Tránh thói quen dùng chung chén chấm phòng Covid-19

Virus, vi khuẩn có thể bám vào đũa của người bệnh, lây qua chén nước chấm dùng chung, khiến mọi người trên bàn ăn dễ tiếp xúc mầm bệnh.

13:00 26/03/2020

Tác hại của việc ăn chung một chén chấm

Trong bữa cơm gia đình, nhiều người có thói quen dùng chung một chén gia vị như nước mắm, nước tương, tương ớt… Theo các bác sĩ, thói quen ăn uống chấm chung bát mắm, chung canh và gắp thức ăn cho nhau có thể làm lây vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Vi khuẩn này gây ra các bệnh về dạ dày – tá tràng, có nguy cơ khiến người nhiễm bệnh đến ung thư dạ dày.

Một số người còn dùng đôi đũa đang ăn của mình “khua khoắng” đồ ăn trên đĩa thức ăn… Thói quen ăn uống không đúng có thể là nguyên nhân để đưa vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể, nhất là hiện nay có Covid-19. 

Dùng chung chén chấm có thể là một trong những nguồn lây nhiễm vi khuẩn, virus.

Các chuyên gia y tế khuyên mọi người nên hạn chế thói quen chưa tốt trong sinh hoạt, ăn uống chung đụng nhằm tránh nguy hại cho sức khỏe bản thân, gia đình và những người xung quanh.

Cụ thể, khi gắp thức ăn cho nhau trong bữa cơm, các thành viên nên sử dụng một đôi đũa hoặc thìa chung, không dùng đũa đang ăn của mình gắp cho người khác. Không để đũa chung khi lấy thức ăn chạm vào bát của mình hoặc bát của người khác. Trước mỗi bữa ăn, cần chuẩn bị sẵn mỗi người một chén chấm nhỏ hơn riêng biệt.

Dùng chén chấm riêng được khuyến khích xây dựng xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phải giữ khoảng cách an toàn về vệ sinh, ăn uống trước tốc độ lây lan của Covid-19. 

Mỗi thành viên trong gia đình nên có chén nước chấm nhỏ khi ăn.

Mọi người cũng nên hạn chế ăn uống ngoài quán xá, nếu đi hàng quán nên chọn những nơi đảm bảo vệ sinh, có thể trụng bát, đĩa, đũa muỗng… qua nước sôi trước khi dùng. Trên bàn ăn, không nên uống chung hoặc cụng ly. Các thành viên có ly riêng, năng rửa sạch nhiều lần mỗi ngày.

Bỏ những thói quen chưa tốt phòng Covid-19

Bắt tay sau nhậu, đi vệ sinh xong quên không rửa tay, dùng chung son môi… cũng có thể truyền vi khuẩn, virus gây bệnh, trong đó có cả nCoV. Do đó, không bắt tay nhau và khi nói chuyện với nhau nên đứng xa từ một đến hai mét để giữ khoảng cách an toàn.

Mọi người cũng nên bỏ thói quen liếm nước bọt khi đếm tiền. Tiền qua tay nhiều người, bám nhiều loại virus, vi khuẩn, không chỉ có nCoV. Các chuyên gia y tế khuyên để phòng tránh Covid-19, mọi người nên rửa tay thường xuyên vào các thời điểm như: sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi cầm đếm tiền, tiếp xúc với bề mặt công cộng… theo sáu bước trong 20 giây. Bỏ những thói quen chưa tốt góp phần giúp phòng tránh lây nhiễm bệnh hiệu quả hơn.

Kim Uyên

Link nguồn: https://vnexpress.net/tranh-thoi-quen-dung-chung-chen-cham-phong-covid-19-4074118.html

Tags:
7 lối sống mà chúng ta nhất định phải thay đổi sau lần dịch bệnh này: Phải tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm!

7 lối sống mà chúng ta nhất định phải thay đổi sau lần dịch bệnh này: Phải tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm!

Một trận dịch bệnh giúp chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của sức khỏe, sự đáng quý của bình an. Tiền tài không mua được sinh mạng, lợi ích không đổi lại được sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất