Trăm nghìn cay đắng không ai hiểu khi gái Việt lấy chồng Tây
Có rất nhiều nỗi cay đắng mà những cô gái Việt lấy chồng nơi xa xứ phải chịu đựng, khó ai có thể hiểu được.
01:00 29/10/2021
Lấy chồng xa gia đình, người thân, đến một nơi hoàn toàn xa lạ để bắt đầu một cuộc sống mới là vì điều gì? Đó là câu hỏi mà bất kỳ nàng dâu Việt nào khi “gật đầu” cùng người yêu xây dựng tổ ấm đều tự trả lời cho chính mình. Những nàng dâu Việt ấy chấp nhận những khó khăn, thử thách đang đợi mình ở phía trước, không phải mong muốn có một cuộc sống nhung lụa, giàu sang, mà hơn ai hết, họ mong muốn được đón nhận, được cho đi tình yêu thương thực sự, nhưng không phải ai cũng hiểu.
Lấy chồng Tây có giàu không?
Những người thân, họ hàng hay bạn bè của cô dâu khi đến dự đám cưới đều thường hỏi câu: “Lấy chồng Tây có giàu không?”. Những câu hỏi kém duyên, soi mói đời tư của người khác luôn là căn bệnh phổ biến khó chữa của người Việt. Hẳn là cô dâu nào cũng thấy chạnh lòng khi quá nhiều người muốn biết lý lịch về người chồng tương lai của mình.
Nhiều nàng dâu bức xúc khi nghe những câu hỏi kém duyên. (Ảnh Pinterest)
Họ mặc định rằng, lấy chồng Tây chắc là giàu, và giàu cỡ nào, có những gì, chồng Tây làm gì… Những câu hỏi ấy luôn là đề tài bàn luận trong đám cưới, và ngay cả trong cuộc sống sau này khi nhắc đến hay bắt gặp nàng dâu Việt đi với chồng Tây khiến không ít cô gái cảm thấy chạnh lòng.
Chị Hương bức xúc: “Mình lấy chồng người Pháp, nhiều người gặp mình thường hỏi, mày lấy được của chồng bao nhiêu tiền rồi? Nghe nói chồng mày giàu lắm, số mày quả là sướng như tiên khi “lừa” được thằng Tây. Dù lấy chồng được nhiều năm, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại nhưng mình không khỏi buồn phiền khi vẫn thường xuyên nghe những câu hỏi vô duyên vô cớ như thế”.
Chồng Tây có già không?
Hôn nhân luôn dựa trên nền tảng tình yêu. Không ít cô gái Việt đã có những cuộc tình vô cùng lãng mạn với những chàng trai Tây. Nhưng có khá nhiều người Việt “mặc định” một cách “miệt thị” rằng, những cô gái Việt lấy chồng Tây thường lấy chồng già. Vì mong muốn đổi đời, vì muốn được sống ở nơi có điều kiện tốt hơn nên việc lấy chồng… già là điều đương nhiên.
Hôn nhân là để hạnh phúc và để yêu thương nhau. (Ảnh Saostar)
Vì thế, sẽ nhiều người hỏi như một lẽ tự nhiên, họ lấy chồng Tây có già không? Già hơn họ cỡ bao nhiêu tuổi. Những câu hỏi không phải thể hiện sự quan tâm đến nhau mà chỉ là sự soi mói khiến các nàng dâu Việt vô cùng buồn tủi.
Chị Quỳnh lấy chồng Hà Lan cũng tâm sự: “Khi mình cùng chồng về nước, ra mắt họ hàng, bạn bè người thân, mọi người thường tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi rằng: Tao tưởng mày lấy chồng già, bằng tuổi mày ở Việt Nam làm gì lấy được chồng, thoát ế là may… Đại loại những câu hỏi mà mình không muốn trả lời. Họ bất ngờ khi chồng mình chỉ hơn mình vài tuổi, và càng bất ngờ khi nghĩ rằng, trên 30 tuổi thì sẽ không… xứng đáng được hưởng hạnh phúc như thế”.
Chồng Tây có giúp gì được cho gia đình không?
Nhiều cô dâu Việt rất phiền lòng khi nhận được những câu hỏi kém duyên: “Chồng Tây có giúp gì được cho gia đình không?”. Đâu đó vẫn có những câu chuyện về những chàng rể “nhà người ta”, khi xông pha mang tiền của để xây nhà, lo việc nọ việc kia cho nhà vợ. Đó là những chàng rể được mọi người “tung hô”, khen ngợi.
Lấy chồng Tây chắc hẳn sẽ “mát lòng mát dạ” khi chắc hẳn họ phải giàu, phải chi mạnh tay giúp đỡ gia đình, anh em họ hàng nhà vợ. Đó là suy nghĩ dẫn đến việc hỏi những câu không nên hỏi như trên. Các nàng dâu không chỉ thấy đó là những câu “kỳ cục”, những câu “tại sao có thể thốt ra” từ miệng của mọi người dễ dàng đến thế.
Chị Mỹ Duyên, một nàng dâu Việt lấy chồng Tây cho hay: “Mình được hỏi mỗi tháng chồng gửi về cho bố mẹ bao nhiêu. Mình chỉ trả lời rằng, mình có đi làm, mẹ mình cũng vậy. Không có ai tàn tật không đi làm được đâu mà chồng phải gửi tiền về hàng tháng”.
Sao lấy chồng Tây mà vẫn phải đi làm à?
Lấy chồng Tây cũng là đi lấy chồng. Mọi cô gái dù lấy chồng ở đâu, giàu cỡ nào cũng cần có sự tự chủ, độc lập về tài chính để mọi người có thể tôn trọng và chính họ cũng cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp với các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, cũng có không ít người Việt “bất ngờ” khi thấy những nàng dâu Việt sang xứ người vẫn cặm cụi, cần mẫn làm việc. Họ buông ra những câu vô cùng khó nghe đại loại như: “Sao lấy chồng Tây mà vẫn phải đi làm”, “Tưởng lấy chồng Tây chỉ việc ở nhà ngồi mát ăn bát vàng”, “Sao lấy chồng Tây mà còn vất vả đi tìm việc như thế”…
Những nàng dâu Việt sẽ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương khi nghe câu hỏi: "Chồng Tây có giúp được gì cho gia đình không?"
Những cô gái Việt luôn mong muốn có một cuộc sống thật tốt. Ngay cả khi họ không phải lo về tài chính của gia đình nhưng họ vẫn muốn có một công việc để tự tin hơn, để hoàn thiện bản thân và để được hạnh phúc vì sống một cuộc sống không phải “dựa dẫm” vào bất kỳ ai, dù là chồng của mình.
Những quan điểm chồng ta, chồng Tây vẫn còn tồn tại ở phần lớn nhận thức của người Việt, đặc biệt là ở các vùng quê. Không phải ai cũng hiểu rằng, chồng Tây hay chồng Việt đều như nhau. Họ đến với nhau vì duyên nợ, vì tình yêu thương và vì mong muốn tạo lập một cuộc sống hạnh phúc. Dù cách xa nhau nửa vòng trái đất, họ đã tìm được nhau như một duyên phận, không mong mọi người nhìn họ với thái độ ngờ vực, chỉ mong nhận được sự chúc phúc thực tâm.
Gần 400.000 liều vaccine Pfizer do Mỹ viện trợ về đến Hà Nội
Sáng ngày 8/10, Việt Nam tiếp tục nhận thêm gần 400.000 liều vaccine Pfizer do Mỹ tài trợ, nâng tổng số liều vaccine mà Mỹ tặng Việt Nam lên gần 8,5 triệu.