Trái tim không thiên di
Mùa hè năm 2000, ở tuổi 18, cùng với ba và anh chị, tôi rời quê hương sang Mỹ. Tôi bước vào chuyến đi không hẹn nổi ngày về khi ấy với ước mơ đổi đời, ráng làm việc kiếm tiền giúp đỡ gia đình qua hồi bĩ cực và khám phá các tiểu bang, thành phố hay những thắng cảnh danh lam chỉ được xem qua ti vi, sách báo trước đó.
22:41 22/09/2023
Ước mơ hồi nhỏ giản đơn là mai sau "làm Việt kiều" quay lại TP.HCM, ăn ly kem Ý Goody trên đường Hai Bà Trưng, tới Thảo Cầm Viên mua bịch sơ ri chua chấm muối, hoặc thả cửa ăn bò bía, bột chiên mà không cần hỏi giá.
Khi cả nhà vào làm thủ tục, qua tấm kính sân bay để bước vào nơi mà người ta kêu bằng một cái tên rất hãi hùng - "phòng cách ly", tôi cắn chặt môi không dám cho mình khóc. Tôi không biết khi nào mới được quay trở lại… 5 năm, 10 năm hay mãi mãi cũng không chừng? Rồi lúc nào mới có thể ôm người má ốm đau của tôi vào lòng thêm lần nữa? Đó là lần bắt đầu cho những chuyến thiên di dằng dặc của đời mình. Chuyến đi đã lấy của tôi niềm vui, nước mắt, tháng năm tuổi trẻ và bao êm ấm của cuộc sống gia đình.
Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân tới Mỹ, giữa bao nôn nao chen lẫn háo hức của tuổi trẻ, tôi ngậm ngùi nhận ra mình không thuộc về nơi này. Mọi thứ xung quanh vô cùng lạc lõng. Tôi như kẻ đứng bên lề cuộc sống, đưa đôi mắt buồn nhìn quanh và tự hỏi, mình sẽ làm gì trên đất nước xa lạ này?
Vậy mà đã hơn 20 năm, câu hỏi ngày ấy vẫn hay xuất hiện vào mỗi chiều lái xe đi làm về lúc hoàng hôn phủ bóng. Tôi vẫn chưa thể hòa nhập. Tôi không thể yêu nước Mỹ nhưng cũng không ghét bỏ. Bởi có một sự thật không thể nào chối cãi: mọi thành công, danh vọng, tiền bạc, tiếng tăm tôi có được ngày hôm nay cũng từ hai mươi mấy năm viễn xứ của mình.
Nước Mỹ đã là một phần đời không thể thiếu trong tôi!
Ba năm sau, hơn những ngàn ngày, vào mùa hè 2003 tôi quay trở lại Việt Nam một cách muộn màng, khi không thể vuốt mắt tiễn đưa má tôi về miền vĩnh cửu. Cũng như nhiều năm sau đó, tôi cũng chỉ kịp về nhìn ba lần cuối qua tấm gương mờ ảo, trước khi tiễn ông về với thiên thu. Tôi như đứa trẻ bơ vơ giữa dòng đời lạc lõng, xoay quẩn xoay quanh không thấy đâu bến bờ. Tôi không biết phải làm gì để tìm lại động lực sống? Tôi chẳng biết phải tiếp tục những ngày kế tiếp như thế nào khi gần như chết lặng. Choáng váng, vật vã đến tận 10 năm.
Và rồi, những chuyến đi khắp cùng thế giới và dọc chiều dài nước Việt ngắm nhìn quê hương xứ sở như liều thuốc cứu rỗi linh hồn.
Ở tuổi 20, tôi đã đi gần hết Việt Nam. Đến thủ đô Hà Nội thân yêu, đi vòng hồ Gươm mà thương trái tim thủ đô quá đỗi. Lên tận Sa Pa (Lào Cai), ngồi thuyền đi giữa hồ Ba Bể ở Bắc Kạn. Ghé Huế trầm mặc, tới Đà Nẵng sôi động nắng vàng, ngồi thong thả bên sông Hoài bình yên giữa phố cổ Hội An ăn chén chè đậu váng quá đỗi ngọt ngào. Xuống Hà Tiên (Kiên Giang), An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre nghe vọng cổ 6 câu trên dòng Cửu Long. Lên Đà Lạt, rét run người giữa cái lạnh sớm mai. Ngồi tư lự giữa rừng núi Ban Mê (Đắk Lắk), nghe gió ngàn phương réo gọi…
Ở tuổi 30, tôi đã đặt chân đến hết 50 bang nước Mỹ. Đi qua gần 120 nước Á, Âu, Nam Mỹ, Úc, sang tận châu Phi. Những chuyến đi chủ yếu một mình. Với ba lô, máy ảnh, điện thoại, ít tiền mặt và thẻ tín dụng, tôi lang thang khám phá, tìm hiểu thêm về văn hóa, con người, món ăn khắp chốn mà không ghi chép lại gì.
Tôi đã đi thuyền dọc những con sông huyền thoại: Nile, Amazon, Danube, Mê Kông; ghé thăm Paris lấp lánh ánh đèn màu, New York đêm dài không ngủ, London trầm mặc bên tiếng chuông tháp Big Ben, Buenos Aires rợp trời phượng tím. Rồi Lumbini, Jerusalem, Bethlehem tâm linh khởi nguồn các tôn giáo. Có những ngày len lỏi trong các con phố đầy tội phạm ở El Salvador hay Rio de Janeiro. Sang tận Ba Lan, Romania, Bulgaria hay Croatia màu sắc.
Ở tuổi 40, nhất là sau đại dịch Covid-19, tự nhiên tôi thấy những chuyến đi khắp địa cầu nhàm chán dần. Mục tiêu mỗi năm đi 10 hay 15 nước không còn làm tôi háo hức nữa.
Và rất may tôi còn có biển, có đồng, có xứ sở quê hương để quay về mỗi khi chồn chân mỏi gối.
Bạn bảo, thôi chán thì cứ về Việt Nam sống vài năm, không thích nữa thì qua lại Mỹ. Tôi từng nộp đơn xin vào một công ty khá lớn. Nhưng ánh mắt của 2 đứa cháu ẵm bồng từ bé nhìn tôi hoang hoải. Tôi còn những người thân cần giúp đỡ. Nước Mỹ giống như rễ chùm rễ cọc chảy tràn trong cơ thể.
23 năm sống ở Mỹ, 21 năm làm cho một công ty, tôi có những đặc quyền riêng mà ít ai có được. Tôi nghỉ lúc nào tôi muốn. Có thể về Việt Nam khi buồn. Có khi 5 - 6 lần mỗi năm. Ngắn thôi, không thể kéo dài cả tháng như thời sinh viên. Nhưng nhiêu đó thời gian cũng đủ cho tôi ghé lại phố xá Sài Gòn, về Ninh Hòa, và đi dọc chiều dài nước Việt.
Tôi đã kịp trở lại Hội An, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ hay nhiều thành phố khác. Cuộc sống đổi thay nhanh quá. Đất nước phát triển, nhà cao tầng khắp nơi, xe cộ chạy đầy đường dù hơi vật vã với kẹt xe và bụi bặm. Sài Gòn-TP.HCM vẫn đẹp và nhân từ như trăm năm trước, sẵn sàng dang rộng đôi tay ấm áp, cưu mang hết thảy những người tứ xứ. Tôi nhìn ra sự thay đổi từng ngày của phố xá, sự năng động của các bạn trẻ gen Z đẹp đẽ, thông minh và chân dài cao ráo. Hàng quán mọc lên như nấm, KFC, Burger King, Popeyes, Pizza Hut, Dominos… chễm chệ trên nhiều góc phố trung tâm. Starbucks, Mc Donalds nằm ở những đường đẹp nhất. Rồi metro xây xong, hy vọng TP sẽ trở mình thành một metropolis (siêu đô thị) như London, Tokyo hay Los Angeles.
Nha Trang sau dịch đã sôi động trở lại. So với giai đoạn trước 2019 thì có thể không bằng nhưng nhìn du khách đông nghịt dọc đường Trần Phú và những phòng khách sạn sang trọng sáng đèn ở Bãi Dài (Cam Ranh) tự nhiên cũng thấy vui. Ninh Hòa vẫn bình yên. Cái thời mới bắt đầu mở cửa, cả xóm chỉ có mỗi một cái ti vi trắng đen, đêm đêm tụ tập lại coi rồi cãi lộn ồn ào, chí mẹ chí con đầy đầu đã chìm sâu vào dĩ vãng.
Đất nước chuyển mình như vũ bão. Lúc tôi đi, xe máy bắt đầu tràn ngập phố phường. Giờ thì đâu cũng thấy ô tô. Mấy năm trước, tìm xe chở đi đâu khó vô cùng. Giờ thì chỉ cần gọi một tiếng thôi, 5 phút sau, xe dịch vụ đầy đủ tiện nghi tới tận cửa nhà đưa đón.
Bạn bảo cao tốc TP.HCM - Nha Trang sắp xây xong rồi. Cuối năm về là mua vé giường nằm đi cái vèo là tới. Nghe xong tự nhiên nhớ mấy chuyến xe đò chật chội từ Nam chí Bắc, ghé Ninh Hòa chở chúng tôi vào TP.HCM làm hồ sơ xuất cảnh. Nhớ quán cơm tù dọc quốc lộ 1 đầy ám ảnh. Nhớ sân bay Nha Trang nhỏ bé, ngày lèo tèo vài chuyến bay, mới 5 giờ chiều hải quan đã nghỉ không làm. Nhớ chiếc máy bay ATR với cánh quạt cổ lỗ sĩ, mà bọn tôi hay bảo đó là "chuyến xe đò của Vietnam Airlines". Mỗi lần lễ tết, muốn về quê hay đi đâu chơi phải chạy vạy mua vé "khó như gì". Giờ thênh thang! Vé lúc nào cũng có từ sáng sớm tới tận tối khuya.
Trong dòng chảy lịch sử, di cư vốn là bản chất sinh tồn của nhân loại. Loài người luôn muốn đi đến nới khác để tìm cuộc sống (theo họ) tốt hơn. Trong những năm vừa qua, bạn bè tôi rời Việt Nam cũng nhiều bằng chương trình du học, định cư, đầu tư…. Có đứa thành công, có người thất bại. Có người an yên với cuộc đời mới, mở nhà hàng, làm chủ tiệm nail hay tiếp tục đường học vấn để lo cho tương lai của con cháu sau này. Cũng có đứa chán cuộc sống xa nhà, dắt díu vợ con về lại Việt Nam, tiếc hùi hụi vì đã bỏ lỡ mấy năm kiếm tiền "đỉnh chóp".
Minh Đông là bạn nối khố của tôi thời cấp ba nhiều mộng đẹp. Những năm đầu thập niên 2000, mỗi lần về, tôi hay cặp kè với Đông khi thì cà phê hẻm Trịnh, lúc thì ra quán Ngon ăn tô bún ốc, khi say lúy túy trong những đêm vũ trường Apocalypse. Khi ấy, bạn mới ra trường, vất vả ngược xuôi, nên hầu như những cuộc vui ấy tôi đều trả hết. Rồi bạn lấy cô vợ luật sư giỏi giang, biết thu vén, đẻ cái sinh con. Trong 10 năm phất lên thấy rõ. Hai bạn mua nhà, xe xịn, căn hộ triệu đô bên kia Thủ Thiêm nhìn về phía Q.1 thích quá trời. Dù ở đâu, bạn vẫn có một phòng dành cho tôi. Rồi Đông cũng muốn đi đâu đó, Úc hay châu Âu chẳng hạn để sống. Tôi chỉ cười, sang đó liệu có kiếm tiền như giờ và đủ thời gian vui chơi với con cái không?
Nam Trịnh, từng là người hâm mộ, giờ là bạn tôi cũng có nhiều năm sống ở New York và một vài tiểu bang miền Đông nước Mỹ. Nam làm về xuất nhập khẩu thực phẩm, đồ uống cho cả 2 thị trường nên bận rộn vô cùng. Rồi con gái ra đời. Một ngày, tự nhiên Nam nghĩ mình cần phải trở về để con được lớn trên quê hương, chứ không thể "lông bông" hoài trên quê người xứ lạ. Tôi vẫn hay gặp Nam mỗi khi về Sài Gòn. Khi thì ngồi cà phê, lúc thì nhậu vỉa hè. Nam bao giờ tâm trạng cũng thoải mái, không nhớ thương gì. Thích thì đạp xe lòng vòng. Buồn thì hú bạn bè làm vài chai. Tiền bạc kiếm được cũng đủ cho cả nhà nhàn hạ.
Bạn bè hầu như đứa nào cũng "thủ" cho mình một vài miếng đất hay căn nhà ở TP.HCM hoặc Nha Trang để mai sau có chỗ mà dưỡng già. Những ngày đất đai chưa sốt, tôi cũng kịp mua cho mình vài miếng đất nhỏ to gần biển, vùng quê lẫn trung tâm thị xã. Mua để đó thôi chứ chẳng bán lại làm gì. Sau này cho con với cháu. Còn không cứ xây căn nhà nho nhỏ, bên ao sen to, ngẫm nghĩ viết lách gì đó sau bao tháng năm miệt mài ở xứ người giông gió. Nhưng không bằng Uyên đâu nhé. Cô bạn cấp hai lấy chồng Thụy Sĩ, mở tiệm nail đắt như tôm tươi. Làm bao nhiêu tiền Uyên mua đất để dành hết. Tôi bảo giàu vậy thôi về hưởng cho rồi. Bạn cười, còn sức còn cày mà. Nghỉ sớm uổng lắm!
Thỉnh thoảng, Bảo Châu ở Chicago và Quỳnh Lan ở Los Angeles vẫn hay hùn tiền với tôi nhân dịp lễ tết để mua ít quà biếu tặng bà con hàng xóm nơi quê nhà. Tôi vẫn giữ liên lạc với thầy cô trường cũ. Mỗi năm gửi tặng vài triệu học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Không nhiều, nhưng cũng giúp các em một phần nào động lực trong hành trình học vấn dài phía trước. Đó là cách chúng tôi trả ơn trường lớp và quê nhà thời dĩ ngộ đã giúp đỡ mình.
Tôi nghĩ, khi đã sinh ra và lớn lên ở Việt Nam rồi phải tha hương, thì dù đi vì lý do gì, đi từ "phía bên nào" hay bằng cách nào, cũng đều mong muốn ngày về. Không làm gì to lớn, chỉ cần được đứng trên mảnh đất quê hương, nghe tiếng Việt chung quanh, gặp lại người thân và ăn một bữa cơm gia đình là vui lắm rồi. Còn không thì đi dọc chiều dài Việt Nam, xem thắng cảnh danh lam và nhìn đất nước trở mình như vũ bão thì còn gì thích thú cho bằng.
Viễn xứ luôn là một một nỗi đau đời, khi người ta tự rứt mình ra khỏi những mạch máu quê hương ruột thịt!
Năm 2023: 2 quy định mới về cấp sổ đỏ được đi vào thực hiện, người dân nên biết kẻo mất quyền lợi
Những quy định mới về cấp sổ đỏ dưới đây sẽ đi vào thực thi ai cũng nên biết sớm kẻo thiệt thòi.