Trận sóng thần chết chóc nhất lịch sử nhân loại

Ngày này 20 năm trước, trận động đất mạnh kích hoạt trận sóng thần tàn phá loạt nước ven Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người.

15:24 26/12/2024

Khoảng 8h sáng 26/12/2004, động đất mạnh 9,1 độ xảy ra ngoài khơi Ấn Độ Dương, tạo nên trận sóng thần ập vào bờ biển 14 quốc gia.

Nước biển ban đầu chỉ là một cơn sóng nhỏ đánh vào bờ, sau đấy là các đợt lớn hơn, có những trận sóng cao tới 30 mét, cuốn trôi nhà cửa, xe cộ, nhấn chìm nhiều khu dân cư ven biển.

Trong ảnh là khoảnh khắc những đợt sóng thần đầu tiên tấn công bờ biển Ao Nang của Thái Lan.

Du khách, người dân hô hào chạy trốn khi sóng thần ập vào đảo Koh Raya của Thái Lan.

Thảm họa xảy ra vào sáng ngày Boxing Day (Ngày tặng quà sau Giáng sinh). Hàng nghìn km bờ biển Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, Malaysia... bị tàn phá. Các thị trấn, làng mạc bị những đợt sóng cao hàng chục mét cuốn trôi.

Một người đàn ông ngồi trên đống đổ nát sau khi sóng thần quét qua ở thành phố ven biển Banda Aceh, tỉnh Aceh, Indonesia.

Không có hệ thống cảnh báo sóng thần nào được lắp đặt ở khu vực Ấn Độ Dương hồi năm 2004, khiến người dân không được báo trước và không kịp trở tay trước thảm họa.

Khoảnh khắc sóng thần tràn vào bãi biển Marina ở Chennai, Ấn Độ. Rất nhiều người chết đuối vì không có thời gian để chạy tới nơi cao hơn trước khi nước biển ập tới.

Một số nhân chứng kể lại rằng sau trận động đất ngoài khơi, họ thấy nước biển bỗng nhiên rút ra xa, dấu hiệu cảnh báo về trận sóng thần. Tuy nhiên, rất nhiều người khi đó không hiểu chuyện gì đang xảy ra và bỏ lỡ thời cơ sơ tán.

Những gì còn sót lại sau sóng thần ở đảo Phi Phi, Thái Lan.

Thảm kịch bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người, trở thành thảm họa tự nhiên thảm khốc nhất lịch sử nhân loại.

Cảnh quay trên không tại thành phố Banda Aceh, tỉnh Aceh, ba tuần sau khi bị sóng thần tàn phá.

Tỉnh Aceh, Indonesia, nơi gần tâm chấn nhất, cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 131.000 người chết, 565.000 người mất nhà cửa, gần 200.000 công trình bị hư hại, phá hủy.

Một phụ nữ Ấn Độ đau buồn khi tìm thấy thi thể người thân sau thảm họa, trong khoảnh khắc đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới năm 2004.

Ước tính 16.000 người thiệt mạng tại Ấn Độ, hàng nghìn người mất nhà cửa sau thảm họa.

Tình nguyện viên Canada Michael Furlong (trái) hỗ trợ du khách tìm kiếm người thân mất tích trong trận sóng thần bên ngoài Bệnh viện Patong ở Phuket, Thái Lan.

Động đất, sóng thần đã ảnh hưởng đến 6 tỉnh Thái Lan, phá hủy hoàn toàn 47 làng, trong đó có các khu resort nổi tiếng như Khao Lak. Thảm họa khiến khoảng 8.400 người, gồm cả du khách, thiệt mạng ở nước này.

Người dân cưỡi voi dọn dẹp đống đổ nát ở bờ biển Banda Aceh, Indonesia, ngày 4/1/2005.

Nhiều địa phương ở Aceh phải mất nhiều năm mới có thể hồi phục hệ sinh thái, cộng đồng dân cư như ban đầu. Hơn 800 km đường bờ biển trên khắp quốc đảo bị phá hủy.

Những người mất nhà cửa do sóng thần ở Banda Aceh nhận hàng hóa tiếp tế từ trực thăng của Mỹ.

Trận sóng thần sáng 26/12/2005 được xem là "một trong những cơn đại hồng thủy như trong Kinh thánh", Bernardo Aliaga, lãnh đạo cơ quan tái thiết sau sóng thần của UNESCO, nói.

Nơi xa nhất ghi nhận tử vong do sóng thần là ở cảng Elizabeth, Nam Phi, cách tâm chấn đến 8.000 km.

Một người nước ngoài tại khu vực dán thông tin người mất tích tại tòa thị chính tỉnh Phuket, Thái Lan, hai tuần sau thảm họa.

Thảm họa cũng được xem là "lời cảnh tỉnh toàn thế giới về nguy cơ sóng thần". Sau 20 năm, câu hỏi vẫn khiến người ta đau đáu là: "Nếu có thứ gì đó mang sức tàn phá lớn như vậy xảy ra một lần nữa, liệu chúng ta đã chuẩn bị tốt hơn chưa, liệu có nhiều người sống sót hơn không?"

Các nhà sư Thái Lan cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng do sóng thần ở Phuket.

Trải qua hai thập kỷ, Ấn Độ Dương hiện có ba trung tâm cảnh báo rung chấn, sóng thần hoạt động ngày đêm, theo dõi dữ liệu liên tục theo thời gian thực, đặt tại Jakarta, Indonesia, Melbourne và Canberra của Australia, Hyderabad của Ấn Độ.

Dù hệ thống này chưa toàn diện, giới chuyên gia tin tưởng rằng các cơ sở giám sát địa chấn ở Ấn Độ Dương đang được cải thiện, khi quốc tế nỗ lực phát triển mạng lưới cảm biến dưới đáy biển, có thể cung cấp năng lực quan trắc và cảnh báo sóng thần tốt hơn.

Tags:
Pháp: Tháp Eiffel bốc cháy

Pháp: Tháp Eiffel bốc cháy

Vụ hỏa hoạn lớn xảy ra ở tháp Eiffel khiến nhiều người phải sơ tán.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất