Trẻ em Việt ở Mỹ bất ngờ được dạy ăn 'bốc' và ăn gì ở trường học?

Nhiều phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú của con em mình sau vụ hàng trăm trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh. Có con nhỏ đi học ở Mỹ, tôi cũng quan tâm đến chất lượng bữa ăn dù ở đây khá ổn.

05:30 22/03/2019

Em bé Việt học ăn ở xứ người

Tôi từng biết đến chuyện các cầu thủ nhí của học viện Hoàng Anh Gia Lai – JMG phải mất rất nhiều thời gian để tập đá bóng chân trần trước khi mang giày đinh nhưng khi chứng kiến con gái nhỏ 1 tuổi của mình “được” trường mẫu giáo dạy ăn theo kiểu Mỹ: tập bốc tay trước khi cầm muỗng thì vẫn không khỏi bất ngờ.

Vào 8 giờ sáng, 11 giờ trưa và 14 giờ chiều hàng ngày, các bé từ 1 đến 2 tuổi (có cả bé chưa đủ tuổi học ké) được rồng rắn đi rửa tay rồi đưa nhau đến ghế ăn. Dù chỉ được một chiếc răng hay đủ cả hàm thì các bé đều được cô giáo đặt thức ăn khô lên trên bàn ăn (dành cho ăn sáng và xế chiều) hay trên dĩa nhựa đủ màu (dành cho ăn trưa).

Trong ba mươi phút ngắn ngủi này, điều thích thú nhất của các bé là được thoải mái cầm thức ăn bóp vụn, nào vứt vãi tứ tung, nhiều bạn nhanh tay trét lên tóc hay bốc... đưa sang cho bạn bên cạnh. 

Biết tôi ngỡ ngàng và ...lo lắng, giáo viên giải thích rằng các bé dù chỉ có một răng nhưng vẫn được khuyến khích tự nhai để kích thích răng phát triển và kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Giáo viên tập tạo cho các bé cảm giác thích ngồi ăn hơn là thích đồ ăn vì các bé ít cảm giác đói, chỉ thích khám phá thế giới đồ ăn bằng tay hơn... mồm.

Các thành phần chính của mỗi bữa ăn được in lên đĩa nhựa phục vụ các cháu trong bữa ăn
Các bé 1-2 tuổi chỉ thích khám phá thế giới đồ ăn bằng tay hơn... mồm 

Theo họ, các cháu cũng sẽ bị bẩn tay, dơ áo nhưng điều đó sẽ giúp cho cơ thể phát triển làm quen với “germ” (vi trùng) xung quanh. Dĩ nhiên là sau mỗi bữa ăn được phục vụ, các cô sẽ vệ sinh sạch sẽ để cho các cháu vui chơi.

Từ khi học mẫu giáo lớn, mỗi học sinh sẽ có được thói quen lựa chọn loại thức ăn mình thích trong số các tuỳ chọn được trường cung cấp cho bữa trưa hàng ngày bằng cách dán yêu cầu đó lên tường, lên bảng thống kê... để giáo viên chủ nhiệm kiểm đếm và báo suất ăn cho căn tin.

Bữa ăn cũng sẽ được tính toán theo lượng calories để phụ huynh có thể theo dõi tránh cho con em mình bị bệnh béo phì hay sữa uống thường được phục vụ với loại giảm lượng béo (reduced-fat milk 2%).

“Nhập gia tuỳ tục” cho việc ăn của trẻ cấp 1

Từ trường nhỏ đến trường lớn ở Mỹ, phụ huynh luôn được cung cấp thực đơn hàng ngày của tuần qua bảng thông báo cuối tuần gửi bằng thư hoặc email để có thể lựa chọn việc nấu ở nhà mang đi cho trẻ nếu chúng không thích ăn món ở trường cũng như sợ bị dị ứng với món được phục vụ hôm đó.

Khẩu phần ăn sáng của học sinh cấp 1
Ở Mỹ, nhà trường không được quyền từ chối phục vụ thức ăn cho học sinh đang nợ tiền ăn vì phụ huynh chậm đóng 

Giá tiền của bữa ăn trưa được quy định tuỳ vào trường và mỗi bang cũng khác nhau tuy nhiên có điểm chung là hỗ trợ miễn phí cho các gia đình nghèo hoặc giảm giá cho các hộ... cận nghèo.

Tại trường Roscoe Wilson (thành phố Lubbock, Texas) do căn tin không thể chứa hết học sinh nên các lớp được chia giờ ra cách nhau 5 phút để ngồi ăn, đúng 30 phút sau phải thu dọn thức ăn để lớp khác vào. Do vậy vào các buổi sáng, nếu phụ huynh nào chưa quen mà thấy các bé nhỏ đổ thức ăn thừa ào ào hay buổi chiều về thức ăn mang đi của con vẫn y nguyên thì đừng xót ruột vì thời gian ăn uống không có ngoại lệ cho bất cứ học sinh nào hay thức ăn thừa phải đổ bỏ, không tái sử dụng.

Đến giờ ăn, mỗi học sinh phải sắp hàng vào căn tin theo số thứ tự được gắn từ khi khai trường. Con gái lớn tôi “sún răng ăn chậm” mà số lại là 14 nên tôi phải viết thư để nhờ cô giáo “nâng đỡ số má” lên cho đứng hàng đầu để lấy thức ăn vì ăn quá chậm không theo được... phe kia.

Trường hợp một trong bốn chiếc lò vi sóng của căn tin bị hỏng đột xuất làm ách thời gian của học sinh, khi đi học về thấy con vẫn còn thừa nhiều thức ăn và biết được lý do, tôi liền email cho cô hiệu trưởng để phản ánh. Ngay sáng ngày mai, chiếc lò vi sóng mới đã được hiện diện thay thế như thể có... Bụt hiện ra!

Học tốt sẽ được ngồi ăn với... cô giáo chủ nhiệm

Trong chương trình học ở lớp 4 của con gái lớn của tôi, cô giáo viên chủ nhiệm tặng điểm thưởng cho học sinh khi làm những việc tốt, năng nổ phát biểu và đọc nhiều sách. Số điểm này được tích luỹ và đổi thành tiền giấy giả rồi mỗi khi đủ số tiền 10 USD thì được quy đổi thành một phiếu cho phép... ngồi ăn trưa với giáo viên chủ nhiệm.

Buổi ăn trưa cuối năm được tổ chức ở ngoài trời cùng cha mẹ học sinh

Khi đó các bé sẽ có dịp được “tám” thoải mái với cô giáo về nhiều chuyện trên trời dưới biển mà khi học không thể hỏi han.

Thỉnh thoảng nhà trường cũng tổ chức cho các cháu nhiều hoạt động có liên quan đến bữa ăn như: Ăn trưa với hiệu trưởng, ăn trưa với ông bà vào ngày “Grandparent’s Day” (ai không có ông bà sống cùng thì có thể mời người già hàng xóm hoặc người thân lớn tuổi tham dự cùng), ăn trưa với cụ cựu chiến binh vào ngày “Veteran’s Day”...

Hàng ngày phụ huynh có thể ngồi chơi trò chuyện với con cái khi chúng đang ăn sáng hoặc gọi suất ăn cùng và thanh toán phần của người lớn.

Việc tổ chức tiệc ngọt tại trường học như là sinh nhật, lễ hội mùa thu, Valentine... phải tuân thủ quy định của trường và của Quận, thậm chí một số bang như Texas, Wisconsin, Nebraska, Missouri... không cho phép học sinh mang bánh ngọt để chia cho các học sinh khác mừng sinh nhật do sợ các cháu bị dị ứng.

Trong các lễ hội được tổ chức từng lớp này, mọi người thực hiện theo hình thức “góp gió” nghĩa là hội phụ huynh đứng ra đưa danh sách để mỗi phụ huynh đóng góp vào để ngày hội được đầy đủ. Tuy nhiên không phải thích gì góp nấy mà phải tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo danh sách được nhà trường cho phép với các thực phẩm được mua có xuất xứ rõ ràng. 

Đầu năm, phụ huynh đóng tiền vào tài khoản qua mạng hoặc trả bằng séc cho con em của mình, khi gần hết tiền sẽ được báo về email để nạp thêm tiền. Đặc biệt, nhà trường không được quyền từ chối phục vụ thức ăn cho học sinh đang nợ tiền ăn do phụ huynh không đóng kịp mà hai bên sẽ cùng tìm giải pháp hỗ trợ bởi khi phụ huynh không đủ tiền nộp có khi do gia đình đang gặp khó khăn về tài chính chứ không phải là cố tình... quên. Đến cuối năm số tiền dư sẽ được chuyển sang năm học mới hoặc hoàn lại phụ huynh.

Đặc biệt nhất là vào ngày tổng kết cuối năm, mọi phụ huynh sẽ được mời đến ăn uống tập thể cùng với các bạn trong trường ở ngoài sân thể dục như là một lời chia tay vui vẻ.

Nguồn: thanhnien.vn

Tags:
Các nước châu Âu bị chỉ trích thờ ơ trước nạn buôn bán trẻ em Việt sang Anh

Các nước châu Âu bị chỉ trích thờ ơ trước nạn buôn bán trẻ em Việt sang Anh

Những nạn nhân b.u.ô.n người là trẻ em Việt Nam không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền các nước châu Âu và bị họ xem như tội phạm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất