA vào năm 2001 đến nay, thường thì những gì cam kết với Mỹ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại được ta thực hiện nghiêm hơn.

- Nay TPP không có Mỹ, 11 nước thành viên còn lại sẽ phải xem xét nội dung Hiệp định để có một TPP phù hợp hoàn cảnh mới, thành phần mới. Theo ông, nội dung Hiệp định sẽ được chỉnh sửa thế nào?

- Vừa qua đại diện 11 nước đã gặp nhau, đã bàn về chuyện này. Tôi nghĩ rằng Hiệp định TPP sẽ có một số điều chỉnh, nhưng chắc là không nhiều, không quan trọng lắm. Bởi lẽ, nguyện vọng chung các thành viên TPP là muốn vận động Mỹ quay trở lại. Để Mỹ quay trở lại thì không thể cắt bỏ những cái mà nước này đã cài đặt trong Hiệp định rất nhiều, rất chặt, đặc biệt ở những lĩnh vực như: Lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, minh bạch và chống tham nhũng, giải quyết tranh chấp, chính sách cạnh tranh, và các lĩnh vực dịch vụ mà Mỹ có thế mạnh...

Việc Mỹ quay trở lại TPP cũng là một khả năng chưa vội sớm loại trừ. Tổng thống Trump muốn gỡ bỏ hết những di sản ông Obama để lại, nhưng thực tiễn gần một năm điều hành cho thấy việc đó không hề đơn giản, dễ dàng.

Quan trọng hơn, TPP là lợi ích của nhiều tập đoàn kinh tế Mỹ, họ sẽ không dễ dàng để lợi ích của họ bị cắt xén. Họ sẽ tập hợp, hành động và tìm mọi cách để giữ lợi ích của họ.

tpp-khong-co-my-van-rat-hap-dan-1

Lãnh đạo các thành viên TPP gặp nhau bên lề hội nghị APEC cuối năm 2016. Ảnh: Straits Times

- Trong khả năng 11 thành viên còn lại ra được quyết định cuối cùng về TPP tại Đà Nẵng, Việt Nam cần làm gì để khai thác lợi thế khi tham gia Hiệp định này?

- Thái độ của Việt Nam đã rất rõ ràng và đúng đắn, đó là hoan nghênh chủ trương tiếp tục tham gia TPP. Vấn đề làm gì và làm thế nào để khai thác lợi thế lại là chuyện cần bàn kỹ, bàn sâu, ở đây tôi chỉ có thể nói vài điểm ngắn gọn.

Trong Hiệp định TPP và cả trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU -EVFTA (gọi là các FTA thế hệ mới), có đầy đủ quy tắc, quy phạm và chế tài mạnh để giúp Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh tốt hơn, đuổi kịp với dòng chảy toàn cầu hóa, khai thác tốt nhất dòng chảy này.

Nhìn thật sâu vào quá trình hội nhập 30 năm qua của Việt Nam, thấy con thuyền hội nhập vẫn bập bềnh trên dòng chảy. Ta đã có tiến bộ, ta đã gặt hái được một số kết quả, nhưng chưa hề có một chiến lược hội nhập bài bản.

Việt Nam đã điều chỉnh bổ sung pháp luật, nhưng chủ yếu là do sức ép các cam kết quốc tế, nhiều khi không phải do ta chủ động. Chúng ta đã triển khai nhiều việc để thiết kế kinh tế thị trường nhưng chủ yếu là do sức ép cạnh tranh; chỗ nào sức ép yếu ta vẫn chần chừ, do dự.

Do đó, trên cơ sở nhận thức mới, ta cần nhận diện thật rõ nền kinh tế Việt Nam đang ở độ nông, sâu nào trong dòng chảy toàn cầu hóa và xem kinh tế thị trường Việt Nam và kinh tế thị trường thế giới còn vênh chỗ nào.

Từ các yếu tố trên, tôi hiểu rằng TPP không có Mỹ vẫn hấp dẫn và nói chung các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục là cú hích. Không chỉ cú hích thị trường và đầu tư, mà quan trọng hơn với những quy định, những cam kết trong các hiệp định đó, Việt Nam phải vươn lên để vận hành một nền kinh tế mở, minh bạch, bình đẳng với mọi thành phần. Đó là bước phát triển mới.

- Đâu là những việc cụ thể, triển khai được ngay để đón đầu TPP?

- Việc phải làm không chậm trễ là dọn sạch rác bẩn đang cản trở dòng chảy như nạn tham nhũng tràn lan, như sự chi phối của lợi ích nhóm, như cách quản lý đây đó theo kiểu "hành là chính", vấn nạn giấy phép con, giấy phép cháu... Các quy định trong TPP và EVFTA không cho phép tồn tại những cản trở đó, và sẽ hỗ trợ chúng ta xử lý những vấn nạn này.

Khi TPP và rồi đây EVFTA vào hiệu lực, phải có chương trình kế hoạch thực thi một cách nghiêm túc các cam kết. Xin lưu ý các Hiệp định này chỉ có hiệu lực với anh, sau khi họ kiểm tra thấy việc chuẩn bị của anh (như sửa đổi bổ sung luật pháp) đạt yêu cầu.

Cần xây dựng một chiến lược hội nhập bài bản, phần trọng tâm trong chiến lược này là kết nối, xây dựng chuỗi. Kết nối ngang - dọc, trong - ngoài, kết nối chung và kết nối từng lĩnh vực. Chiến lược phải trên cơ sở phân tích lợi ích kinh tế Việt Nam và nhu cầu, trình độ xu hướng phát triển của kinh tế thế giới. Chiến lược kết nối phải gắn chặt với cách mạng công nghệ 4.0...

Một chiến lược đúng sẽ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và cùng nhau triển khai, cùng theo đuổi một mục tiêu, không để mạnh ai nấy chạy, không để các yếu tố tiêu cực của kinh tế thị trường chi phối.

Tags:
Guam sẽ bị Bắc Hàn tấn công nếu TT Trump vẫn hăm doạ

Guam sẽ bị Bắc Hàn tấn công nếu TT Trump vẫn hăm doạ

Bắc Hàn hăm dọa sẽ tấn công đảo Guam của Hoa Kỳ bằng hỏa tiễn, cảnh cáo rằng những phản ứng và những hành động quân sự của Tổng Thống Donald Trump đang đẩy Bình Nhưỡng đến bờ vực.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất