Triều Tiên cần Mỹ hành động cụ thể, chứ không cần lời hứa đảm bảo an ninh trên giấy
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên trước đây tưởng như không thể thực hiện được, nay đã diễn ra. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là mọi việc đã xong xuôi.
06:30 14/06/2018
Một khởi đầu mới
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Singapore ngày 12/6/2018 sẽ được ghi vào lịch sử như một trong những sự kiện quan trọng nhất không chỉ trong quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng, mà còn trong quan hệ quốc tế.
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương chức gặp trực tiếp một nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Triều Tiên sau gần 70 năm căng thẳng và thù địch. Rất khó có thể tưởng tượng được rằng cách đây ít lâu, hai bên còn tuyên bố sẽ tiêu diệt lẫn nhau, thóa mạ nhau bằng những lời lẽ không thể xấu hơn, bây giờ lại có thể gặp gỡ nhau, bắt tay nhau thân thiện đến như vậy.
Trong bối cảnh căng thẳng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân, riêng việc tổ chức được cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã là một thành công lớn, chứ chưa nói đến kết quả tích cực của nó.
Ông Trump và ông Kim đã ký một Tuyên bố chung bốn điểm, nhưng nội dung quan trọng nhất là Triều Tiên cam kết giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân và Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Đây là vấn đề cốt lõi và mối quan tâm hàng đầu của Triều Tiên với Mỹ đã đạt được trong thỏa thuận. Có thể coi đây là bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước.
Dư luận quốc tế, và kể cả chính giới cũng như xã hội, đều hoan nghênh và đánh giá tích cực cuộc gặp gỡ Trump-Kim và Tuyên bố chung Mỹ-Triều Tiên.
Một số nhà quan sát chính trị còn so sánh cuộc gặp gỡ này với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972, và cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tại Raykiavich tháng 10/1986, ký kết thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân của hai cường quốc lớn nhất thế giới được coi là khởi đầu cho những sự thay đổi của nền chính trị toàn cầu.
Bước đi đầu tiên trên con đường ngàn dặm
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều trước đây tưởng như không thể thực hiện được, nay đã diễn ra. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là mọi việc đã xong.
Đúng là cả hai phía đều muốn cuộc gặp thành công. Ông Trump đã làm được một việc mà tất cả các đời Tổng thống Mỹ từ trước đến nay không làm được, đó là buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Còn ông Kim Jong-un thì đã thực hiện được mơ ước của ông nội Kim Il-sung và cha mình Kim Jong-il về việc phá bỏ thế cô lập, đưa đất nước hội nhập vào cộng đồng quốc tế, tập trung xây dựng một nước Triều Tiên hòa bình và thịnh vượng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng Tuyên bố chung Trump-Kim mới chỉ là bước đầu thỏa thuận được một số nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Các cuộc đàm phán về các vấn đề cụ thể sẽ còn hết sức khó khăn, phức tạp và kéo dài. Mặc dù khẳng định rất mạnh mẽ sẽ làm hết sức mình để thực hiện các cam kết, nhưng cả hai phía vẫn thể hiện sự không tin tưởng lẫn nhau.
Lúc đầu, ông Trump nói rất tự tin rằng sẽ đạt được thỏa thuận "rất nhanh" để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, nhưng sau đó lại cho rằng không thể đòi Triều Tiên từ bỏ ngay vũ khí hạt nhân, mà phải đàm phán lâu dài và có thể phải cần đến nhiều cuộc gặp thượng đỉnh nữa. Trong khi đó, Bình Nhưỡng chắc chắn không sẵn sàng từ bỏ nhanh chóng toàn bộ chương trình hạt nhân của mình như mong muốn của Washington.
Năm 1994, Triều Tiên và Mỹ cũng đã ký một thỏa thuận tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, từ bỏ thù địch, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Về vấn đề hạt nhân, Triều Tiên đồng ý đóng băng và tiến tới chấm dứt chương trình hạt nhân của của mình để đổi lấy dầu mỏ và được hỗ trợ xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ thay cho các lò phản ứng có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, chính quyền ông George Bush lúc đó đã không thực hiện thỏa thuận.
Sáu vòng đàm phán với sự tham gia của sáu nước gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản kéo dài từ 2003 đến 2007 cũng đã đạt được các thỏa thuận tương tự, nhưng đều bị đổ vỡ do có nhiều bất đồng nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, Thỏa thuận Raykiavich giữa Mỹ và Liên Xô năm 1986 về việc cùng cắt giảm vũ khí hạt nhân của hai nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của Liên bang Xô Viết, do Washington không thực hiện nghĩa vụ của mình. Mới đây nhất, Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran mặc dù đã ký và đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Để thỏa thuận Trump-Kim thực hiện được, cần phải có các biện pháp hết sức cụ thể và thực chất. Nếu ông Trump chỉ dùng kết quả cuộc gặp với Kim Jong-un vào mục đích tuyên truyền để chứng tỏ quyền lực và nâng cao uy tín của mình trước các vụ bê bối trong nước, và tranh thủ lá phiếu tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến vào tháng 11 tới, thì ông này sẽ lại đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Triều Tiên không thể dễ dàng từ bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình nếu không có sự đảm bảo chắc chắn về an ninh. Tôi tin rằng, qua những bài học của quá khứ, Triều Tiên sẽ không dễ dàng tin vào những lời hứa trên giấy của Mỹ về bảo đảm an ninh cho Triều Tiên, mà phải được cụ thể hóa bằng hành động.
Một số nhà quan sát cho rằng, cần phải có sự đảm bảo của bên thứ ba, và hai nước đồng minh Trung Quốc và Nga có thể là "cái ô" hạt nhân cho Triều Tiên trong trường hợp Triều Tiên bị Mỹ tấn công. Về phần mình, để lấy lại lòng tin, Washington cần xem xét dỡ bỏ dần dần các biện pháp trừng phạt, bình thường hóa quan hệ và giúp Triều Tiên khôi phục và phát triển kinh tế.
Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã lên tiếng sẵn sàng tác động để tuyên bố chung Mỹ-Triều Tiên được thực hiện. Theo hướng này, các cuộc đàm phán sáu bên bị gián đoạn từ năm 2007 cần phải được nối lại càng sớm càng tốt, nhằm tìm ra một giải pháp công bằng và bền vững đáp ứng được yêu cầu và lợi ích của tất cả các bên liên quan, tiến tới thực hiện mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa toàn bộ trên bán đảo Triều Tiên như đã nêu rõ trong Tuyên bố chung Trump-Kim.
Nguồn: soha.vn
Ngoại trưởng Mỹ đề nghị đảm bảo an ninh đặc biệt cho Triều Tiên
Mike Pompeo cho biết việc đảm bảo an ninh sẽ "khác biệt và độc đáo" hơn điều Mỹ từng làm nếu Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân.